Bí ẩn lâu đài Himeji nhật bản

10/10/2012

Lâu đài Himeji là một trong những di tích lịch sử cổ nhất và nổi tiếng nhất ở Nhật Bản, được người Nhật coi là Quốc Bảo của mình. Lâu đài còn là một tòa thành đứng đầu trong 3 tòa thành quý nhất ở Nhật (Tam đại Quốc bảo thành), không chỉ bởi vẻ đẹp cổ kính của nó mà còn bởi những truyền thuyết và lịch sử quanh nó như quyện vào nhau. Chỉ một lần đến thăm du khách dường như thấy được cả một trang lịch sử cô đọng và sống động của thời cận đại. Từ năm 1993, Himeji đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

PGS.TS:  Trịnh Sinh

Vị trí địa lý

Nằm ở miền trung Nhật Bản, thuộc tỉnh Hyogo, liền kề với cố đô Kyoto nên vùng đất này giữ được nhiều nét ảnh hưởng văn hoá truyền thống của cố đô một thuở. Nhiều thành quách lâu đài, phong tục tập quán của một vùng kế cận kinh đô đã lưu giữ được khá hoàn hảo một thời kỳ mà vùng miền trung Nhật Bản này là trung tâm của một Quốc gia.

Lâu đài Himeji nằm trong trung tâm thành phố Himeji, cách thủ đô Tokyo 650 km về phía tây. Lâu đài Himeji mang biệt danh là “ White Heron” vì các bức tường của nó được che phủ bằng một lớp thạch cao trắng. Tòa lâu đài này được xây dựng bằng gỗ chứ không phải bằng đá, nên người ta phải quét một lớp thạch cao trắng để chống cháy ở tất cả các bức tường, cũng như toàn bộ cấu trúc bên trong bên ngoài.

 Du khách có thể đi tàu đường sắt cao tốc xuyên Nhật, dọc bờ biển xinh đẹp, ngắm đỉnh núi Phú Sĩ tuyết đang tan còn đọng lại trên đỉnh như mũ đội đầu của ông già Nô-En, ngắm những cây cầu xuyên từ đảo nọ sang đảo kia cực kỳ hiện đại, qua các thành phố cảng biển nổi tiếng Osaka, Kobe và dừng chân tại thành phố du lịch này, chỉ cách Kobe có 55 km về phía tây.

Theo thư tịch cổ Nhật Bản, đây là một thành cổ có từ năm 1346. Vào thời vị tướng tên là Ikeda Teramasa nắm quyền kiểm soát khu vực này, xã hội thanh bình và ông đã cho xây lại lâu đài này vào năm 1600. Trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, lâu đài đã bị bom phá huỷ một phần, sau đó đã được trùng tu cơ bản như hiện nay.

Từ xa, có thể thấy lâu đài Himeji lộng lẫy, nguy nga, được người Nhật ví như hình tượng một con " diệc trắng " - một loài chim cao quý, tượng trưng cho sự thanh khiết cao thượng của người quân tử - đang bay trong ráng chiều. Lâu đài lại được bao bọc bởi một rừng cây xanh của công viên Himeji kokoen, điển hình một công viên truyền thống của Nhật.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Kiến trúc độc đáo

Himeji được xây dựng trên đỉnh ngọn đồi Himeyama cao 45,6m so với mực nước biển. Himeji nổi tiếng không chỉ do tháp chính lớn mà còn bởi cả một hệ thống phòng thủ phức tạp giống như một mê cung. Ngày nay, tuy các lối đi trong lâu đài được đánh dấu rõ ràng, nhưng du khách viếng thăm vẫn bị lạc không tìm thấy lối ra.

Lâu đài có một nét gì đó của nghệ thuật Trung Hoa ở chỗ chọn vị trí ẩn hiện trong rừng cây, nhô cao trên đỉnh đồi giống những chùa tháp, lại có một nét nào đó của nghệ thuật Phương Tây trong dáng vẻ của một lâu đài vững chắc thời Trung cổ.

Từ lâu, người Nhật đã ý thức được giá trị bảo tồn của lâu đài Himeji. Vì thế, đất đai xung quanh khu vực lâu đài hầu như không được phép dùng để xây dựng các công trình dân sinh, không có một toà nhà cao tầng nào mọc lên để “tranh giành” khoảng không gian chỉ dành riêng cho lâu đài.

Nhìn từ trên xuống, chúng ta có thể thấy bình diện lâu đài Himeji như một ốc đảo hình bầu dục. Viền bên ngoài là một hào nước sâu, bao quanh lâu đài là một bức tường đá, rồi đến một dải cây, chủ yếu là tùng bách viền quanh. Ngoài cùng, bao bọc lấy cả lâu đài là một khu công viên rộng rãi. Lâu đài không có nhiều cổng ra vào, lối vào lâu đài ở chính hướng nam rất kiên cố.

Cả lâu đài có 6 tầng lầu được dựng nên bởi những chiếc cột gỗ có đường kính lớn, chống thẳng chịu lực. Có những cột to được xác định niên đại bằng phương pháp khoa học tự nhiên cách đây những 780 năm, thuộc loại đại cổ thụ hiếm thấy và được làm từ loại gỗ bách. Các xà ngang, xà dọc cũng được làm từ gỗ, ngay cả những vách ngăn cũng được làm từ những ván gỗ xẻ, không sơn mà vẫn mang mầu tự nhiên của vỏ gỗ. Kỹ thuật liên kết giữa các cột và xà cũng là kỹ thuật ghép mộng như kỹ thuật dựng đình chùa ở ta.Đặc biệt, cầu thang nối các tầng được thiết kế không trùng nhau ở cùng một vị trí toạ độ mà được bố trí rải rác tạo nên những góc hiểm giúp cho công việc phòng thủ lợi hại.

Trên tầng lầu cao nhất của lâu đài, ta có thể thấy toàn thể thành phố du lịch vừa cổ kính vừa hiện đại, xa xa là màu xanh ngăn ngắt của vịnh biển nội địa Nhật Bản, phong cảnh hữu tình. Vì là pháo đài nên ở tầng dưới cùng chỉ mở ít cửa, làm bằng gỗ, then cài cửa đóng kiên cố, những trụ cửa cũng như bệ đỡ cửa được làm từ những khối đá to, chạm khắc hoa văn cầu kỳ.

Bên trong lâu đài gồm nhiều ngôi nhà có kiến trúc khá nhất quán, thông nhau bởi các lối đi ghập ghềnh. Có nhiều phòng nhỏ dọc theo hành lang, có phòng dành cho tướng lĩnh, phòng cho binh sĩ và phòng dành cho phụ nữ. Đặc biệt, ở cạnh đông của nhà Daitenshu (Đại Thiên) có một toà án nhỏ, nơi dành riêng cho các hiệp sĩ Samurai làm lễ tự vẫn theo đúng nghi thức Seppuku.

Điểm độc đáo của lâu đài là có những dãy hành lang dài hun hút, quanh co, được làm toàn bằng gỗ, có niên đại khoảng đầu thế kỷ 17. Lâu đài có rất ít cửa sổ được mở, mà chỉ là những cửa sổ hẹp hình chữ nhật vì trước hết đây là một pháo đài phòng thủ. Đường đi trong lâu đài dích dắc, cửa sổ pháo đài ở những góc lợi hại, thuận tiện cho quân sĩ bắn những mũi tên có lửa, bắn súng, đổ đá và nước chì lỏng vào quân địch, mà nếu có tấn công thì quân địch phải vượt qua những dốc đồi thẳng đứng mới tới được những tầng cao của lâu đài.

Nét đẹp kiến trúc của lâu đài Himeji, ngoài kết cấu chủ lực bằng gỗ, còn thể hiện ở các tầng mái ngói ống màu xanh, đầu mái cũng như diềm mái được trang trí hoa văn hoa lá thanh thoát, được tạo ra từ cách dập nổi hoa văn từ trước khi nung. Các viên ngói ống này được sản xuất hàng loạt, quy chuẩn kể cả từ kích thước tới những đường nét hoa văn. Chỉ cần nhìn những viên ngói này chúng ta đã thấy được kỹ thuật chế tạo vật liệu xây dựng ở trình độ cao, chỉn chu mà mực thước của người thợ thủ công Nhật Bản.

Nhìn từ xa, các nếp mái thẳng hàng song song với nhau như đường kẻ chỉ, góc đà đao không cong vút như kiến trúc tôn giáo của người Việt,vì thế  tạo ra một cảm giác bề thế. Đầu hồi của hai mái thường gắn biểu tượng động vật như phong cách kiến trúc ở nhiều vùng Đông Á, mặc dù những hình tượng động vật không to lắm. Hệ thống mái của lâu đài không to bè mà có góc nhọn là một đặc điểm của hệ mái ở vùng lạnh, chịu được sức nặng của tuyết rơi trong mùa đông. Các lớp mái được trổ theo nhiều góc, tạo thành những đường viền mái song song hoặc vuông góc với nhau, làm cho các nếp mái của 6 tầng lầu nhấp nhô đẹp mắt. Đây cũng là một đặc thù của kiến trúc cổ ở Nhật Bản, ta có thể gặp được trong nhiều kiến trúc thời cổ đại và cận đại. Nhìn chung, kiến trúc truyền thống Nhật Bản có sự ảnh hưởng của kiến trúc Trung Quốc và Triều Tiên và  vẫn mang được bản sắc riêng của mình.

Nhưng có lẽ đẹp nhất là sự hoà trộn cảnh quan nơi đây. Lâu đài đột ngột nổi lên giữa một màu xanh của cây cỏ, màu nâu xám của tường đá và điểm xuyến mỗi mùa một màu hoa rực rỡ.

Trước khi rời nơi đây, du khách còn thấy một cái giếng có thành xây bằng những cột đá vuông dựng xung quanh ở phía nam của lâu đài, nơi có một truyền thuyết đẫm nước mắt về một hồn ma mãi không siêu thoát. Câu chuyện nổi tiếng BanshuSara- Yashiki kể về linh hồn của một cô người hầu trong lâu đài, bị tra tấn gần chết vì bị kết tội oan là ăn trộm một cái đĩa quý và bị quẳng xuống giếng sâu, hằng đêm vẫn có người nghe thấy tiếng kêu gào thảm thiết ai oán của cô.

Lâu đài Himeji là một điểm du lịch lớn, vì thế, người ta cũng xây một số ngôi nhà tạm trong khuôn viên mang phong cách kiến trúc của lâu đài. Du khách có thể mua sách báo kể về sự tích, truyền thuyết của lâu đài và nhiều đồ kỷ niệm truyền thống của Nhật Bản. Nơi đây cũng có quán " xem bói ", đông người bỏ tiền ra rút thẻ. Nếu thẻ nói đúng tiền vận, hậu vận của khách lãng du thì đem lại niềm vui khôn tả trong một khung cảnh pha chút lãng mạn tâm linh, còn nếu không đúng thì cũng là một kỷ niệm vui trong một chuyến đi vãng cảnh. Âu đấy cũng là một nét đẹp tinh thần truyền thống của người Nhật được bảo tồn qua nhiều thế hệ.

RELATED ARTICLES