Sự khác nhau giữa chạy bộ và chạy trail
Chạy bộ là một hình thức chạy với tốc độ chậm hoặc thong thả và duy trì mức ổn định đều trong suốt thời gian chạy. Ngày nay, chạy bộ là một trong những loại hình thể thao đơn giản, vừa sức và có lợi cho sức khỏe hay giải tỏa căng thẳng sau ngày làm việc mệt mỏi.
Còn với chạy trail là khái niệm được dùng để chỉ hình thức chạy bộ trên những địa hình không bằng phẳng và gắn liền với thiên nhiên như núi, đồi. So với chạy trên đường bằng, chạy trail cần trang bị một tư thế chạy tốt với kỹ năng lên dốc và xuống dốc cũng như các quy tắc an toàn để tránh khỏi những chấn thương không mong muốn.
Nếu đã quá quen thuộc với những cung đường bằng phẳng chạy bộ trong thành phố hay phòng tập thì bạn hãy thử trải nghiệm chạy trail. Tuy đòi hỏi rất nhiều thử thách, thời gian và công sức nhưng đổi lại những trải nghiệm mà bạn khám phá sẽ rất dễ gây nghiện, nhất là với những ai mang trong mình máu "xê dịch".
Kỹ thuật chạy trail
Để đảm bảo đồng thời cả về sức khỏe và giảm tối đa tỷ lệ dính phải chấn thương thì bạn cần tìm hiểu một số kỹ thuật chạy trail như sau:
Chạy lên dốc hoặc xuống dốc đòi hỏi bạn phải có sức bền dẻo và kỹ thuật để tránh bị chấn thương. Để có một kỹ thuật chạy trail tốt, bạn hãy tập luyện phương pháp chạy interval (hay còn gọi là chạy biến tốc). Phương pháp chạy này cực kỳ có lợi khi xuống dốc, nó sẽ giúp bạn giữ được sự tự tin với tốc độ cao, tăng nhịp chạy cho đôi chân. Tập luyện kỹ năng này dần dần để tránh làm chấn thương.
Tư thế chạy
Quan tâm đến tư thế khi chạy trail sẽ giúp cơ thể tránh được các tổn thương có thể xảy ra ảnh hưởng đến xương khớp, cơ bắp và cột sống.
Ngoài ra, rút ngắn sải chân giúp bạn chạy nhanh hơn với các chướng ngại vật trên đường. Bạn có thể kéo dài sải chân khi cần thiết để tránh đạp lên như dỏi hay bùn lầy...
Mắt luôn nhìn thẳng phía trước
Cả cơ thể tạo thành một đường thẳng từ phần đầu đến chân, không khom lưng để tránh tổn thương cột sống và gây gù lưng.Cách đánh tay và nâng đùi phối hợp nhịp nhàng, thả lỏng khi chạy.
Khi chạy bộ, bạn không được ngắm nhìn xung quanh hoặc chỉ nhìn chằm chằm vào chân vì như vậy sẽ không phát hiện kịp thời chướng ngại vật trước mắt. Vì vậy, bạn phải nhìn thẳng về phía trước và hơi chệch xuống dưới để quan sát khi có bất cứ thứ gì cản đường bạn.
Nhịp bước chân cao
Nhịp bước chân càng cao thì thời gian mà bàn chân tiếp xúc với mặt đất càng ngắn, đồng nghĩa với thời gian chân bạn trượt trên giày càng ngắn, thời gian để đầu gối ổn định khi di chuyển tiếp cũng ngắn hơn.
Để tăng nhịp bước chân, bạn có thể tập luyện với thang. Đặt chân ở những khoảng trống của thang trên mặt đất hoặc tự luyện tập với việc thiết kế các chướng ngại vật được đặt khoảng cách. Về sau, khi chạy trên địa hình khác, bạn sẽ có thể linh hoạt thay đổi nhịp bước chân tùy theo bề mặt đường chạy.
Phần thân trên nên giữ cho thăng bằng và không cần di chuyển, nhưng đối với đôi chân thì nên di chuyển nhanh. Cú đáp đất đó có thể không ở ngay dưới cơ thể, vì thế mà tùy theo bề mặt đường hãy điều khiển chân và bàn chân của bạn cùng với phần thân trên.
Tập luyện với chướng ngại vật
Điều này có nghĩa là bạn sẽ luyện tập chạy trên các chướng ngại vật một cách thuần thục, sau đó hãy chạy nhiều lần ở nơi để chân tiếp đất giữa các khoảng trống của chướng ngại vật. Cuối cùng chạy ở nơi có thể để chân tiếp đất ở bất kỳ đâu bạn muốn, nhưng với lần này thì cần chạy nhanh nhất có thể. Khi luyện tập xong, bạn có thể tự tin về việc đôi chân của mình sẽ xoay sở tốt với các chướng ngại vật ở trên đường chạy.
Trước khi chạy trail cần làm gì?
Trước tên, bạn cần luyện tập cho đầu gối được chắc khỏe. Luyện tập cho đầu gối với một vài bài tập sẽ tác động tích cực đến khả năng chạy đổ dốc của bạn. Nếu một chân của bạn không may bị trượt thì với một đầu gối chắc khỏe sẽ giúp chuyển trọng lượng cơ thể sang chân kia và có thể tiếp tục chạy tiếp thay cho việc bị ngã. Việc chạy xuống dốc vài lần liên tục trong cuộc đua sẽ khiến đôi chân bị mỏi. Nhưng nếu với hai đầu gối khỏe thì sẽ giúp bạn trì hoãn cảm giác run rẩy khi chạy tiếp và xuống dốc.
Bên cạnh đó, khi chạy bộ thì đôi giày phải có độ bám chân tốt, để tránh cho việc tai nạn có thể xảy ra. Theo quy tắc chung khi chọn giày thì khoảng cách giữa các rãnh giày càng lớn, lực kéo đế giày cung cấp cũng lớn theo.
Nếu khoảng cách quá nhỏ, bùn và bụi bẩn sẽ dính lại ở giữa các rãnh, làm giảm ma sát, trơn trượt khi chạy. Nếu địa hình chạy có bùn đất thì việc chọn giày sẽ càng quan trọng, bạn chỉ cần đặt ngón tay vào rãnh giày, nếu lọt ngón được vào rãnh thì đôi giày đó có thể chạy tốt được trên địa hình bùn đất quánh dính. Bạn cũng có thể kiểm tra bằng cách đứng trên bề mặt không bằng phẳng như rễ cây hoặc đá sỏi, nếu bạn đứng vững được thì đôi giày đó có thể đồng hành cùng bạn.
Ngoài ra, việc bổ sung năng lượng hợp lý cũng vô cùng quan trọng. Kỹ thuật của bạn càng tốt, cơ thể của bạn sẽ càng có khả năng thích nghi với việc chạy nhanh và dài trên đường núi. Dù vậy, tất cả các kỹ năng và kỹ thuật kia sẽ không giúp ích gì cho bạn nếu cơ thể bạn không được cung cấp năng lượng đúng cách. Cơ thể con người trung bình có đủ dự trữ để duy trì tốc độ ổn định mà không cung cấp thêm trong vài giờ, nhưng khi lượng năng lượng được dự trữ giảm xuống, tốc độ của bạn cũng giảm theo.
Việc chạy trail được xem là môn thể thao kết hợp du lịch hoàn hảo. Khi chạy trail, bạn sẽ được tận hưởng cảm giác hòa mình vào thiên nhiên và hít thở không khí trong lành. Nếu như đối với chạy đường thẳng, các chỉ số như khoảng cách, tốc độ và nhịp tim là những chỉ số quan trọng thì với chạy trail, sự trải nghiệm sẽ là thứ mà bạn muốn ưu tiên hàng đầu. Những cung đường mà bạn đi sẽ thay đổi liên tục cùng với cảnh vật xung quanh, đem lại cho bạn cảm giác như đang trong một chuyến phiêu lưu đầy thử thách.
Mặc dù khi chạy trail, cảnh sắc thiên nhiên rất đẹp nhưng bản chất của những cung đường mòn vẫn là không an toàn nếu được so sánh với đường phẳng. Vì vậy, hãy tuân thủ theo các nguyên tắc an toàn, giữ bản thân luôn tập trung và không lơ là cảnh giác để hạn chế xảy ra những tai nạn không đáng có.