BST mới của Biti's: Những đôi giày không biết "kể chuyện"

13/10/2021

Câu chuyện bắt đầu khi hãng Biti's cho ra mắt bộ sưu tập giày mới lấy "cảm hứng miền Trung", lập tức nhận về vô vàn "gạch đá" từ cộng đồng mạng, ngay sau đó hãng nhanh chóng có động thái phản hồi dư luận và nhận lại được sự ủng hộ của mọi người. Tất cả diễn ra trong vỏn vẹn gần 3 ngày. Nhưng có thật là những sự cố ấy đã được khép lại?

Ngày 10/10/2021, thương hiệu giày nổi tiếng của Việt Nam, Biti's, giới thiệu bộ sưu tập mới thuộc dự án Biti’s Hunter Street Blooming’ Central với tên gọi “Cảm hứng tự hào miền Trung - Hoa trong đá”. Nhưng thay vì nhận được sự ủng hộ từ cộng đồng - đặc biệt là bộ phận giới trẻ - như với những BST trước, lần này, Biti's lại nhận về nhiều phản hồi tiêu cực.

Empty
Empty
Empty
Empty

Trên các mẫu giày mới hợp tác cùng nghệ sĩ Việt Max, Biti's sử dụng hình ảnh hoa nở trên sỏi đá tượng trưng cho người miền Trung, hình ảnh nhang của người Kinh, các họa tiết vân mây từ ngôn ngữ trang trí thời Nguyễn, chất liệu thổ cẩm đặc trưng trong trang phục của dân tộc thiểu số và đồng xu cổ của người Kinh ở thời Trung đại... Song, một số người nhanh chóng nhận ra, họa tiết vải gấm trên một mẫu giày của Biti's - được hãng giới thiệu là do đội ngũ tự lên ý tưởng thiết kế, thể hiện bản sắc văn hóa Việt Nam - lại có nguồn gốc từ loại vải gấm giá rẻ của Trung Quốc.

Empty
Họa tiết đặc trưng của Trung Quốc

Họa tiết đặc trưng của Trung Quốc

Những mẫu quần áo với họa tiết tương tự của Trung Quốc

Những mẫu quần áo với họa tiết tương tự của Trung Quốc

Cụ thể, La Quốc Bảo - một 9x được biết đến là chủ nhân của những đôi giày độc lạ với những họa tiết hoa văn triều Nguyễn, đã chia sẻ: Trên bề mặt của thiết kế [Biti's] là một lớp hoa văn "được đầu tư sáng tạo, tìm tòi đa dạng vật liệu & tốn nhiều công sức sản xuất" đến từ Trung Quốc! Với những người am hiểu văn hóa Trung Hoa, nhìn vào đã biết ngay đây là hoa văn "hải thuỷ giang nhai 海水江崖" Hàng Châu rất rất phổ biến trong việc làm đồ lưu niệm giá thấp, và bán nhiều nhất trên Taobao - một loại gấm rẻ tiền, được sản xuất hàng loạt.

Thêm vào đó, họa tiết “thổ cẩm Tây Nguyên” ở một mẫu giày khác của Biti's cũng để lại thắc mắc cho dư luận, bởi không ai có thể xác định rõ nguồn gốc của họa tiết thổ cẩm mà Biti's giới thiệu đến từ văn hóa dân tộc nào - trong số hơn 46 dân tộc hiện nay ở Tây Nguyên.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Empty

Sau 2 ngày ra mắt và nhận về vô số chỉ trích từ người dùng mạng xã hội lẫn báo chí truyền thông, vào chiều ngày 13/10, hãng Biti's đã có lời xin lỗi và giải thích chính thức trên fanpage của mình. Theo đó, hãng thừa nhận đã chọn lựa vải gấm đến từ Trung Quốc để thể hiện ý tưởng sản phẩm. "Trước đó, Biti’s Hunter đã cố gắng tìm kiếm nguồn nguyên liệu vải trong nước, nhưng chưa tìm được nhà cung cấp có vải dệt phù hợp" - đại diện Biti's chia sẻ trên fanpage.

Biti's cũng "ghi nhận" đóng góp của cộng đồng, khi đã giúp hãng... tìm ra nguồn gốc của họa tiết được sử dụng trên mẫu giày "thổ cẩm Tây Nguyên", thực chất bắt nguồn từ hoa văn chân chó trong Thổ cẩm người Chăm.

Thiết kế mới, sử dụng hoa văn cách điệu từ văn hóa Huế, sẽ thay thế cho phần vải gấm mang hoạ tiết của Trung Quốc (Nguồn: FB Bitis Hunter)

Thiết kế mới, sử dụng hoa văn cách điệu từ văn hóa Huế, sẽ thay thế cho phần vải gấm mang hoạ tiết của Trung Quốc (Nguồn: FB Bitis Hunter)

Lời giải thích về nguồn gốc họa tiết

Lời giải thích về nguồn gốc họa tiết "thổ cẩm Tây Nguyên", thực chất là họa tiết chân chó của dân tộc Chăm (Nguồn: FB Bitis Hunter)

Bên cạnh việc đính chính lại thông tin, Biti's đồng thời đưa ra các giải pháp để khắc phục những sự cố kể trên: thay thế chất liệu vải gấm lấy cảm hứng từ văn hoá nghệ thuật Huế để hoàn thiện sản phẩm hơn; hỗ trợ khách hàng hoàn trả sản phẩm nếu như họ muốn hủy đơn đã đặt; cam kết duy trì kế hoạch trích 100.000 VND/sản phẩm bán được để đóng góp cho các quỹ phát triển tài năng của miền Trung... Nhanh chóng, Biti's lại nhận được sự ủng hộ đông đảo từ dư luận mạng, khi hãng đã thể hiện được thái độ cầu thị, biết lắng nghe, cũng như khả năng kịp thời khắc phục "sự cố".

Chuyên nghiệp là đủ?

Từ việc "mượn" họa tiết nước ngoài để "minh họa" văn hóa nước mình, hay không hề biết họa tiết "thổ cẩm Tây Nguyên" bắt nguồn từ hoa văn chân chó của người Chăm, Biti's còn để lại một câu hỏi lớn khác mà chưa hề giải đáp. Nếu không hề nói lên được tiếng nói văn hóa của cộng đồng bản địa mà chính hãng đang khai thác thiết kế; nếu không hề truyền tải được cho người dùng ý nghĩa, giá trị của những họa tiết văn hóa đó - phải chăng dự án "Tự hào miền Trung" không thực sự mang mục đích như tên gọi của nó, mà chỉ là một cuộc kinh doanh đơn thuần dựa theo xu hướng thị trường?

Empty

Phản ứng gay gắt của cộng đồng mạng đối với Biti's (trong 2 ngày vừa qua) cũng phần nào tái hiện lại tính khắc nghiệt thường trực của ngành thời trang tại Việt Nam. Giống như cách người trẻ từng quyết liệt tẩy chay một số thương hiệu thời trang quốc tế, do những hãng này thể hiện quan điểm trái với nền văn hóa-chính trị đất nước; thì hôm nay, dường như Biti's suýt phải đối mặt với tình huống tương tự, khi sự chỉ trích đến từ cả những người dùng quen thuộc của hãng.

Xét ở góc độ tích cực khác, phản ứng trái chiều của dư luận cũng là một dấu hiệu cho thấy, người Việt nói chung và người trẻ nói riêng ngày càng có một thái độ quan tâm và tôn trọng nhất định đối với văn hóa, lịch sử của dân tộc - chứ không chỉ dừng lại ở những thiết kế, hình thức hào nhoáng bề ngoài. Đây cũng là bài học lớn dành cho các thương hiệu khi muốn làm kinh doanh trên khía cạnh văn hóa. Họ cần nhiều hơn - thái độ trân trọng và sự am hiểu sâu sắc - đối với nền văn hóa mà họ đang "khai thác", và đối với chính sản phẩm mà họ đang muốn giới thiệu đến người tiêu dùng. Bởi suy cho cùng, thứ sẽ luôn luôn chinh phục mọi khách hàng khó tính nhất, không phải đôi giày với thật nhiều màu sắc văn hóa, hay chất lượng bền bỉ vượt thời gian. Cái chúng ta luôn muốn "bị" chinh phục, là một đôi giày biết kể chuyện văn hóa.

Huyền Châu, Lâm Oanh
RELATED ARTICLES