Cây cầu treo bện cỏ cuối cùng của Peru

26/06/2019

Cây cầu dây có tuổi đời 600 năm cuối cùng của người Inca bắc qua sông Apurimac ở vùng Cusco của Peru hằng năm đều được làm mới vì lý do an toàn. Và dần dà, việc xây dựng lại cây cầu cũng trở thành một truyền thống hằng năm của người dân nơi đây.

Cầu treo Q'eswachaka được bện bằng tay và đã tồn tại ít nhất 600 năm. Từng là một phần trong mạng lưới liên kết các thành phố và thị trấn quan trọng nhất của đế chế Inca, cây cầu này đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 2013.

Theo truyền thống được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, tất cả người trưởng thành sống trong cộng đồng hàng năm đều phải chung tay dựng lên một cây cầu mới trên sông Apurimac, và chỉ có nam giới mới được trực tiếp xây cầu, còn phụ nữ sẽ ở phần trên của hẻm núi để bện những sợi dây thừng nhỏ hơn.

Empty
Empty

Trong ngày đầu tiên xây dựng lại cầu, những người đàn ông tập trung quanh cây cầu cũ và bện những sợi dây thừng nhỏ thành những sợi lớn hơn. Sự chống đỡ chính của cây cầu bắt nguồn từ 6 sợi dây thừng ba lớp dày khoảng 30 cm, mỗi một sợi thừng lớn lại được hợp thành từ 120 sợi dây thừng nhỏ hơn.

Mọi gia đình đều tham gia đóng góp chút sức lực bằng việc dùng tay dệt từng phần của sợi dây thừng bằng một loại cỏ cứng có tên địa phương là qoya ichu. Để dễ uốn hơn thì trước hết họ sẽ phải đập phần đầu của cỏ bằng một viên đá tròn, sau đó ngâm chúng trong nước.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Trong khi mọi người đang bận rộn xây cầu, một số người khác sẽ nấu thức ăn bằng bếp củi và mang từ làng đến tận chỗ xây cầu. Thịt gà, cuy (chuột lang) và cá hồi bắt từ sông Apurimac là những món phổ biến nhất được chế biến, tất cả đều ăn kèm với khoai tây được trồng tại địa phương với nhiều hình dạng và màu sắc khác nhau.

Cây cầu cũ bị cắt bỏ và thả trôi xuống hạ lưu, và vì làm bằng cỏ nên nó sẽ chỉ mủn đi mà không ảnh hưởng đến nguồn nước.

4 trong số 6 sợi thừng dệt từ cỏ sẽ biến thành phần sàn của cây cầu, và 2 sợi còn lại sẽ là tay vịn. Cả 6 sợi dây thừng sẽ được buộc chắc chắn vào các cột chống lớn bằng đá chạm khắc ở hai bên hẻm núi. Cánh nam giới phải mất rất nhiều thời gian để kéo dây thừng sao cho đạt được độ căng chính xác.

Vào ngày thứ ba, một vài người đàn ông không sợ độ cao phải lên cầu để buộc những sợi dây thừng nhỏ từ tay vịn xuống phần sàn, tạo ra một hàng rào bảo vệ giữ an toàn cho người qua cầu.

Không hề có bất cứ vật liệu, công cụ hay máy móc hiện đại nào được sử dụng trong quá trình xây dựng cây cầu - chỉ có độc cỏ và sức người.

Việc xây dựng lại cầu Q'eswachaka diễn ra mỗi năm một lần, và kết thúc bằng một lễ kỷ niệm tưng bừng với đủ các món ngon và âm nhạc hân hoan vào ngày thứ tư của đợt sửa chữa, luôn trùng với ngày Chủ Nhật thứ hai của tháng Sáu.

Tất cả ảnh đều được chụp bởi tác giả Jordi Busqué

Tất cả ảnh đều được chụp bởi tác giả Jordi Busqué

Hải Anh - Nguồn: BBC
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES