Những điều cần lưu ý về lặn biển

19/09/2019

Theo travel blogger Vinh Gấu, hiện nay, có 3 hình thức lặn biển khá phổ biến gồm: lặn ngắm san hô (snorkeling), lặn bình khí (scuba diving) và lặn tự do (freediving). Để có một chuyến đi lặn an toàn, bạn có thể tham khảo những chia sẻ sau đây của Vinh Gấu - người có nhiều trải nghiệm sâu sắc về lặn biển.

1. Lặn ngắm san hô

Lặn ngắm san hô là thể loại lặn dễ nhất và an toàn nhất dành cho mọi người, bất kể bạn là người biết bơi hay không biết bơi - tất nhiên, biết bơi là một lợi thế. Việc của bạn chỉ là nằm úp mặt xuống biển để ngắm những đàn cá nhỏ nhắn tung tăng và những bụi san hô đầy màu sắc mà chẳng cần tốn quá nhiều công sức.

Khi lặn ngắm san hô, bạn luôn được yêu cầu mặc áo phao và đeo mặt nạ kính kèm ống thở. Áo phao sẽ giúp bạn luôn nổi trên mặt nước biển, mặt nạ kính sẽ ngăn cản việc nước biển tràn vào mũi, ống thở để giúp bạn hô hấp qua đường miệng để bạn thoải mái lặn ngắm san hô. Ở một số nơi, bạn còn được cấp thêm cả chân vịt để giúp bạn di chuyển trong nước biển dễ dàng hơn, nhanh hơn và đỡ mất sức hơn.

Để lặn ngắm san hô an toàn, hãy chú ý những vấn đề sau:

  • Kiểm tra kỹ các thiết bị: Mặt nạ có vừa với gương mặt và chân vịt có vừa cỡ chân của bạn không? Ống thở có hoạt động tốt không? Nếu không, nước biển có thể tràn vào kính hoặc tràn vào miệng bạn qua đường ống thở khiến bạn không thể thoải mái tận hưởng chuyến đi.
  • Đừng lặn một mình: Dù lặn ngắm san hô có độ an toàn cao nhưng việc đi lặn một mình sẽ rất nguy hiểm khi không ai có thể hỗ trợ bạn ở một số trường hợp khẩn cấp như là bị say sóng, say nắng, ngất trên biển…
  • Bơi gần bờ hoặc gần thuyền: Đừng bơi xa quá tầm nhìn của những nhân viên cứu hộ, nhân viên trên thuyền. Hãy luôn bơi trong khu vực theo hướng dẫn của những người có chuyên môn, khu vực này thường được thông báo trước khi bạn nhảy xuống biển.

2. Lặn bình khí

Lặn bình khí đòi hỏi bạn phải mang trên người nhiều thiết bị hơn như: bình khí, thiết bị thở, bộ áo phao cân bằng, áo lặn…

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Ngoài ra, còn nhiều thiết bị khác mà các bạn dẫn đầu nhóm lặn sẽ phải mang theo để bảo đảm an toàn cho cả nhóm, gồm: la bàn lặn để định hướng “đường” lặn, phao đánh dấu bề mặt để đánh dấu cho tàu qua lại biết đang có nhóm lặn ở dưới và cho tàu biết điểm đón nhóm lặn… Trước khi tham gia bộ môn lặn bình khí, bạn cần phải học lý thuyết và thực hành ngoài biển với các thiết bị trên để biết cách xử lý trong quá trình đi lặn biển, đồng thời phải thực hiện các bài thi kỹ năng để đảm bảo bạn đủ trình độ lặn bình khí. Khi đã có chứng chỉ lặn rồi, bạn có thể dùng để đăng ký đi lặn biển ở khắp nơi trên thế giới.

Trước khi tham gia lặn bình khí, hãy nhớ những lưu ý sau:

  • Kiểm tra kỹ thiết bị và kiểm tra chéo: Đừng làm biếng mà bỏ qua bước này vì khi ở dưới biển, sự sống của bạn phụ thuộc hoàn toàn vào các thiết bị mà bạn đang đeo trên người. Hãy luôn chắc chắn là van bình khí đã được mở, bạn có thể thở dễ dàng qua thiết bị thở, áo phao có thể bơm và xả dễ dàng, đồng hồ báo lượng khí còn lại trong bình hoạt động tốt, mắt kính vừa với khuôn mặt của bạn, chân vịt vừa với chân của bạn… Sau khi đã tự kiểm tra các thiết bị của mình rồi, hãy cùng với bạn lặn khác (dive buddy) kiểm tra chéo một lần nữa. Khi mọi thứ đã tốt, ra hiệu với người dẫn đầu nhóm lặn để bắt đầu ca lặn.
  • Chỉ lặn khi bạn thật sự ổn: Lặn biển là một hoạt động để bạn thư giãn ở môi trường dưới biển nên bạn đừng gồng mình hay cố gắng để lặn. Chỉ khi bạn cảm thấy khỏe mạnh, thoải mái đầu óc thì hãy “ôm bình (khí) và lao xuống biển”. Có như vậy bạn mới có thể điều hòa việc hít - thở để ở dưới biển lâu hơn và thực hiện các thao tác dưới biển cũng nhẹ nhàng hơn.
  • Tuân thủ 100% chỉ đạo của người dẫn đầu nhóm lặn: Bạn không thể rành được địa hình dưới biển, dòng chảy mạnh hay yếu, các loại sinh vật biển có độc,… bằng những người ngày nào cũng đi lặn. Với trình độ và kinh nghiệm của những người dẫn đầu nhóm lặn, bạn nên tuân thủ 100% chỉ đạo của họ và kế hoạch lặn mà họ đưa ra.

3. Lặn tự do

Lặn tự do là môn lặn nhẹ nhàng nhất trong các loại hình lặn vì… bạn chẳng cần phải mang theo bộ áo phao cân bằng cồng kềnh hay chiếc bình khí nặng gần 9 kg. Bạn chỉ cần mang bên mình chiếc chân vịt, mặt nạ lặn, ống thở, áo lặn và dây chì, sau đó thư giãn, lấy hơi, nín thở và lặn xuống biển. Khác với lặn bình khí, với lặn tự do, thời gian thư giãn của bạn ở dưới biển tùy thuộc vào khả năng giữ hơi thở của bạn.

một số điểm chú ý khi lặn tự do:

  • Tìm hiểu kỹ vùng biển dự định lặn: Những người yêu thích lặn tự do thích tìm và khám phá những điểm lặn mới lạ vì họ không phải mất công vận chuyển những thiết bị cồng kềnh như lặn bình khí. Khi đến một điểm lặn mới, bạn có thể hỏi thăm người dân địa phương ở đây về địa hình, dòng chảy, độ sâu… để có đủ thông tin và đưa ra kế hoạch lặn phù hợp.
  • Không lặn tự do ngay sau khi lặn bình khí: Các bọt khí vẫn còn lởn vởn ở trong thân thể của bạn trong suốt 12 tiếng đồng hồ sau khi lặn bình khí. Vì vậy, khi bạn lặn tự do trong thời điểm đó, áp suất của nước có thể khiến các bọt khí ấy bị nén lại rồi lại vỡ ra khi đi lên, gây ảnh hưởng cho các mạch máu.
  • Nhớ cân bằng tai: Dưới áp suất của nước, tai của bạn sẽ có dấu hiệu đau nhức - thường là sau độ sâu 3m. Lúc này là lúc bạn cần phải cân bằng tai để tránh các tổn hại về tai. Việc cân bằng tai này bạn cần phải làm thường xuyên để ca lặn của bạn được thoải mái nhất có thể, đừng đợi đến khi tai quá đau nhức rồi mới cân bằng.

kết lại

Những ai yêu thích biển và thích lặn cũng đều muốn được khám phá và tận hưởng thế giới dưới biển đầy màu sắc và sống động. Nhưng, hãy tùy vào khả năng của bạn để chọn bộ môn lặn cho phù hợp. Chơi gì cũng vậy, việc nắm rõ kiến thức về an toàn, tập luyện và thực hành nhiều sẽ luôn mang lại cho bạn nhiều kinh nghiệm để có một chuyến đi lặn thật vui và an toàn.

Thế Phong
RELATED ARTICLES