Lặn biển ngắm san hô là trải nghiệm thú vị được nhiều khách du lịch lựa chọn trong những năm gần đây. Còn gì thú vị hơn khi được khám phá "khu rừng rực rỡ" dưới đáy biển với những rạn san hô và những loài cá cực lạ, sặc sỡ muôn màu muôn vẻ. Biển Việt Nam có rất nhiều vùng san hô sinh sống và phát triển thành một quần thể như: Phú Quốc, Cát Bà hay Quảng Nam... nên các vùng biển này đều là những điểm đến hấp dẫn du khách yêu lặn biển.
Tuy nhiên, thực tế đáng buồn là tình trạng các rạn san hô tại một số nơi đang giảm dần về cả số lượng lẫn chất lượng do ảnh hưởng từ chính các hoạt động du lịch. Rạn san hô không chỉ là cảnh đẹp mà còn chính là nơi cung cấp chỗ ở và thức ăn cho nhiều loài cá, động vật biển. Không chỉ thế, rạn san hô còn hỗ trợ con người khi đóng vai trò vành đai bảo vệ bờ biển, ngăn cản sóng lớn, gió bão, ngập lụt. Chúng cũng là nguồn sinh kế cho bao thế hệ người dân làm nghề chài lưới, cho các công ty du lịch, cung cấp các tour lặn biển ngắm san hô và to lớn hơn, là nền du lịch của các quốc gia và toàn cầu.
Chính bởi sự quan trọng đặc biệt ấy mà mỗi người khi đi du lịch đều rất cần có ý thức quan tâm tới bảo vệ môi trường sống của san hô. Tuy nhiên, bạn sẽ rất ngạc nhiên khi biết rằng chính những hành động nhỏ nhất khi tham gia du lịch của mình cũng sẽ góp phần bảo vệ loài động vật này.
Lựa chọn các tour du lịch sinh thái hoặc du lịch tình nguyện
Xu hướng du lịch xanh, du lịch sinh thái đang phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây khi các du khách ngày càng có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường và du lịch bền vững. Bên cạnh đó, các hoạt động du lịch tình nguyện cũng dần trở nên phổ biến khi kết hợp giữa tham quan, nghỉ ngơi, khám phá với các hoạt động từ thiện, tình nguyện bảo vệ môi trường. Một số vùng du lịch ở Việt Nam đã có những hoạt động dọn rác thải trên biển, nổi bật như: Đà Nẵng, Quảng Nam, Kiên Giang, Ninh Thuận...
Do vậy, ngay khi đi du lịch vào mùa hè này hãy lựa chọn và ủng hộ những công ty tổ chức tour du lịch sinh thái và du lịch tình nguyện. Những hướng dẫn viên du lịch đầy kinh nghiệm trong các chuyến đi này sẽ có rất nhiều điều "hay ho" để chia sẻ với bạn, từ việc môi trường ô nhiễm, nước biển nóng lên, biến đổi khí hậu cho tới các hoạt động đánh bắt thủy sản của con người đang làm các rạn san hô suy yếu với tốc độ nhanh chóng như thế nào.
Tìm hiểu thông tin kỹ càng về vùng biển sắp tới
Vì tính khẩn cấp và quá tải nên nhiều điểm đến hiện nay đã cập nhật thông tin, hướng dẫn du khách các bộ quy tắc ứng xử để có thể du lịch một cách thân thiện với môi trường. Tại một số quốc đảo nổi tiếng với hệ sinh thái san hô, du khách thường phải ký các bản cam kết tuân thủ nội quy khi tham gia các hoạt động du lịch và phải chịu mức phạt rất lớn nếu vi phạm. Hay điển hình tại Cù Lao Chàm - Quảng Nam, hòn đảo nhỏ bé này đã thực hiện chính sách không sử dụng túi nilon từ rất nhiều năm nay và yêu cầu các du khách đến thăm đảo cũng tuân thủ quy tắc để bảo vệ môi trường biển nơi đây.
Do vậy, trước khi đi du lịch, bạn hãy dành chút thời gian kiểm tra các website du lịch của điểm đến để có thể được cung cấp đầy đủ thông tin về những sáng kiến du lịch bền vững, các hoạt động tình nguyện hay các quy định cũng như cam kết bảo vệ môi trường.
Giảm thiểu rác thải nhựa khi đi du lịch
Khi chuẩn bị hành lý đi du lịch, hãy nhớ mang theo những vật dụng thiết yếu cho bản thân như: chai đựng nước cá nhân, túi đựng đồ dùng nhiều lần, đồ dùng vệ sinh… để hạn chế tối đa lượng rác thải nhựa dùng một lần mà bạn mua sẵn trên đường hoặc dùng tại khách sạn.
Bởi những rác thải nhựa dùng một lần này phần lớn đều được thải ra các đại dương và làm tổn thương nghiêm trọng tới các sinh vật biển. Vì vậy, đừng xả rác bừa bãi khi đi du lịch và hạn chế lượng rác thải nhựa mà bản thân sử dụng chính là một cách rất đơn giản để có thể bảo vệ môi trường sống của rạn san hô.
Sử dụng hóa mỹ phẩm thân thiện với môi trường
Hóa mỹ phẩm điển hình nhất khi tham gia du lịch biển đó chính là kem chống nắng! Rất nhiều loại kem chống nắng chứa các chất gây hại cho môi trường biển và san hô, như: oxybenzone, avobenzone hay octinoxate. Các chất này thường có trong các loại kem chống nắng dạng hóa học và sẽ gây nên hiện tượng "tẩy trắng" san hô cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến da và vỏ của các loài sinh vật biển khác.
Ước tính mỗi năm các khu du lịch biển ở Hawaii phải hứng chịu tới khoảng 2,7 tấn kem chống nắng phát tán vào nước bởi các hoạt động lặn và tắm biển. Do vậy, Hawaii (Mỹ) và quốc đảo Palau ở Thái Bình Dương là hai nơi đầu tiên thắt chặt quy định về kem chống nắng chứa các chất cấm. Thậm chí, bạn sẽ bị phạt lên đến 1.000 USD và truy cứu trách nhiệm hình sự nếu cố tình mang, buôn bán và sử dụng kem chống nắng có các chất cấm tại Palau. Do vậy, hãy lựa chọn sử dụng các loại kem chống nắng dạng vật lý và không chứa các chất cấm để góp phần đáng kể vào công tác bảo vệ san hô ở những nơi bạn ghé chân.
Ngoài ra, việc hạn chế sử dụng dầu gội đầu hoặc sữa tắm tại các khu vực tắm tráng trên bãi biển cũng là một hành động nhỏ nhưng vô cùng thiết yếu để không gây ô nhiễm nguồn nước tại các bãi biển.
Từ chối các mặt hàng từ san hô
Một trong những lý do san hô bị khai thác là để làm quà lưu niệm cho du khách, hoặc phục vụ kinh doanh cá cảnh. Trên thực tế, nhiều người không biết san hô là những sinh vật sống và việc nhu cầu mua tăng cao đã thúc đẩy việc tàn phá hệ sinh thái này.
Không chỉ san hô, việc du khách tìm mua các loại cá, sao biển hay sản vật tự nhiên cũng khiến cho các loài này bị đe dọa. Hãy trở thành một du khách có trách nhiệm khi từ chối các món quà lưu niệm có nguồn gốc từ san hô hay các sinh vật biển. Khi không thể tiêu thụ được những mặt hàng này thì việc khai thác cũng sẽ giảm đi nhanh chóng.
Không chạm vào san hô
Sau cùng, khi tham gia lặn biển hay lặn ngắm san hô, hãy tránh các tác động dù là nhỏ nhất đến môi trường tự nhiên. Điển hình là không đụng chạm hay giẫm chân lên các rạn san hô. Các nhà khoa học khuyến cáo du khách và thợ lặn nên giữ khoảng cách với san hô vì chỉ riêng việc sử dụng bình dưỡng khí hay tìm bới các loại vỏ sò cũng có thể khuấy động trầm tích và bóp ngạt san hô.
Ngay cả những loại san hô đã chết hay bạc màu, cũng không nên chạm vào vì đây thường là nơi trú ẩn của các loài sinh vật biển khác. Bạn nên dừng lại ở việc nhìn ngắm hay chụp ảnh các rạn san hô ở khoảng cách 20 - 30 cm.
Những chiếc thuyền cũng có thể gây tổn thương nghiêm trọng cho các rạn san hô ở vùng nước nông. Nếu bạn sử dụng một chiếc thuyền cá nhân, hãy bảo vệ san hô bằng cách sử dụng dây neo hoặc chỉ thả mỏ neo tại những vị trí có vùng cát.