Bốn giờ sáng, Bagan còn tối đen như mực, tôi nhanh chóng kiếm một chuyến xe ngựa cho hành trình tham quan các đền từ lúc bình minh đến hoàng hôn. Bagan từng là kinh đô của Vương quốc Pagan cổ đại với hơn 14.000 ngôi đền bằng đất nung. Qua những biến cố lịch sử và động đất, nay chỉ còn khoảng 2.000 ngôi đền dưới bóng mát của những cây Nim và Arabica tán rộng, tỏa mùi thơm ngát.
BÌNH MINH BAGAN ĐẸP NHƯ CHỐN THẦN TIÊN
Với mong muốn tận ngắm khoảnh khắc mặt trời mọc tuyệt đẹp nơi miền đất cổ tích Bagan, tôi hối thúc anh nài ngựa cho xe chạy nhanh đến ngôi đền Shwe-san-daw. Trèo lên những bậc thang đá dốc cao, tôi mệt bở hơi tai mới đến được vị trí lý tưởng ở gần chóp tháp. Lên đến nơi khi trời chưa sáng, nhưng tôi bất ngờ khi thấy các du khách đã tập trung rất đông từ bao giờ. Mỗi người tìm cho mình vị trí đẹp hướng về phía đông, chuẩn bị máy ảnh sẵn sàng “tác chiến” cảnh bình minh Bagan. Khó khăn lắm tôi mới tìm được một chỗ đứng tương đối đẹp bên cạnh các tay máy chuyên nghiệp khác.
Những tia sáng đầu tiên dần ló dạng từ phía chân trời lúc sáu giờ sáng. Bình minh Bagan khác biệt so với những nơi khác, bởi nó toát lên vẻ đẹp hoang sơ và huyền ảo. Cả vùng đất Bagan trở nên mờ ảo với hàng nghìn chóp đền lớn nhỏ thấp thoáng đằng xa, một cảnh đẹp vô cùng ấn tượng. Một chị du khách người Nhật dùng giấy bút vẽ lại cảnh bình minh, từng ngọn tháp, những tán cây. Quả thực, bình minh Bagan đẹp như chốn thần tiên!
CÁC NGÔI ĐỀN BẰNG ĐẤT NUNG: DI SẢN ĐỘC ĐÁO CỦA BAGAN
Mặt trời lên cao, Bagan ngập tràn đầy nắng và nóng đổ lửa. Để bày tỏ lòng thành kính trước khi vào chánh điện các đền, dân chúng phải tháo giày, dép và tất. Dưới nắng hè thiêu đốt, các ngôi đền làm bằng đá nung, sân đền rộng dài vài trăm mét hấp thụ nhiệt nóng bừng như đang chực chờ thách thức những đôi chân trần của các tín đồ Phật giáo và du khách. Song khó khăn ấy không làm chùn bước người lữ khách phương xa do cảnh đẹp cùng với những trầm tích lịch sử đền đài đã kích thích sự khám phá của tôi cũng như của bao du khách khác.
Tiếng xe ngựa leng keng, lọc cọc trên những con đường mòn nhỏ đầy cát bụi đưa tôi dừng chân trước ngôi đền đá Ananda nổi tiếng nhất vùng. Đền đá danh tiếng với kiến trúc hoành tráng và những pho tượng Phật khổng lồ. Đền được làm bằng đá mát lạnh, xây dựng vào năm 1105, biểu thị trí tuệ vô thượng vô biên của Phật, có kiến trúc hình thập tự, ở trung tâm là khối lập phương và trên mỗi phía là các tượng Phật đứng.
Mặt tường phía ngoài có các bức tranh ghép bằng gạch men bóng pha màu, minh họa những cảnh trong cuốn Bản sinh kinh. Bốn phía đền có bốn tượng Phật bằng gỗ cao 6 mét với những nét mặt khác nhau. Dân Bagan tin rằng sự khác nhau giữa những nét mặt Phật sẽ khiến cho con người ý thức được việc làm của mình khi đến chốn này và bước ra ngoài thế giới.
Tôi đề nghị anh nài ngựa đưa đi ngôi đền Mahabodhi nổi bật có tên và kiến trúc rất giống với ngôi đền Bodhigaya (Bồ Đề Đạo Tràng) nguyên gốc ở Ấn Độ. Sở dĩ có ngôi đền này là do chùa Bồ Đề Đạo Tràng ở Ấn Độ bị tàn phá, và lãnh đạo Phật giáo Bagan đã cử đoàn nghệ nhân sang giúp xây dựng lại. Sau đó, khi trở về Myanmar, những nghệ nhân này đã xây dựng ngôi chùa theo nguyên mẫu của chùa ở Ấn.
Mahabodhi có hai tầng, một tầng đế và một tầng tháp. Tầng đế có một gian thờ Phật rộng, điểm khác biệt so với các đền khác ở chỗ có cánh cửa sơn son thếp vàng và được khóa bằng một ổ khóa thép chế tạo riêng cho Nữ hoàng nước Anh. Xung quanh đền có nhiều hốc tường nhỏ mà mỗi hốc có một tượng Phật, tổng cộng có 465 tượng. Tầng tháp có bốn mặt với hàng trăm bức phù điêu khắc họa cuộc đời đức Phật.
Khi ráng chiều phủ khắp mọi nẻo đường và đền đài cũng chính là lúc tôi rời Bagan. Khép lại vùng đất huyền thoại Bagan để mở ra những cuộc hành trình mới đến địa danh khác trong đất nước Myanmar. Tạm biệt Bagan, hẹn ngày trở lại!