Côn Đảo mùa gió chướng

17/05/2019

Mùa gió chướng - như cái tên gọi của nó, đó là mùa có những cơn gió chẳng thuận theo ý của dân đảo nên họ gọi là “chướng”. Dân đảo chẳng mấy ai đi biển mùa này vì biển động, gió lớn không an toàn cho tàu bè. Nhưng, đối với những người cựu tử tù năm xưa, mùa gió chướng là thời cơ với họ để tổ chức những cuộc vượt ngục, kết bè và nương theo cơn gió ấy để về với đất liền.

Mùa gió chướng - mùa vắng khách

Gió chướng ở Côn Đảo thường bắt đầu thổi từ tháng 10 năm này đến tháng 4 năm sau. Tàu bè của người dân không ra khơi được và tàu cao tốc chuyển khách từ Sóc Trăng, Vũng Tàu đến Côn Đảo cũng hạn chế vì sức gió và sóng lớn. Cách tốt nhất để đảm bảo hành trình là đến Côn Đảo bằng đường hàng không. Mỗi ngày có khoảng mười chuyến bay đến Côn Đảo từ sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Cần Thơ, nếu có ý định đi thì cần tranh thủ đặt vé sớm.

Empty

Nhưng cũng chính vì yếu tố đi lại mà lượng khách trở nên vắng vẻ, trả lại Côn Đảo sự bình yên vốn có. Tôi thấy vậy lại hoá ra hay. Lái chiếc xe máy vừa mới thuê trên con đường Tôn Đức Thắng ven biển để tận hưởng những làn gió mát, nắng vàng, trời xanh và nghe tiếng sóng vỗ rì rào bên tai. Cả con đường hai chiều vậy mà như chỉ có mỗi mình tôi chạy, lâu lâu mới thấy một chiếc xe điện hoặc xe khách chạy ra từ hướng Nhà tù Phú Hải (ở con đường ngay gần đó).

Empty

Côn Đảo ngày bình yên

Trung tâm Côn Đảo rất nhỏ, có vài con đường, đi một lúc là hết. Nhưng tôi vẫn cứ thích lang thang dăm ba vòng để tận hưởng cái không khí vắng vẻ, trong lành này - điều mà chắc chắn sẽ chẳng tìm được ở nơi mình đang sống - Sài Gòn. Bất chợt tôi nhận ra một điều thú vị trên những cây bàng ở khắp Côn Đảo, khi thấy trên những tán cây lớn chỉ còn lác đác vài chiếc lá bàng màu đỏ úa chờ chực rơi để nhường chỗ cho những chồi non. Cây bàng gắn liền với cuộc sống của người dân trên đảo. Tán cây che mát ngày nắng nóng. Quả bàng rụng được gom lại, phơi khô, lấy hạt về rang sấy làm đồ ăn vặt - đặc sản thường được du khách mua về làm quà nữa. Cây bàng cũng góp phần làm nên vẻ đẹp cảnh quan của Côn Đảo.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Empty

Từ đường Tôn Đức Thắng tới đường Nguyễn Chí Thanh thẳng hướng ra bãi biển Đầm Trầu là đoạn đường mới được hoàn thiện vào tháng 04/2018 nên còn mới và rất đẹp. Đi trên con đường với một bên là dãy rừng xanh của núi Chúa, một bên là biển xanh sóng vỗ thật tuyệt, có những đoạn cho tôi cảm giác như là đi giữa rừng. Vào mùa gió chướng, con đường này còn đẹp hơn khi có thêm những bụi hoa giấy lớn, nở rộ đủ màu hồng, trắng và cả màu cam phấn.

Empty

Hoàng hôn Bãi Nhát

Chiều xuống, tôi chạy xe hướng ra mũi Cá Mập để đến với Bãi Nhát - nơi được mệnh danh là điểm ngắm hoàng hôn đẹp nhất Côn Đảo. Cứ mải mê chạy rồi bất ngờ nhận ra mũi Cá Mập đang có một chiều nắng đẹp tuyệt vời. Từ phía bên này núi đang sẫm tối, chạy tới mũi để thấy bên kia núi đang sáng bừng vì mặt trời rọi thẳng vào vách núi.

Empty

Đoạn đường từ mũi Cá Mập đến Bãi Nhát khi mặt trời lặn có lẽ là đoạn đường đẹp nhất Côn Đảo với những đường cong uốn quanh núi và đồi cỏ cháy. Tôi tìm cho mình một mỏm đá nơi không nhiều người, mở những bàn nhạc ballad, chill,… và ngồi yên đó ngắm nhìn những ánh nắng cuối ngày, tận hưởng những cơn gió, nghe tiếng sóng biển vỗ. Cảm giác thật nhẹ nhàng, lãng mạn và bình yên. Mỗi hoàng hôn đều có cái đẹp và cảm xúc riêng của nó - dù những cơn gió chướng có làm đùn thêm tí mây đi chăng nữa thì cũng chẳng sao.

Empty
Empty
Empty

Đất thiêng Côn Đảo

Côn Đảo không chỉ được biết đến là một nơi có những bãi biển hoang sơ xinh đẹp mà còn là một vùng đất linh thiêng. Nếu bạn có duyên đến với Côn Đảo, hãy dành thời gian để đến viếng mộ nữ anh hùng Võ Thị Sáu (hay còn gọi là mộ Cô Sáu) ở nghĩa trang Hàng Dương; viếng thăm đền thờ bà Hoàng Phi Yến - thứ phi của vua Nguyễn Ánh năm xưa bị đày ra đảo vì nghi ngờ có ý thông đồng với quân Tây Sơn; viếng đền thờ Cậu Cải - con trai duy nhất của vua Nguyễn Ánh và bà Phi Yến; viếng miếu Ngũ Hành và ngôi chùa duy nhất ở Côn Đảo - Vân Sơn Tự. Côn Đảo là đất thiêng nên các bạn đừng đùa giỡn hay buông lời bất kính với những người “ở thế giới bên kia”.

Vậy đó, tôi đã đến Côn Đảo lần thứ ba rồi, mỗi lần là một trải nghiệm khác nhau. Lần thì mưa giăng khắp lối, lần thì trời nắng đẹp lung linh, lần thì gió thổi như muốn nhấc bổng mình lên. Ấy vậy mà tôi vẫn không biết chán Côn Đảo, thích mọi thứ ở đây, và thích... cả mùa gió chướng.

THÔNG TIN THÊM

- HÀNH TRÌNH: Bạn có thể đặt vé máy bay từ TP.HCM đi Côn Đảo hoặc đi tàu cao tốc từ cảng Trần Đề (Sóc Trăng) với thời gian 1 tiếng 30 phút và Vũng Tàu với thời gian 2 tiếng 30 phút để đến với Côn Đảo. Dự kiến trong tháng 4 tới, sẽ có thêm tàu cao tốc từ bến Bạch Đằng (TP.HCM) đến với Côn Đảo.

- PHƯƠNG TIỆN DI CHUYỂN: Côn Đảo có taxi, có xe điện nhưng nếu thuê xe máy, bạn sẽ dễ dàng khám phá Côn Đảo hơn với chi phí từ 100.000 - 120.000 đồng/ngày.

- THỜI ĐIỂM:

  • Từ tháng 2 đến tháng 6 là thời gian biển ở Côn Đảo đẹp nhất để đi lặn biển và tắm biển.
  • Tháng 7 đến tháng 10 là mùa rùa biển thường lên bờ đẻ trứng những cũng là thời gian dễ có mưa và bão.
  • Tháng 10 đến tháng 4 năm sau là mùa gió chướng ở Côn Đảo nên đi tàu cao tốc dễ bị say sóng hoặc bị hủy chuyến.

- ẨM THỰC: Đừng quên thưởng thức bánh xèo và cháo vịt ở quán Kiều Tâm, bún riêu Bà Hai Khiêm, bánh bèo Cô Ba, cháo gà đêm đường Phạm Văn Đồng…

- TRANG PHỤC: Khi tới những điểm đến tâm linh, hãy nhớ mặc đồ kín đáo. Còn khi đi tắm biển hoặc tham quan các hòn, hãy mặc đồ nào bạn thấy thoải mái nhất để có thể tận hưởng không khi biển trong veo.

- CÁC TOUR NÊN ĐI: Tham quan các hòn xung quanh Côn Đảo, câu cá, lặn ngắm san hô, lặn với bình dưỡng khí,…

- CHI PHÍ CHO CHUYẾN ĐI: Chi phí dự kiến cho chuyến đi vào cuối tuần khoảng 3,5 triệu đồng (đường thủy) đến 5,5 triệu đồng (hàng không).

Vinh Lê
RELATED ARTICLES