Chuẩn bị
Dãy núi Tà Xùa là ranh giới tự nhiên giữa Sơn La và Yên Bái. Đỉnh của dãy Tà Xùa cao 2.875 m, nằm ở huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái. Muốn chinh phục đỉnh này, du khách cần phải có thể lực và kinh nghiệm vì chăng đường leo bộ rất khó khăn vất vả. Nhưng muốn cho trẻ trải nghiệm, rèn luyện và cũng tin rằng nếu biết thu xếp thì bọn trẻ cũng chẳng thua người lớn, tôi chọn Tà Xùa – Bắc Yên – Sơn La là điểm đến mùa này để ngắm thiên đường mây. Để hoàn tất hành trình này chỉ cần thời gian 2 ngày 1 đêm nên chúng tôi tranh thủ thời gian trong 2 ngày nghỉ cuối tuần.
Hai cậu nhóc nhà tôi là Minh Đăng (9 tuổi) và Quang Huy (7 tuổi), khi biết được đi leo núi và săn mây thì rất háo hức. Vì hai anh em từng được trải nghiệm khá nhiều nên trước hành trình, cả hai tự chuẩn bị quần áo, gấp gọn và sắp xếp những vật dụng cá nhân. Trên núi buổi tối khá lạnh nên hành trang cần có quần dài (quần bò, quần giữ nhiệt) và áo khoác. Minh Đăng cũng không quên sạc pin máy ảnh, chuẩn bi đồ ăn vặt và đổ đầy túi đựng nước, cất vào balo. Hai anh em cũng nhờ bố chuẩn bị ít bánh kẹo, đồ chơi để đi tặng các bạn nhỏ trên núi.
Ngày đầu tiên: Chinh phục “sống lưng khủng long”
6 giờ sáng, cả đoàn xuất phát rời Hà Nội. Nếu đi đường qua Sơn Tây thì có hai lựa chọn: đường qua cầu Trung Hà và đường qua cầu Đồng Quang. Tuyến qua cầu Trung Hà có một số đoạn đường khá xấu nên các bạn nên đi qua cầu Đồng Quang.
Sau khi ăn sáng ở Sơn Tây, chúng tôi đi thẳng lên Tà Xùa, chặng đường khoảng hơn 200 km nhưng phải mất hơn 5 tiếng mới đến đích. Chúng tôi đặt chỗ ăn và nghỉ ở Tà Xùa Hill, ở đây có thể đón tiếp được khoảng 50 khách. Có 4 lều tổ kén giá 250.000 đồng/tổ, mỗi lều có thể ngủ 2 - 4 người, nhưng chúng tôi ngủ tập thể trên nhà sàn vì lều đã kín khách. Mỗi người một đệm, một chăn ấm chỉ với chi phí 90.000, bao gồm cả bữa sáng (xôi tím hoặc mỳ tôm).
Sau hơn 5 tiếng ngồi lắc lư trên xe, mọi người đều khá đói. Chúng tôi đến Tà Xùa vào đúng giờ ăn trưa. Bữa trưa ấn tượng vì những món đơn giản nhưng ngon vì thực phẩm được nuôi trồng hoàn toàn tự nhiên. Lợn thả rông, dê núi không hôi, gà “leo núi”, rau thì trồng ngay trong vườn. Nghỉ ngơi 30 phút sau bữa trưa, chúng tôi khởi hành đi “sống lưng khủng long” – Háng Đồng. Từ điểm ngắm mây Tà Xùa đi “sống lưng khủng long” dài khoảng hơn 40 km, đường không thể đi nhanh vì có một số đoạn bị sạt lở sau mùa mưa. Nhưng cảnh quan hai bên đường thì tuyệt đẹp, từ trên xe, chúng tôi được ngắm nhìn núi non Tây Bắc hùng vĩ và những thung lũng toàn ruộng bậc thang trải ra trước mắt.
Tới sống khủng long còn phải đi bộ khoảng 2,5 km mới ra đến mỏm cuối sống lưng khủng long, nơi có tầm nhìn đẹp nhất. Minh Đăng và Quang Huy đã đến đây một lần, quen đường rồi nên cứ tung tăng chạy trên sống khủng long, đi trước cả đoàn để chia bánh kẹo cho các bạn nhỏ chăn bò. Đường trên sống khủng long cũng nhỏ, hai bên là vực, có một số thanh niên có thể đi xe máy ra gần đến mỏm. Gần đến mỏm có một đoạn đường rất nhỏ, chỉ rộng khoảng 40 cm nên khá nguy hiểm, mọi người phải đi nối đuôi nhau vì không có đủ chỗ để tránh nhau.
Quang Huy tung tăng chạy đi chạy lại, khám phá, nhìn ngắm những góc đẹp để chỉ cho anh Minh Đăng ra chụp ảnh. Hai anh em được bố trang bị cho một cái máy ảnh nho nhỏ để có thể vừa chụp, vừa quay phim lại những khoảnh khắc và góc mình thích. Với máy ảnh nhỏ này, hai anh em tha hồ selfie, check-in. Lần này, hai anh em rủ nhau chạy ra mỏm cuối sống khủng long trước tiên để chụp ảnh, sau đó ngồi lại vừa chơi, vừa nghỉ, vừa hàn huyên đủ thứ về chuyến đi trong lúc đợi mọi người ra đến nơi.
Trên lưng khủng long, gió thổi khá mạnh, có nhiều người yêu nhiếp ảnh, thích ngắm cảnh dựng lều để ngủ tại mấy bãi khá rộng để đón bình minh và biển mây sáng sớm. Cảm giác vào lúc bình minh được đứng trên mỏm cuối của sống khủng long mà mây ở ngay dưới chân và biển mây bồng bềnh cả bốn phía xung quanh có lẽ tuyệt vời lắm. Nhưng chắc chuyến sau tôi mới cho hai bạn nhỏ nhà tôi trải nghiệm cảm giác này vì muốn hai anh em làm quen dần.
Sau khi chinh phục "sống lưng khủng long", bữa tối tại Tà Xùa Hill cũng là trải nghiệm tuyệt vời vì nguyên liệu chế biến món ăn toàn là sản vật của núi rừng. Món tuyệt nhất với tôi là lá cải xanh trồng tại vườn, dùng ăn sống. Rau cải ở đây có vị thơm gấp trăm lần rau cải được trồng ở đồng bằng. Vị cay nồng cứ xộc lên mũi như ăn wasabi, nếu dùng để cuốn gỏi cá hoặc bò cuốn lá cải thì tuyệt.
Trong lúc cánh đàn ông giao lưu thì phụ nữ và trẻ con ra nhóm lửa ở ngoài sân để nướng khoai lang đươc trồng trên núi. Trong lúc đợi khoai chín, Minh Đăng và Quang Huy chạy chơi rồi ngồi ngắm sao. Chưa bao giờ hai anh em được ngắm bầu trời nhiều sao như vậy. Cảm giác những ngôi sao ở đây vừa to vừa sáng vừa gần hơn rất nhiều so với khi ngắm sao ở Hà Nội, lại được mọi người trong đoàn giảng giải nhiều điều về thiên văn, về các chòm sao nên hai anh em thích thú lắm.
Chẳng mấy mà khoai đã nướng chin. Vừa nếm miếng đầu tiên, hai anh em đều thốt lên: “Chưa bao giờ con được ăn củ khoai nướng nào vừa thơm vừa ngọt lịm như ở đây”. Quả thật, khoai Tà Xùa nướng lên thơm nức, ruột mềm và ngọt như mật. Ngồi quanh đống lửa nhâm nhi khoai nướng, Minh Đăng và Quang Huy nằng nặc đòi ngồi đến sáng đợi ngắm biển mây nhưng bố không đồng ý vì cần phải ngủ để đủ sức khỏe cho ngày mai. Thế nhưng cũng phải tới 12 giờ đêm, hai cu cậu mới chịu lên nhà sàn ngủ.
Ngày thứ hai: Săn mây Tà Xùa
5h30 sáng, Minh Đăng và Quang Huy đã bật dậy, tỉnh như sáo, mặc quần áo ấm rồi chạy ra ngắm biển mây. Lúc này trời mới tờ mờ sáng, mặt trời chưa lên, mây bắt đầu dồn về thung lung. Hai anh em reo lên sung sướng vì thời tiết và mây về như thế, chắc chắn sẽ có biển mây.
Mặt trời dần ló lên từ sau dãy núi, nhiều lần ngắm bình minh trên biển rồi nhưng đây là lần đầu hai anh em được ngắm mặt trời lên từ biển mây. Cùng với lộ trình của mặt trời, màu sắc của mây trời biến đổi thật nhanh: từ trắng chuyển sắc xanh, rồi hồng – tím - đỏ và cuối cùng là màu vàng. Mỗi màu chỉ xuất hiện khoảng 5-7 phút rồi đổi sang màu khác. Thích thú, trầm trồ, nhảy nhót, chạy đi chạy lại, chỉ chỏ là những hành động của hai anh em lúc này. Minh Đăng lại cầm máy ảnh chạy xung quanh tìm góc chụp.
Gần 8 giờ sáng, mặt trời đã mọc hoàn toàn nên chúng tôi lên xe di chuyển tới những điểm ngắm mây khác nữa. Thời tiết tuyệt đẹp nên dọc hành trình đi Xím Vàng, chúng tôi dừng lại vài lần vì đâu cũng thấy biển mây.
Trên xe, Minh Đăng kể cho Quang Huy về những lần được “ăn mây rất ngon” ở Pù luông, Cao Bằng, Hà Giang… Vì những lần đó Quang Huy “quên không ăn” nên cậu háo hức đề nghị: “Chỗ nào có mây gần gần, nhiều nhiều thì bố cho con dừng lại để con ăn thử nhé”. Được các bác trên xe hướng dẫn “muốn ăn mây ngon thì ngậm viên kẹo trước khi ăn”, cu cậu liền ngậm viên kẹo bạc hà. Gặp chỗ mây mù kéo đến, cu cậu cuống quýt đòi dừng xe để ăn mây rồi hối hả há mồm gặm mây, nhai mây. Dáng điệu cu cậu làm lúc ăn mây thật giống như phim hoạt hình có chú khủng long thích ăn mây. “Ngửi thì hơi hắc hắc nhưng lúc ăn thì ngon và mát nên hơi lạnh răng” – Quang Huy tiết lộ làm cả xe cười rộ.
Theo kinh nghiệm nhiều lần đi săn mây và lúa chín của tôi thì khi bên Tà Xùa trời đẹp, Xím Vàng dễ mây mù nhưng Tà Xùa mà mây mù thì Xím Vàng trời đẹp. Quả đúng như vậy, trời Xím Vàng trong xanh nắng đẹp, mây vẫn vờn từ dưới chân đến lưng chừng núi. Thời điểm này là mùa khô và mùa mây nên ruộng bậc thang chưa được trồng cấy. Thung lũng Xím Vàng vào mùa nước đổ hay mùa lúa chín thì khó có nơi nào đẹp bằng. Nếu đi qua Xím Vàng thì có thể sang Trạm Tấu và về Hà Nội nhưng chúng tôi có một cuộc hẹn ở Bắc Yên nên chúng tôi dừng lại ngắm mấy thác nước trên đường rồi quay về Tà Xùa.
Những thác nước này đều nằm ngay cạnh đường và có mạch ngầm để nước chảy qua. Minh Đăng và Quang Huy thích nhất là thác Nước Lớn (gọi theo cách của người địa phương). Mùa hè, người dân hay ra tắm giặt, khách du lịch cũng thường tới đây chụp ảnh check-in. Hai cậu nhóc bất chấp cái lạnh, xắn quần cởi giầy lội xuống suối. Đá dưới suối trơn nên Quang Huy ngã ngồi, ướt cả áo lẫn quần nhưng vẫn tiếp tục nghịch nước. Tôi cũng không muốn ngăn cản, để mặc cho chúng trải nghiệm, quần áo ướt có thể lên xe thay.
Rời Xím Vàng quay lại Tà Xùa thì rừng núi Tà Xùa đã bị mây mù che dày đặc mặc dù đang là gần trưa. Đoàn chúng tôi rời thiên đường mây để xuống Bắc Yên ăn trưa rồi về Hà Nội, kết thúc chuyến săn mây. Hẹn Tà Xùa chuyến sau lên sẽ ngủ trên sống khủng long để săn mây sớm, đi thăm Hang Chú, chụp ảnh ruộng bậc thang mùa nước đổ và mùa lúa chín vàng trên ruộng bậc thang.
Những thời điểm nên check-in Tà Xùa
- Mùa có nhiều khả năng ngắm được biển mây là khoảng từ tháng 11 đến đầu tháng 4 dương lịch. Mùa này cũng là mùa khô trên núi nên đường cũng sẽ dễ đi hơn mùa mưa.
- Mùa nước đổ là vào mùa mưa, khi người dân dẫn nước vào các ruông bâc thang để chuẩn bị cấy lúa.
- Mùa lúa chín khoảng tháng 8 đến tháng 10
- Nếu bỏ lỡ mùa ăn mây, bạn có thể tới vùng này vào mùa hoa táo mèo. Hoa táo mèo nở trắng hai bên đường và núi rừng, là một cảnh sắc tuyệt diệu.
- Vài năm gần đây, người Mông ở Bắc Yên không trồng lúa theo lịch nông vụ nữa mà quay lại cách canh tác cổ xưa, tức là ruộng nào đủ nước, đủ điều kiện thì cấy lúa trước. Điều này đã tạo nên bản sắc đặc biệt cho ruộng bậc thang nơi đây. Không khó khăn để thấy có những thửa ruộng lúa chín vàng sắp gặt mà thửa bên cạnh vẫn xanh rì vừa trổ bông.