Cổ phục có cần cao tới cổ?

31/08/2022

Phóng viên gặp gỡ anh Trần Huy Khôi, hiện đang là nhà sáng lập của thương hiệu Đa La Xước Phục. Đây là thương hiệu thời trang may đo những sản phẩm cổ phục Việt Nam mới thành lập trong năm nay nhưng đã có tiếng vang rất tốt trong thị trường ngách này.

Xin chào anh Trần Huy Khôi, anh có thể giới thiệu về bản thân mình?

Xin chào độc giả, mình là Trần Huy Khôi, nhà sáng lập của thương hiệu Đa La Xước Phục. Ngay từ nhỏ, mình đã có niềm yêu thích với lịch sử. Năm 2012, mình bắt đầu nghiên cứu tìm hiểu về cổ phục. Cho đến năm 2019, mình chính thức bỏ công việc trong ngành Y để mở thương hiệu về cổ phục đầu tiên là “Tinh hoa cổ phục”. Khi này, mình thiết kế và may các sản phẩm cổ phục có cả cách tân lẫn nguyên mẫu.

Sau đại dịch, mình mở thương hiệu “Đa La Xước Phục”, chuyên tư vấn, thiết kế và may đo sản phẩm cổ phục nguyên mẫu. Đa La nghĩa là Hán-Việt là nhiều lụa, cũng là tên riêng của một loại áo. Xước Phục nghĩa là trang phục mềm mại, nho nhã. Mình cũng mong đây là thương hiệu chứa đựng sự phong phú, đa dạng về chất liệu may cũng như kiểu dáng cổ phục.

Ảnh chụp cưới vợ chồng anh Khôi cùng trang phục truyền thống.

Ảnh chụp cưới vợ chồng anh Khôi cùng trang phục truyền thống.

Tại sao anh lại muốn chuyển từ các sản phẩm cổ phục cách tân sang nguyên mẫu?

Lí do đầu tiên là vì mình rất đam mê cổ phục. Đôi khi cũng chạnh lòng khi nhìn nhiều bạn trẻ Việt Nam chụp ảnh nghệ thuật, chụp ảnh cưới với các trang phục truyền thống nước khác như Kimono của Nhật, Hanbok của Hàn nhưng chỉ số ít mặc cổ phục Việt Nam. Mình rất muốn nhiều người biết đến trang phục cổ truyền Việt Nam hơn.

Thứ hai là vì hiện nay trên thị trường có nhiều nhãn hàng làm cổ phục cách tân nhưng làm về cổ phục nguyên mẫu còn rất ít. Làm cách tân có nhiều ưu điểm, nhưng khi mọi người còn chưa biết cái chuẩn, cái nền tảng thì rất khó để phát triển đường dài hơn nữa. Nhà thiết kế và khách hàng cũng cần hiểu rõ về các sản phẩm nguyên mẫu theo lịch sử trước khi cách tân theo phong cách hiện đại. Mình mong góp phần đem của trang phục đến để mọi người có thể hiểu sâu hơn về văn hóa đất nước mình.

Trang phục Nhật Bình rất được lòng khách hàng.

Trang phục Nhật Bình rất được lòng khách hàng.

Trang phục Nhật Bình rất được lòng khách hàng.

Trang phục Nhật Bình rất được lòng khách hàng.

Theo anh, xã hội và các bạn trẻ hiện nay đã có sự quan tâm đến cổ phục hơn chưa?

Mình nhận thấy các bạn trẻ hiện nay đã có nhiều sự quan tâm trang phục truyền thống. Khá nhiều bạn trẻ đến đặt hàng bên mình dù chi phí may sẽ cao hơn thuê rất nhiều, nhưng khách hàng sẵn sàng đầu tư để có thể mặc lâu dài. Gần đây, mình cũng có tài trợ cho chương trình thời trang của các bạn sinh viên làm về cổ phục, nhận được rất nhiều sự hưởng ứng từ nhà trường. Bên cạnh đó, xu hướng mặc cổ phục Nhật Bình, áo Tấc chụp ảnh cưới cũng đang rất được ưa thích.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Mọi người cũng đang dần nhìn nhận cổ phục không chỉ là đồ trang trí. Đã có nhiều đơn vị đặt hàng bên mình may làm quà cho bạn bè quốc tế. Mình cũng vừa chụp ảnh cho một cặp đôi vợ là người Việt và chồng là người Canada, hai người rất hào hứng, cũng như có niềm yêu thích với cổ phục Việt Nam.

Cặp vợ chồng Việt-Canada trong trang phục áo Tấc.

Cặp vợ chồng Việt-Canada trong trang phục áo Tấc.

Nhiều bạn trẻ nghĩ rằng “Cổ phục là phải cao tới cổ” và cảm thấy khá khó chịu khi mặc, anh nghĩ sao?

Cổ phục ngày xưa mặc có rất nhiều quy chế về kiểu dáng, màu sắc, hoa văn dưới sự ràng buộc của nho giáo. Khi đó, tất nhiên phải kín đáo, quy cách nên các bạn trẻ hiện nay thấy khó chịu là điều tất nhiên. Bên mình cũng giản lược các sản phẩm quá cổ xưa, rườm rà, lễ nghi cung đình như Nhật Bình, áo Tấc, Mãng Bào, Giao Lĩnh... Các sản phẩm này thường chỉ dùng trong các dịp sự kiện và đám cưới.

Cũng có các sản phẩm vô cùng thoải mái cho người mặc như áo dài Ngũ Thân sẽ được đẩy mạnh. Áo Ngũ Thân có thể coi là phiên bản gốc của áo dài tân thời bây giờ. Người nam giới khi mặc áo này có thể khoe được chất nam tính, nho nhã. Nữ mặc vào cũng vô cùng nhẹ nhàng, kín đáo, đoan trang và yêu kiều. Chất liệu cũng được làm từ vải Đũi, Linen hay lụa để đem lại sự thoải mái cho người mặc. Bên mình cũng có tham vọng đưa áo ngũ thân được biết đến rộng rãi, ngang hàng với áo dài tân thời bây giờ.

Với hành trình làm cổ phục nguyên mẫu, anh Khôi đã gặp những khó khăn nào?

Khó khăn thì nhiều nhưng có hai khó khăn chính. Đầu tiên là các tư liệu về nguyên mẫu cổ phục vô cùng khó tìm kiếm. Thường chỉ có trong tranh, sách cũ, tài liệu nghiên cứu. Các áo mà khảo cổ tìm được cũng không thể xác định đó là áo táng hay áo mặc thường ngày. Ví dụ như áo Ngũ Thân, mọi người đều biết là năm lớp nhưng mỗi lớp tỷ lệ ra sao, vị trí, chi tiết bên trong như nào thì phải dày công nghiên cứu rất nhiều để ra sản phẩm chính xác nhất.

Tiếp đến là lụa chất lượng cao ở Việt Nam rất khó kiếm mà lụa cao cấp có hoa văn cổ thì vô cùng đắt đỏ, có thể lên đến cả triệu đồng một mét. Một chiếc áo Ngũ Thân đôi khi từ 5 đến 7 mét vải thêm công thợ nữa thì giá thành bán ra sẽ vô cùng cao. Hiện tại, mình vẫn dùng các vải giá mềm hơn nhưng vẫn đảm bảo chất lượng như vải Sa Hàn, Linen, Đũi. Nếu mọi người nhìn sang Hàn và Nhật sẽ thấy ngành chất liệu may mặc của họ rất phát triển từ đó kéo theo cổ phục lan tỏa khắp nơi trên thế giới. Mình hy vọng thời gian tới sẽ khắc phục được dần khó khăn này khi liên kết cùng các bên cổ phục khác.

Bạn bè quốc tế cũng rất quan tâm cổ phục Việt Nam.

Bạn bè quốc tế cũng rất quan tâm cổ phục Việt Nam.

Bạn bè quốc tế cũng rất quan tâm cổ phục Việt Nam.

Bạn bè quốc tế cũng rất quan tâm cổ phục Việt Nam.

Theo anh, sự hiểu biết về văn hóa truyền thống của khách hàng ảnh hưởng như nào đến thị trường cổ phục?

Khi mình làm về may đo cổ phục sẽ gặp rất nhiều khách đưa ra các mong muốn riêng của họ. Lúc thì làm ngắn tay này khi thì sẽ chiết eo hay muốn những họa tiết không phải Việt Nam... Có khách hàng ở hải ngoại nhờ mình may cổ phục nhưng lại gửi các họa tiết Trung Quốc. Những khách như vậy, mình thường giải thích cho khách hiểu hơn về cổ phục, cũng như văn hóa. Nếu khách không chịu hay vẫn đưa ra những yêu cầu quá khó, mình cũng đành từ chối.

Mình cũng muốn khách hàng hiểu hơn về cổ phục để những người làm nghề như mình có thể tạo ra những sản phẩm tốt nhất. Thời gian tới, Đa La Xước Phục cũng sẽ có những chiến dịch để đưa cổ phục vào đời sống hàng ngày của mọi người như các buổi gặp mặt chả hạn.

Cổ phục ngày càng được yêu thích hơn.

Cổ phục ngày càng được yêu thích hơn.

Trước khi kết thúc, anh Khôi muốn chia sẻ thêm điều gì với độc giả Travellive không?

Đa La Xước Phục có slogan là “Việt cổ phục, mặc để yêu”. Yêu ở đây là thêm yêu trang phục, yêu nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình. Mặc cổ phục thật ra không phải những gì đao to búa lớn như truyền thông thường nói như bảo tồn... Mà chỉ đơn giản là mặc những trang phục để mình cảm thấy yêu hơn nét đẹp của Việt Nam. Nếu mọi người dành thời gian tìm hiểu sẽ thấy cổ phục rất đẹp không thua gì các nước khác và tương lai cũng sẽ được bạn bè quốc tế quan tâm tới.

Xin cảm ơn anh.

Hà Tháng Tư
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES