Bánh 'cầu duyên' chỉ bán vào ngày Tết của người Hoa ở Sài Gòn

03/02/2019

Chiếc bánh có hình thù độc đáo kèm màu sắc sặc sỡ này thường được người Hoa mua về cúng trong dịp đón năm mới Âm lịch. Với ý nghĩa cầu mong những điều tốt đẹp trong cuộc sống, đặc biệt là trong "đường tình duyên", món bánh này là thứ không thể thiếu được mỗi dịp Tết đến xuân về.

Đến khu chợ Lớn (quận 5, TP HCM), đặc biệt là chợ Phùng Hưng, những ngày giáp Tết, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh những quầy hàng được dựng tạm, xếp đủ loại bánh khác nhau. Có gia đình đã gắn bó với nơi này hàng chục năm và chỉ mở bán đúng dịp Tết cổ truyền.

Trong số nhiều loại bánh truyền thống được người dân Chợ Lớn ưa chuộng vào ngày xuân, bánh lựu nổi bật với hình dáng độc đáo, màu đỏ bắt mắt. Tên của bánh này cũng xuất phát từ hình dáng giống trái lựu. Người cao tuổi tại khu chợ Lớn cho hay, bánh lựu thường được cúng ông Táo hoặc đêm giao thừa. Nhiều người cũng mua bánh để trưng trong nhà cho đến hết Tết. Theo quan niệm xưa, bánh sẽ mang điều tốt đẹp cho cả gia đình, đặc biệt là tình duyên.

Ông Lương Văn Long (sinh năm 1965) có hơn 30 năm kinh nghiệm làm bánh lựu tại quận 5. "Như một số hộ khác, gia đình tôi năm nào cũng dựng quầy bán bánh lựu tại đường Nguyễn Trãi", ông Long nói.

Hoàn thiện một chiếc bánh đòi hỏi người làm không ít công sức. "Nấu đường, trộn cốm, ép khuôn, gắn vỏ, gắn bông, phủ lớp mè, sơn màu... là một số bước cơ bản. Có gần 10 khâu được thực hiện trước khi chiếc bánh đến tay khách hàng", ông Long cho hay.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Nguyên liệu chính để làm bánh là bột gạo. Nhiều nơi pha thêm ít bột mì cùng mạch nha. Nhân bánh lựu là hỗn hợp được nấu từ đậu phộng rang đã tách đôi, hạt sen, cốm làm từ nếp và mạch nha. Nhân đặt trong miếng bột mỏng, to gần bằng bàn tay. Người làm phải nắn sao cho bánh thành hình bầu dục, tròn đều. Trong ảnh là lúc ông Long dùng kéo tạo hình cho cánh hoa bên trên bánh.

Bà Nguyễn Thị Hai (sinh năm 1964) sống ở quận 8 đang làm thuê tại quầy bánh của gia đình ông Long. Đây là năm đầu tiên bà Hai làm ở đây. "Nhờ công việc mà tôi biết thêm một nét văn hóa độc đáo khi ăn Tết của người Hoa", bà chia sẻ.

Những chiếc bánh sau khi hoàn thiện cơ bản sẽ được chuyển qua tay bà Hai. Bà đảm nhận công việc sơn màu thực phẩm cho những cánh hoa. Những chiếc bánh sau khi tô có màu sắc nổi bật, thơm mùi mè.

Trước khi chiên, bánh được một người nữa nắn lại cho tròn, kiểm tra lại độ chắc của vỏ bánh, cánh hoa.

Trước khi chiên, bánh được một người nữa nắn lại cho tròn, kiểm tra lại độ chắc của vỏ bánh, cánh hoa.

Khi chiên trong chảo ngập dầu, bánh được để úp (cánh hoa hướng xuống). "Cách chiên này làm cánh hoa chín trước, đảm bảo độ chắc chắn trước khi trở ngược lên", ông Long cho biết thêm.

Bánh sau khi chiên được để ra rổ riêng cho ráo dầu. Lớp vỏ bên ngoài được phủ một lớp mè, sau khi chiên xong có màu vàng hấp dẫn.

Bánh lựu có vị ngọt, hơi béo. Đậu phộng, cốm và mạch nha được giữ ở bên trong nên rất thơm. Đối với người Hoa, bánh trái lựu bình dân, thường bán ở lề phố nhưng lại không thể thiếu trong mâm cúng năm mới. Ngày thường, bánh còn được nhiều người tự làm để cúng nhằm xin con. Mỗi kg bánh có giá từ 200.000 đồng. Bánh có nhiều kích cỡ khác nhau cho khách hàng lựa chọn.

Phong Vinh - Nguồn: VnExpress
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES