Du lịch chung tay bảo vệ môi trường

18/07/2019

Vừa qua, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã phối hợp với Hiệp hội Du lịch Phú Thọ, Hòa Bình, Sơn La và các doanh nghiệp du lịch phát động chương trình hành động “Du lịch chung tay bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa”.

Chương trình có sự tham gia của gần 100 thành viên đại diện cho các doanh nghiệp lữ hành phía bắc, đại diện cho Diễn đàn các doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ (VTF), của Chi hội Du lịch cộng đồng Việt Nam (VCTC)… Các thành viên diễu hành, quảng bá mục đích của chương trình tại ba điểm đến là thành phố Việt Trì, thành phố Hòa Bình và thị trấn Mộc Châu. Tại những điểm đến này, đoàn dán các poster tại những khách sạn, nhà hàng đạt tiêu chuẩn “xanh, sạch, đẹp, thân thiện với môi trường”, kết hợp với thu dọn rác thải, làm sạch môi trường.

Du lịch Việt Nam đang phát triển nhưng vấn đề môi trường ở Việt Nam cũng đang rất nhức nhối. Năm 2018, ngành du lịch Việt Nam phục vụ hơn 80 triệu lượt khách nội địa và 15 triệu khách nước ngoài. Với khách đi tour, các đơn vị lữ hành thông thường sẽ phát từ 1 đến 2 chai nước mỗi ngày. Như vậy, hàng trăm triệu chai nhựa cần phải xử lý. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ cũng thải ra môi trường nhiều rác nhựa như ống hút, túi nilon với số lượng lớn, khiến môi trường bị ảnh hưởng nặng nề.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
1

Ông Phùng Quang Thắng, đại diện Hiệp hội Lữ hành Việt Nam thừa nhận, hiện nay nhiều doanh nghiệp nhỏ vẫn đang đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu mà quên đi trách nhiệm với môi trường và các sản phẩm du lịch: "Hơn 3.000km đường biển của Việt Nam và hàng loạt khu du lịch đang ở trong tình trạng ô nhiễm nặng nề, khiến sức hấp dẫn của những điểm đến này giảm dần trong mắt du khách. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến ngành du lịch bởi tất cả các đơn vị lữ hành sống dựa vào những điểm đến".

Theo thống kê của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), mỗi năm, Việt Nam có không dưới 1,8 triệu tấn rác thải nhựa không được xử lý, chiếm gần 6% lượng rác thải nhựa trên toàn thế giới. Nếu tính riêng lượng xả rác thải nhựa xuống biển thì Việt Nam đứng thứ 4 thế giới. Trên bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh du lịch và lữ hành toàn cầu do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố, tiêu chí bảo vệ môi trường của Việt Nam đang là điểm yếu, chỉ xếp 129/136 quốc gia xét về tính bền vững của môi trường.

Những hoạt động mang tính cộng đồng mang ý nghĩa thiết thực như đề cập ở trên cần được nhân rộng và lan tỏa hơn nữa để cải thiện tình hình môi trường đang hết sức "nóng" ở Việt Nam hiện nay.

Thế Phong
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES