Bình Liêu - Cuộc gặp gỡ bất ngờ

27/10/2019

Sau nhiều năm ngang dọc Tây - Đông Bắc và nhiều vùng sâu xa của Tổ Quốc, tôi vẫn chưa biết gì về mảnh đất Bình Liêu. Cho đến năm 2018…

Năm ấy, chúng tôi được mời về vùng đất Quảng Ninh vì là năm Quảng Ninh đăng cai năm Du lịch Quốc gia nhằm phát triển du lịch hơn nữa. Theo kế hoạch, chúng tôi chia nhau đi khắp tỉnh trong hai tuần ấy và nhóm tôi đã có dịp tới Bình Liêu. Tôi đã xiêu lòng với mảnh đất này ngay từ ngày đầu đặt chân đến đây.

Đường biên giới bất tận

Sự thu hút nơi đây với tôi là được mục kích và trải nghiệm trên con đường dọc biên giữa nước ta và Trung Quốc. Con đường nhỏ chạy dọc theo "Bờ Ranh" uốn lượn lên xuống theo thế đất. Vì sinh sống tận TP.HCM nên đường biên giới này với tôi thật lạ đến khó tả, tôi cũng chưa từng nghĩ tới nó đơn sơ đến vậy.

BL

Nằm cách Hạ Long khoảng 120 km về hướng đông bắc, Bình Liêu được ví như một “Sa Pa thu nhỏ” trên độ cao 1.200 m so với mực nước biển, khí hậu bốn mùa một ngày. Thấp thoáng bên những ngôi nhà nhỏ với những bao cát dằn tôn thật kỹ trên mái là những mảnh vườn nhỏ; những chấm đỏ di chuyển tựa những bông hoa điểm xuyết, đó là những phụ nữ người Dao thân thiện. Họ luôn nhoẻn miệng cười khi tôi chào. Một thầy giáo ở địa phương nói với tôi, họ là người Dao Thanh Phán, với vầng trán cao do cạo cả chân mày lẫn tóc trán và khăn đỏ xếp cao đến hơn 20 cm. Điều này dễ gây cho ta cảm giác họ cao hơn hẳn, váy áo thì hoa văn nghiêng qua màu đỏ tươi.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Empty
Empty

Chúng tôi chụp lại được những khoảnh khắc họ lao động ngoài vườn, lấy củi... Tôi vào một nhà dân khi thấy khói bay lên trên nóc nhà, họ đang trong bếp để chuẩn bị cho bữa trưa. Khung cảnh rất đơn sơ với vài cái bếp và những chiếc chảo, nồi, xoong đen bóng. Bữa trưa của họ được dùng ngay trong góc nhà với chiếc bàn nhỏ cũ kĩ lâu năm. Mâm cơm chủ yếu là cơm trắng với chút rau nhưng với tôi, đó lại là một bữa ăn thật đầm ấm và hạnh phúc.

cuoc song nguoi Dao (2)

Bình minh nơi cột mốc thiêng liêng

Buổi chiều, chúng tôi ở lại một homestay rất đẹp nằm trên triền đồi và ngay bên đường biên giới. Tối đến, chúng tôi giao lưu với người Dao nơi đây bằng những bát rượu ngô thơm nồng nhè nhẹ. Họ rất nhiệt tình, vui vẻ và thân thiện khiến chúng tôi như được sưởi ấm dưới tiết trời lạnh mát, chỉ chừng 20oC giữa mùa hè ở Quảng Ninh.

khung canh

Bình Liêu có nhiều nơi đáng để đặt chân tới nhưng tính ra, “đặc sản” của mảnh đất này chính là những “cột mốc thiên đường” ở miền biên ải do có địa hình giáp với Trung Quốc. Trong đó, các cột mốc 1300, 1302, 1305 và 1327 là 4 mốc thiêng liêng không thể bỏ qua khi đến nơi đây. Những cột mốc này nằm rải rác trên cung đường tuần tra biên giới cao hơn 700 m so với mặt nước biển, uốn lượn trên những quả đồi thơm nức mùi nhựa thông.

Empty

Sáng sớm hôm sau, chúng tôi đi ngắm bình minh nhô lên từ đỉnh núi nhỏ, nơi có cột mốc 1327. Cột mốc này được dựng trên một mỏm đá không cao lắm. Chỉ cần di chuyển hơn 1 km từ đường vành đai leo ngược về phía đỉnh núi để đến cận chân đỉnh. Trên đỉnh 1327 êm đềm trong sương sớm, bạn dễ dàng nhìn sang thị trấn và cảnh quan của Trung Quốc ở phía bên kia biên giới và của Tổ Quốc ta về hướng ngược lại.

cot moc bien gioi

Khi trở xuống bản, chúng tôi được xem tận mắt những người dân tộc làm các công việc quen thuộc hàng ngày như phơi quế, hồi, lấy rau cho gà, lợn và luộc măng. Những sinh hoạt của họ giản dị nhưng đem lại nhiều cảm xúc nên khó mà qua khỏi ống kính của chúng tôi. Về phần tôi, tôi cũng kịp lưu lại những khoảnh khắc đắt giá cho bộ sưu tập ảnh của mình tại mảnh đất này.

cho ga an

THÔNG TIN THÊM

Hành trình: Bình Liêu cách Hà Nội khoảng 270-280 km, tùy theo cung đường bạn lựa chọn là cao tốc Hải Phòng - Quốc lộ 10 - Uông Bí - Hạ Long - Cẩm Phả - Tiên Yên - Quốc lộ 18C - Bình Liêu hoặc Quốc lộ 5 - Quốc Lộ 1 - Bắc Ninh - Bắc Giang - Lạng Sơn - Quốc lộ 4B - Quốc lộ 18C - Bình Liêu.

Phương tiện di chuyển: Nếu không thích tự lái xe thì từ Hà Nội, có hai nhà xe khách chạy thẳng về Bình Liêu là nhà xe Hưng Long và nhà xe Kiên Đức. Đến Bình Liêu, bạn có thể thuê xe máy để khám phá thị trấn và chinh phục cung đường tuần tra, thăm các cột mốc biên giới.

Empty

Thời điểm: Đầu mùa xuân, Bình Liêu có các lễ hội đậm đà bản sắc của người dân tộc như lễ hội đình Lục Nà, hội hát Soóng Cọ giao duyên, ngày “kiêng gió”. Cuối tháng 3, đầu tháng 4, bạn sẽ được chiêm ngưỡng mùa hoa trẩu tuyệt đẹp. Mùa hè và mùa thu là thời điểm lý tưởng để bạn ngắm các thác nước và ruộng bậc thang xanh rì. Mùa đông là mùa thu hoạch mùa màng và có lễ hội hoa sở, lễ mừng cơm mới.

Lưu trú: Bạn có thể lựa chọn cách thuê nhà nghỉ (giá trung bình 300.000 đồng/đêm) hoặc chọn dịch vụ homestay ở bản Sông Moóc và Khe Tiền (trung bình dưới 100.000 VND/người/đêm).

Ẩm thực: Có nhiều món ngon nên thử khi tới Bình Liêu như xôi bảy màu, bánh coóc mò, bánh gật gù, bánh ngải, miến dong, cá suối nướng, măng rừng xào...

Các điểm tham quan: Bình Liêu có nhiều điểm tham quan không thể bỏ qua như thác Khe Vằn, Khe Tiền... Du khách cũng có thể thử cảm giác săn mây trên núi Cao Ly hay chinh phục đỉnh Quảng Nam Châu, Cao Xiêm. Ngoài ra, bạn còn có thể ngắm vẻ đẹp của những thửa ruộng bậc thang, thăm rừng hồi, rừng quế hay tham gia các lễ hội hoa trẩu, hoa sở khi vào mùa.

Trần Cao Bảo Long
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES