Công nghệ có thể giúp du khách khỏi sự phân biệt đối xử như thế nào?

03/03/2022

Ngày nay, ngày càng có nhiều các công cụ kỹ thuật số và các ứng dụng công nghệ mới được xây dựng, giúp khách du lịch là người da màu và người thuộc cộng đồng LGBTQ+ có thể du lịch một cách an toàn, và bảo vệ họ khỏi sự phân biệt đối xử.

Sống trong thế kỷ bùng nổ của công nghệ, người dân ở nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước phát triển, đã quen thuộc với việc đi du lịch tiện lợi và nhanh chóng: lập kế hoạch du lịch trên các trang mạng xã hội, cập nhật thông tin chuyến bay qua tin nhắn điện thoại, đặt vé qua các ứng dụng, hay thậm chí quét nhận diện khuôn mặt (face ID) để qua cửa an ninh. Công nghệ giúp các chuyến đi của chúng ta trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết, nhưng điều đó không phải lúc nào cũng đúng đối với các cộng đồng thiểu số vốn đã chịu nhiều thiệt thòi.

Người da màu và người thuộc cộng đồng LGBTQ+ thường xuyên bị huỷ chỗ khi sử dụng các dịch vụ đi lại, với tỷ lệ lớn hơn nhiều so với người da trắng và người dị tính. Theo thống kê tại Mỹ, các du khách da màu có nhiều khả năng bị từ chối đặt phòng Airbnb hơn du khách da trắng. Các nghiên cứu cũng cho thấy, công nghệ face ID thường xuyên nhận diện sai khuôn mặt của du khách da màu; và máy quét tại cổng an ninh sân bay thì lại cho rằng người chuyển giới là mối đe doạ an ninh.

Ảnh: Mohammed Elshamy, Anadolu Agency/Getty Images

Ảnh: Mohammed Elshamy, Anadolu Agency/Getty Images

Nhiều công ty du lịch lớn đang tìm cách giải quyết tình trạng này. Đơn cử như, Airbnb đã cấm hoạt động hơn 1 triệu tài khoản người dùng vì vi phạm chính sách Không phân biệt đối xử, đồng thời đưa ra sáng kiến phân tích dữ liệu để nhận diện và đoán trước các hành vi phân biệt chủng tộc. Một vài đơn vị du lịch, lữ hành quốc tế khác cũng đang hướng tới việc xây dựng công cụ và chính sách nhằm ngăn chặn sự bất bình đẳng.

Tuy nhiên, dường như những cộng đồng thiểu số không muốn bị động chờ đợi nữa. Rất nhiều người đang sử dụng công nghệ để tạo ra những công cụ giúp bảo vệ du khách khỏi sự phân biệt đối xử trong du lịch.

7

Stefan Grant, một rapper gốc Jamaica sống ở Nam Florida (Mỹ), đã tự mình trải nghiệm sự phân biệt chủng tộc, khi cảnh sát xuất hiện trước cửa căn Airbnb mà anh thuê khi du lịch ở Atlanta vào năm 2015, vì một người hàng xóm báo cảnh sát rằng Grant và bạn bè anh là kẻ cướp đang tấn công ngôi nhà. Câu chuyện này sau đó được Grant chia sẻ trên mạng xã hội và lan truyền mạnh mẽ, nhiều người cũng chia sẻ trải nghiệm tương tự về việc bị phân biệt chỉ vì là người da màu.

Nhận thức được sự khó khăn mà các cộng đồng thiểu số phải đối mặt trong ngành du lịch, Stefan Grant đã thành lập Noirbnb, một nền tảng cho thuê nhà nghỉ nhắm đến khách du lịch da màu và những người tôn trọng họ. Grant nói, nền tảng này nhằm mục đích giáo dục, ủng hộ và cung cấp lợi ích kinh tế để tạo ra một cộng đồng hoà nhập cho khách du lịch. Người sử dụng Noirbnb sẽ biết rằng "người cho thuê không gian này tôn trọng con người và phẩm giá của tôi" - anh nói.

Các chương trình khác, như dự án Green Book Global, thì cung cấp hướng dẫn tham quan thành phố theo mắt nhìn của du khách người da đen. EatOkra kết nối người dùng với hơn 11.000 nhà hàng thuộc sở hữu của người da đen trên nước Mỹ, còn BlappSupportBlackOwned.com cung cấp thông tin theo nhu cầu, từ các phòng tập yoga đến các cửa hàng bán lẻ được đề cử bởi cộng đồng người da đen.

Empty

Một ví dụ khác, ứng dụng Green Book Project, do kỹ sư phần mềm Christian Lowe phát triển, cho phép du khách xác định mức độ an toàn và thân thiện của địa điểm họ muốn đến, dựa trên nhu cầu của bản thân. Chẳng hạn, một người ăn chay, đa dạng tính dục có thể tìm kiếm phản hồi về một nhà hàng bất kỳ và xem xét thái độ của nhân viên nhà hàng đó với cộng đồng của mình.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

"Chỉ vì tôi - một người đàn ông da đen dị tính - thấy địa điểm này thân thiện, không có nghĩa là nơi đó cũng thân thiện với cô em gái da đen thuộc cộng đồng LGBTQ+ của tôi" - ông Lowe nói.

Các công ty công nghệ lớn cũng đang tìm cách cải thiện khả năng tìm kiếm trên công cụ của họ, mặc dù kết quả vẫn chưa mấy khả quan. GoogleMaps, OpenTable và Yelp cho phép người dùng lọc ra những địa điểm có chủ sở hữu là người thuộc cộng đồng LGBTQ+. Trên Yelp, thậm chí du khách còn có thể tìm kiếm các phòng tắm công cộng không phân biệt giới tính. Dù rằng từ khoá “doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo” có thể lọc ra trên Google, nhưng các cụm bao gồm “LGBTQ+”, “an toàn cho người chuyển giới” và “các địa điểm có người Mỹ Latin/cựu chiến binh làm chủ” thì không tìm được. Theo đại diện Google, công ty đang cố gắng để khách du lịch có thể tiếp cận các chức năng này càng sớm càng tốt.

Empty

Thậm chí, ngoài các công cụ kỹ thuật số và ứng dụng công nghệ đang manh nha phát triển, du khách bây giờ cũng có thể tìm kiếm các hashtag cụ thể trên mạng xã hội Instagram, ví dụ như #BlackInParis hay #QueerSaigon, để định vị các địa điểm, con người và sự kiện theo chủ đề của hashtag đó.

"Người đồng tính khi đi du lịch cũng gặp các khó khăn tương tự như người da màu" - Robert Geller, người sáng lập nền tảng FabStayz (một ứng dụng thuê nhà dành cho người thuộc cộng đồng LGBTQ+), cho biết.

Geller cũng chia sẻ, FabStayz và các nền tảng khác, như Misterb&b và Ebab, đều giúp mang lại cảm giác an toàn cho khách du lịch, để họ không còn phải vật lộn tìm kiếm những địa điểm an toàn nữa. "Câu hỏi được giải đáp, lo lắng cũng không còn. Du lịch sẽ giống như đến chơi nhà một người bạn thôi" - anh nói.

Empty

Spartacus International Gay Guide, một ứng dụng du lịch quốc tế dành cho người đồng tính nam, lưu trữ và cập nhật hàng nghìn điểm đến thân thiện với cộng đồng LGBTQ+ trên khắp thế giới. TripIt, một ứng dụng du lịch hậu cần và GeoSure, một ứng dụng tìm kiếm an toàn khi du lịch, cũng có chức năng xếp hạng các khu vực lân cận về mức độ an toàn dành cho cộng đồng này.

Rất nhiều công cụ và ứng dụng công nghệ khác cũng có đóng góp, để du lịch có thể trở nên an toàn hơn cho cộng đồng những người có xu hướng tính dục và bản dạng giới đa dạng. Ví dụ như Equaldex - một công ty công nghệ số tổng hợp thông tin về quyền hợp pháp của người phi nhị nguyên giới, hay Trans Legal Mapping Report - một trang thông tin trình bày chi tiết các luật liên quan đến chuyển đổi giới tính tại hơn 140 quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc.

Một số nền tảng kỹ thuật số khác như Man About World LGBTQ+ Travel Guide thì có cả trang web và ứng dụng trên điện thoại, cung cấp các mẹo và lời khuyên từ du khách chuyển giới, mở rộng cơ hội tham gia các nhóm du lịch của người chuyển giới trên Facebook, và nhiều tính năng khác.

Kayley Whalen, chủ nhân của blog du lịch Trans Worldview, chia sẻ: "Dù bạn sử dụng ứng dụng hay nền tảng số nào, tôi khuyên bạn vẫn nên kết nối với cộng đồng của mình tại nơi bạn muốn đến. Có nhiều tổ chức như Asia Pacific Transgender Network (có cơ sở tại 15 quốc gia châu Á Thái Bình Dương) có thể mang đến cái nhìn thực tế xem người chuyển giới được đối xử ra sao, đồng thời tạo điều kiện cho bạn kết nối với cộng đồng địa phương".

Kayley Whalen (thứ hai từ phải sang) tại sự kiện VietPride 2019 với cộng đồng FTM Vietnam - Ảnh: Blog  Kayley Whalen

Kayley Whalen (thứ hai từ phải sang) tại sự kiện VietPride 2019 với cộng đồng FTM Vietnam - Ảnh: Blog Kayley Whalen

Kayley Whalen cũng chia sẻ, khi đến Việt Nam du lịch, cô đã liên hệ với FTM Vietnam (một tổ chức phi lợi nhuận nghiên cứu và phát triển nhu cầu cộng đồng người chuyển giới nam nói riêng, chuyển giới nói chung) và ICS Center (tổ chức hoạt động vì quyền con người) tại Việt Nam, sau đó cô đã lập tức tìm được một người bạn đồng hành, thông qua các tổ chức này.

"Một bạn chuyển giới nữ đã đi xe máy đến đón tôi tại sân bay, đưa tôi đi ăn tối và chở tôi đến căn Airbnb tôi thuê trước đó, chỉ để đảm bảo rằng với tư cách là người chuyển giới, tôi có thể cảm thấy an toàn và được chào đón ở đất nước này" - Kayley viết trên blog của mình.

Cô cũng chia sẻ góc nhìn của mình, rằng những ứng dụng công nghệ tương tự như vậy có thể tạo nên những không gian hoà nhập, tôn trọng lẫn nhau. Khách du lịch từ mọi nơi trên thế giới có thể cảm thấy được kết nối và không lạc lõng khi bị bỏ rơi.

"Tôi nghĩ rằng, du lịch cũng là một cách để người chuyển giới khẳng định bản thân. Khi đi du lịch, tôi nhận rõ rằng, mỗi quốc gia lại có một khái niệm về giới khác nhau" - cô nói.

An - Ảnh: Internet - Nguồn: National Geographic
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES