Chiều 30 Tết và nồi lá mùi già

23/01/2020

Khi nhà cửa đã sạch sẽ, gọn gàng, mâm cơm tất niên được kính cẩn bày lên trên ban thờ tổ tiên, cũng là lúc mẹ nổi lửa đun một nồi nước lá mùi thật to cho cả gia đình tắm tẩy trần.

Nếu ai đó hỏi tôi: “Tết có điều gì lưu luyến nhất?”, tôi nghĩ có lẽ là “mùi hương”. Những mùi hương quen thuộc luôn được lưu giữ rất sâu trong tâm thức của mỗi người, dù xa dù gần, dù ở tuổi ấu thơ hay khi năm tháng về già. Mùa hè thơm ngát hương sen bên chén trà mạn nồng nồng, mùa thu bồi hồi mùi cốm xanh trong nắng vàng hiu hắt, mùa đông se sắt bên bếp lửa hồng với mùi ngô khoai ngào ngạt. Và khi cuối đông đầu xuân thì chẳng có gì xao xuyến hơn hương thơm của lá mùi già mong manh mà ấm áp gọi Tết về những ngày cuối Chạp.

Empty

Tuổi thơ của một đứa trẻ thành thị như tôi, thật thà mà nói thì thiệt thòi hơn đôi chút so với những cô bé, cậu bé miền thôn quê. Cái thiệt thòi ấy là ở những câu chuyện, những trò chơi, những gần gũi gắn kết với thiên nhiên hay chỉ đơn giản là cơ hội trải nghiệm những phong tục tập quán cổ truyền. Vậy nên, Tết như một miền yêu thương ít ỏi bởi đó là những ngày được ở bên bố mẹ thật nhiều, những ngày được đi chơi đây đó xa hơn góc sân nhỏ trước nhà, những ngày được làm thật nhiều điều mà chỉ Tết mới có…

Thật chẳng có gì hạnh phúc hơn khi được đi chợ cùng mẹ những ngày cuối tháng Chạp! Mua đồ ăn thật ngon, sắm đôi bộ quần áo mới, hí hửng chọn bao lì xì và đứng thẫn thờ bên gánh mùi già. Sao lại có một mùi hương thơm mát mà ấm áp đến vậy. Mẹ khệ nệ xách hết túi to giỏ lớn, còn tôi thì lúc nào cũng ôm khư khư lấy những bó lá mùi già, mặc cho bùn đất hay những bông hoa mùi bám đầy chiếc áo mới thay.

Empty

Ký ức về hương mùi già trong tuổi thơ lúc nào cùng vậy, ngào ngạt và không thể quên. Dù cuộc sống hiện đại cứ mỗi ngày một khác, dù có bao nhiêu thứ nước hoa đắt đỏ hay xà bông, sữa tắm tràn đầy thì cũng không ai quên được hương nước mùi già ngày ấy. Chẳng ai biết tục tắm lá mùi này có từ đâu và từ bao giờ, chỉ biết cứ mỗi độ Tết đến xuân về trên đồng bằng Bắc Bộ là bao gánh mùi đầy ắp sẽ xuất hiện trong phiên chợ Tết rộn ràng.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Hương thơm của mùi già luôn gắn liền với những chiều 30 Tết như thế. Khi nhà cửa đã sạch sẽ gọn gàng, mâm cơm tất niên được kính cẩn bày lên trên bàn thờ tổ tiên là khi mẹ sẽ nổi lửa đun một nồi nước lá mùi thật to cho cả gia đình tắm tẩy trần. Chỉ vài nắm mùi già rửa thật sạch, để nguyên cả rễ, đun sôi trong nồi nước to đùng là đủ pha nước tắm cho cả gia đình.

Empty

Tinh dầu mùi từ lá, từ quả, từ thân cây tía tía dần tiết ra, làm nước chuyển màu vàng nâu, thơm đến bồi hồi. Nếu mùi hương khi tươi nguyên mang vị thanh mát thì khi đun sôi, hương mùi lại ngào ngạt, nồng ấm, đánh thức mọi giác quan. Thứ mùi thơm ấy còn mang theo chút cay cay nhè nhẹ chẳng những xoa dịu cái rét ngọt buốt của tiết trời giáp Tết mà còn là mùi hương mang lại yên bình sau những ngày bận rộn lo toan.

Theo quan niệm của người xưa, ngày cuối năm tắm lá mùi già là bao nhiêu muộn phiền và những điều không may mắn của năm cũ sẽ theo làn nước ấm nồng mà trôi đi hết. Việc tắm lá mùi giúp thân - tâm nhẹ nhàng, được những người hoài cổ coi như một nghi thức dọn mình để sẵn sàng đón giờ khắc thiêng liêng tống cựu nghênh tân.

Không chỉ có ý nghĩa về mặt phong tục tập quán mà trong Đông y, hạt mùi còn là một vị thuốc quý. Cây và lá mùi có vị cay, tính ôn, có tác dụng lưu thông khí huyết, giải cảm, tiêu độc trong cơ thể và rất tốt với những người bị suy nhược thần kinh, trầm cảm, căng thẳng. Chính bởi thế mà khi tắm với nước mùi già, ai ai cũng cảm thấy sảng khoái, thư thái, nhẹ nhàng.

Empty

Có những điều tưởng chừng như nhỏ bé, đơn sơ nhưng lại trở thành miền ký ức không thể quên với mỗi con người, như hương thơm từ nồi nước lá mùi bảng lảng trong không gian, chạm thật nhẹ vào tâm thức của mỗi người và khơi dậy những bình yên dung dị.

Gột bao chát đắng quanh năm

Chiều ba mươi Tết, đằm trong hương mùi

Bài: My Tống - Ảnh: Lan Oanh
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES