"Người Việt xa lạ" tái hiện vẻ đẹp của cổ phục Việt Nam

26/01/2021

Mới đây, tổ chức phi lợi nhuận Vietnam Centre vừa cho ra mắt dự án video "Người Việt xa lạ?!?" để giới thiệu cổ phục đất Việt xuyên suốt 1000 năm lịch sử.

Với tên gọi "Người Việt xa lạ?!? - 1000 Years of Vietnamese Fashion" - dự án mới của Vietnam Centre đã thu hút hàng ngàn lượt theo dõi và quan tâm từ người trẻ, giữa bối cảnh trang phục thời xưa của Việt Nam xuất hiện ngày càng nhiều trên các kênh nghệ thuật, từ hội họa, ca nhạc đến phim ảnh. Sau khi công bố, video đã thu hút lượng bình luận lớn từ người xem trong nước và quốc tế.

Trong hơn 3 phút, những bộ trang phục truyền thống của Việt Nam trong hơn 1000 năm lịch sử, từ thời Lý, Trần - Lê Sơ, Lê Trung Hưng và thời Nguyễn lần lượt được tái hiện, khiến người xem thích thú trước những tạo hình vừa quen vừa lạ. Quen với nụ cười răng đen lay láy “như mùa thu tỏa nắng”, với nếp áo ngũ thân cổ đứng (tiền thân của áo dài hiện đại). Lạ với mái tóc ngắn “năng động” của nữ nhân nhà Trần, với cách phối đồ mà một số người vẫn ngỡ rằng không thể nào tồn tại ở Việt Nam.

Trang phục thời Lý

Trang phục thời Lý

Bởi vậy, Vietnam Centre quyết định đặt tên dự án là "Người Việt xa lạ?!?". Khi xem video này, hẳn đã có nhiều người thắc mắc rằng những tạo hình đó liệu có phải của người Việt? Và người Việt Nam hiện nay liệu có thấy xa lạ với tấm áo, nét cười trong video?

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Để những người quan tâm hiểu rõ hơn về các bộ trang phục được giới thiệu trong bản ghi hình, nhóm Vietnam Centre tiếp tục đăng hình ảnh của từng bộ theo thời kỳ, cùng nguồn cứ liệu đã tham khảo khi tạo hình.

Trang phục thời Trần - Lê Sơ

Trang phục thời Trần - Lê Sơ

Theo nhóm Vietnam Centre, họ thực hiện dự án này dựa trên những cứ liệu lịch sử khả tín còn lưu lại như các đoạn văn bản trong Đại Việt sử ký toàn thư, Sứ Giao Châu thi tập, Kiến văn tiểu lục, miêu tả của Chu Khứ Phi... Bên cạnh đó, nhóm cũng tham khảo các minh họa trong tranh Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ, An Nam lai uy đồ sách, Hoàng Thanh chức cống đồ, hình chạm khắc ở đình Độc Lôi, Nghệ An …

Từ đây cho đến hết tháng 1, Vietnam Centre sẽ tiếp tục đăng tải hình ảnh của từng bộ trang phục kèm diễn giải tại fanpage, nhằm đem lại cho người xem những thông tin chi tiết hơn về từng loại trang phục.

Trang phục thời Lê Trung Hưng (Đàng Ngoài)

Trang phục thời Lê Trung Hưng (Đàng Ngoài)

Trang phục thời Lê Trung Hưng (Đàng Trong)

Trang phục thời Lê Trung Hưng (Đàng Trong)

“Khi nhắc đến Việt Nam, bạn bè quốc tế và thậm chí rất nhiều người Việt dường như chỉ biết tới Cuộc Chiến mà không phải điều gì khác. Sự thực đó khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng, bởi một nền văn hoá dân tộc rực rỡ có bề dày ngàn năm ở Á Châu lại được định nghĩa bằng một cuộc chiến xảy ra cách nay chưa lâu.” - Trích lời người sáng lập Vietnam Centre. Đó cũng chính là lý do ra đời của Vietnam Centre cùng những dự án tâm huyết của họ.

Trang phục thời Nguyễn

Trang phục thời Nguyễn

Ngoài ra, trước đó, vào tháng 06/2020, Vietnam Centre đã chào sân với dự án đầu tiên - quyển sách song ngữ đầu tiên về cổ phục Việt mang tên “Dệt nên triều đại” (tên tiếng Anh: Weaving a Realm). Quyển sách đã trải qua quá trình gây quỹ cộng đồng trong hơn 6 tháng để có thể đến được tay bạn đọc, cho thấy mối quan tâm không hề nhỏ dành cho văn hóa Việt Nam truyền thống nói chung và cổ phục Việt nói riêng.

Empty

Quyển sách khái lược về cổ phục Việt Nam trong cung đình thời Lê Sơ, từ những dáng áo cơ bản nhất như Giao Lĩnh (cổ chéo), Viên Lĩnh (cổ tròn), Đối Khâm (vạt thẳng), đến phục sức của một số tầng lớp trong triều đình như Hoàng Bào của Hoàng đế, Địch Y của Hoàng hậu, v.v. Với bố cục mỗi chương là một món trang phục, độc giả được dẫn dắt vào hành trình tìm hiểu nhiều lịch sử thời trang dưới một góc nhìn đầy tươi mới, nhờ vào các tác phẩm hội họa cổ điển kết hợp với những tác phẩm từ các họa sĩ, nhiếp ảnh gia trẻ nhưng uy tín trong giới cổ phong như Hiệu Sicula, Nguyễn Hoàng Dương, Nguyễn Hùng, v.v.

Trong bối cảnh xã hội không ngừng thay đổi nhờ sự phát triển không ngừng của khoa học và công nghệ, những dự án cổ phong giống ấn phẩm "Dệt nên triều đại" hay video "Người Việt xa lạ?!? - 1000 năm Việt phục" thật đáng trân trọng. Chúng giúp ta hiểu hơn về các truyền thống xưa cũ của ông bà, tổ tiên, để cho những giá trị văn hoá tốt đẹp đó không bị mai một theo dòng chảy thời gian.

Hương Thảo - Nguồn: Vietnam Centre
RELATED ARTICLES