Cảnh giác khi mua combo du lịch giá rẻ trên mạng xã hội

08/07/2022

Nhiều đối tượng lợi dụng mạng xã hội chào bán các combo du lịch giá rẻ và lừa đảo

Du lịch Việt Nam mở cửa hoạt động trở lại sau 2 năm tạm dừng do dịch Covid-19, lượng khách trong mùa hè tăng cao. Lợi dụng tâm lý này nhiều đối tượng lợi dụng mạng xã hội chào bán các combo du lịch giá rẻ qua đó lừa đảo người tiêu dùng.

Tự biến mình thành “con mồi” béo bở

Chị Lê Thị Hương ở 79 Phố Huế (quận Hai Bà Trưng) cùng chồng lên kế hoạch tổ chức nghỉ hè ở Phú Quốc vào đầu tháng 7/2022. Thay vì đi theo tour, chị Hương lựa chọn mua combo du lịch Phú Quốc giá rẻ từ một đại lý trên mạng xã hội Facebook với giá 2,5 triệu đồng/người.

Tuy nhiên, gần ngày đi, khi gọi điện xác nhận với hãng hàng không và khách sạn thì nhận được thông báo mã đặt chỗ bị hủy vì không thanh toán trong 24 giờ. “Khi tôi gọi người bán, đối tượng này lập tức chặn liên lạc khiến tôi không thể gọi điện hay nhắn tin được nữa” - chị Hương chia sẻ.

Chị Hương chỉ là một trong nhiều nạn nhân bị lừa khi mua combo du lịch. Ngày 7/6 vừa qua, giới kinh doanh du lịch Việt Nam đồng loạt chia sẻ thông tin vụ việc đoàn 144 du khách mua combo đi Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) nhưng ra sân bay mới biết bị lừa đảo, không có vé máy bay. Cách đây 2 năm cũng xảy ra vụ việc chủ phòng vé máy bay tại ngõ Núi Trúc (quận Ba Đình) bỗng nhiên “bốc hơi”, sau khi bán lượng combo du lịch giá rẻ trị giá cả chục tỷ đồng đến các điểm du lịch như: Đà Nẵng, Côn Đảo, Phú Quốc, Quy Nhơn...

Khách du lịch trải nghiệm lặn tại Đảo ngọc, Phú Quốc

Khách du lịch trải nghiệm lặn tại Đảo ngọc, Phú Quốc

Giám đốc Công ty Du lịch Vietnam Unique Tours Phạm Đình Hà cho hay, một trong những thủ đoạn mà kẻ gian thực hiện để lừa đảo du khách là đưa ra các combo có giá siêu rẻ, nhưng dịch vụ đi kèm lại đạt chuẩn 5 sao. Ngoài chiêu trò trên, những đối tượng này còn sử dụng nhiều hình thức lừa đảo như combo giá rẻ, thanh lý voucher hoặc gói vé máy bay 10 vé/năm với giá siêu rẻ.

Ngoài ra còn có thủ đoạn lừa khách mua vé rẻ hơn thị trường khoảng 1 - 1,5 triệu đồng, nhưng vẫn sử dụng được vì đối tượng đăng ký mua vé máy bay trả góp. Khách hàng sau khi sử dụng sẽ bị đòi tiền từ các ứng dụng du lịch trả góp.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

“Để qua mắt lực lượng chức năng sau khi thực hiện hành vi lừa đảo, các đối tượng thường khóa tài khoản mạng xã hội, chặn hoặc hủy thông tin liên lạc. Còn khách hàng chỉ khi bị lừa mất tiền hoặc đã dùng xong các dịch vụ không như quảng cáo thì mới biết mình bị lừa” - ông Phạm Đình Hà thông tin.

Làm gì để tránh bị lừa đảo?

Giám đốc của We Travel Nguyễn Đức Việt chia sẻ, combo du lịch giá rẻ không đồng nghĩa với lừa đảo. Bởi đây là sự kết hợp của hai hay nhiều dịch vụ du lịch, phổ biến nhất là vận chuyển (vé máy bay) và lưu trú (khách sạn, resort). Giá của combo cũng thấp hơn tour vì dịch vụ hạn chế.

Tuy nhiên, khách hàng dễ bị người bán "bẫy" bằng những thông tin mập mờ. "Nhiều năm gần đây, combo du lịch đã trở thành sản phẩm kinh doanh chủ đạo của các đơn vị lữ hành vì tính hiệu quả cao, lại giúp du khách tiết kiệm công sức, thời gian và lựa chọn được lịch trình di chuyển hợp lý. Tuy nhiên, combo du lịch cũng giống như nhiều mặt hàng, sản phẩm khác, có loại tốt, có loại không tốt nên khách hàng cần tỉnh táo, cân nhắc kỹ trước khi lựa chọn" - ông Nguyễn Đức Việt chia sẻ.

Du khách đến Đảo Yến, Nha Trang

Du khách đến Đảo Yến, Nha Trang

Đồng tình với ý kiến này, Giám đốc Công ty Du lịch Vietsense Nguyễn Văn Tài tư vấn, khách hàng nếu thấy combo dịch vụ có giá rẻ bất thường so với mặt bằng chung hãy cẩn thận kiểm tra kỹ, không nên vội vàng đặt mua. Ngoài ra khách hàng cần hiểu rõ, combo chỉ là một nhóm dịch vụ chứ không phải tất cả dịch vụ trọn gói cho chuyến đi như tour. Vì vậy, cần tìm hiểu kỹ xem combo đó bao gồm những dịch vụ gì, mức độ chất lượng, số lượng/thời gian sử dụng dịch vụ combo (lưu trú mấy ngày đêm, vé một chiều hay khứ hồi)...

“Khách hàng phải lưu lại toàn bộ các thông tin liên quan trong quá trình mua combo như thanh toán, mail, tin nhắn... Khi giao dịch, người mua phải yêu cầu bên cung cấp combo làm hợp đồng với các điều khoản chi tiết về chuyến bay, khách sạn, giá vé và chi phí phát sinh khác, trách nhiệm nếu vi phạm hợp đồng. Đặc biệt, nếu thấy có dấu hiệu bất thường, người mua cần sớm trình báo với cơ quan công an để được hỗ trợ bảo về quyền lợi hợp pháp” - ông Nguyễn Văn Tài nêu rõ.

Tương tự, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Trịnh Thị Mỹ Nghệ tư vấn, trên thị trường có rất nhiều đơn vị, cá nhân bán combo du lịch giá rẻ. Để có chuyến đi chất lượng, trước khi đặt mua combo vé, người tiêu dùng cần tìm hiểu về thông tin dịch vụ mà du khách được hưởng, như thời gian hết hạn sử dụng, combo dành cho gia đình hay dành cho 1 người, khách hàng được hưởng những dịch vụ nghỉ dưỡng như thế nào, phương tiện vận chuyển có trong combo hay khách hàng tự túc...

“Trước khi mua combo du lịch, người tiêu dùng nên vào trang website đơn vị bán để xem xét kỹ về thông tin, phản hồi của khách hàng từng mua combo du lịch của các đơn vị này. Qua đó nắm được chất lượng dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp trước khi bỏ tiền mua combo du lịch” - bà Trịnh Thị Mỹ Nghệ hiến kế.

Đồng quan điểm, ông Phạm Duy Nghĩa - CEO Vietfoot Travel, phân tích combo du lịch giá rẻ được tạo ra khi người bán "ăn rất mỏng" có thể chỉ lãi 50.000 đồng/combo nên quan tâm số lượng. Giá bán bèo bọt nhưng cắt hết những dịch vụ cơ bản, không mua vé vào khu danh lam thắng cảnh; Cũng có trường hợp nhằm mục đích khác mà chấp nhận bán lỗ.

"Nhằm hạn chế hiện tượng lừa đào người tiêu dùng thông qua việc bán combo du lịch giá rẻ trên mạng xã hội Zalo, Facebook Tổng cục Du lịch cũng đã có văn bản chỉ đạo các địa phương rà soát kiểm tra lại tất cả hoạt động kinh doanh du lịch, phải đảm bảo chất lượng dịch vụ cho khách du lịch và đặt mục tiêu khách du lịch lên hàng đầu. Vì chiêu thức lừa đảo tinh vi, các đối tượng lập nên kênh bán vé và sau khi đạt được mục đích đã vào mạng tự khóa, hủy trang mạng nên cơ quan chức năng cũng khó khăn trong quản lý, xử phạt. Để tự bảo vệ mình, du khách nên cảnh giác trước những chương trình tour, combo giá rẻ và nên chọn các thương hiệu du lịch uy tín, đáng tin cậy", Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) Nguyễn Quý Phương cho biết.

Phương Thảo - Nguồn: Kinh tế đô thị
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES