Cuba, những mảng màu đối lập

07/02/2025

Đó là những mảng ký ức đẹp đẽ nhất, những hình ảnh trong lành và rạng rỡ nhất khi nhớ về một đất nước quá xa xôi, nơi màu xanh của biển Caribe và màu trời dường như hoà làm một trong cái nắng vàng như rót mật. Nhưng, Cuba giờ đây ra sao?

Chắc có lẽ không một câu nói nào có thể miêu tả đúng hơn về đất nước Cuba bằng những dòng thơ của Tố Hữu:

“Nửa vòng trái đất rẽ tầng mây

Anh đến Cuba một sáng ngày

Nắng dệt trời tơ và biển ngọc

Đảo thơm một dải lụa đào bay

Em ạ, Cuba ngọt lịm đường

Mía xanh đồng bãi biếc đồi nương

Cam ngon xoài ngọt vàng nông trại

Ong lạc đường hoa rộn bốn phương”

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Đó là những mảng ký ức đẹp đẽ, những hình ảnh trong lành, rạng rỡ nhất khi nhớ về một đất nước quá xa xôi, nơi màu xanh của biển Caribe và màu trời dường như hoà làm một trong cái nắng vàng như rót mật.

spencer-everett-4MTSE39Oqro-unsplash
Đường phố La Habana rất cũ kĩ, đa phần không được sơn sửa từ nhiều thập kỷ

Đường phố La Habana rất cũ kĩ, đa phần không được sơn sửa từ nhiều thập kỷ

Nhưng, Cuba giờ đây ra sao?

Chiến tranh đã lùi xa nhưng Cuba vẫn loay hoay trong sự bất lực và mâu thuẫn khi mà đất nước vẫn bị cấm vận bởi cường quốc chỉ cách thủ đô La Habana có 180 km qua eo biển Florida và trong khi cứ 10 người Cuba thì 9 người nói về việc làm thế nào để trốn sang cường quốc đó.

Để hình dung dễ hơn về 2 từ “cấm vận”: nếu đi Cuba bạn sẽ không thể mua bảo hiểm du lịch của những hãng thuộc Mỹ, bạn chỉ có thể sử dụng một số loại thẻ ngân hàng nhất định. Việc sử dụng các mạng xã hội như Zalo, Viber, Facebook… cũng rất hạn chế hoặc không thể, hay thậm chí đơn giản chỉ là chiếc điện thoại iPhone của bạn tự nhiên không thể cập nhật giờ, địa điểm nơi bạn đến. Trong khi cả thế giới đang nói về cách mạng 4.0, AI, ChatGPT thì điều này đã khiến Cuba càng trở nên bị cô lập và gạt ra bên ngoài của mọi cuộc chơi.

Xe cổ tại thành phố La Habana

Xe cổ tại thành phố La Habana

Cuba được ưu đãi về thiên nhiên đúng như thơ Tố Hữu nói, nhưng người dân vẫn nghèo, rất nghèo. Biển đầy tôm hùm nhưng không được đánh bắt, đồng đất tốt tươi nhưng chẳng có người khai thác, biển trời lung linh nhưng cả nước có đúng 3 công ty du lịch Nhà nước phục vụ với tốc độ rùa bò và thông tin mù mịt. Thành phố La Habana nằm ngay bờ biển xanh ngắt nhưng tìm mỏi mắt không có một nhà hàng, cả dãy phố nằm bên bờ vịnh xanh biếc sóng vỗ dạt dào mà đóng cửa im lìm tận hưởng sự bình yên đầy tiếc nuối.

Hỉnh ảnh phụ nữ Cuba với làn da nâu và mái tóc xù đặc trưng

Hỉnh ảnh phụ nữ Cuba với làn da nâu và mái tóc xù đặc trưng

Không chỉ bị cấm vận, Cuba cũng không chịu mở cửa và vẫn là một trong số ít những quốc gia vẫn giữ vững chế độ bao cấp với người dân. Trên phố, chẳng khó khăn để gặp những đám đông tay cầm quyển sổ chờ đợi: chờ xe bus, chờ mua rau, mua gạo, mua xăng, mua giấy… Không hàng quán, không chợ, thỉnh thoảng mới thấy một cửa hàng mậu dịch mà chưa kịp mở đã hết hàng. Cuộc sống tù túng và ngột ngạt khi mà có tiền cũng không thể mua được thứ mình muốn vì: chưa có hàng. Kể cả những mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, thiết bị sửa chữa, thực phẩm, hàng tiêu dùng. Xe hỏng cả tháng để nhà chờ để có đồ sửa, cam ngon xoài ngọt chín rụng cũng đành chịu khi không có xe cộ vận hành.

Tòa nhà Quốc hội tại thủ đô La Habana

Tòa nhà Quốc hội tại thủ đô La Habana

Nhưng Cuba cũng có những thứ làm tôi không thể quên.

Đó là những chiếc xe cổ từ thập niên 50 trở về trước được sơn bóng lộn đủ màu sắc xanh, đỏ, tím, vàng, hồng phóng vun vút trên phố. Một hình ảnh hoàn toàn đối lập với những dãy phố cũ kỹ nhạt màu. Ôi xe cổ, đó là thứ duy nhất khiến La Habana trở nên sống động vui tươi.

Đó còn là rượu rum và xì gà – hai thứ đã trở thành thương hiệu toàn thế giới. Ở Cuba, có lẽ không có niềm vui nào khác ngoài 2 thứ tiêu khiển này. Từ bác lao công, anh bảo vệ đến chủ doanh nghiệp thì tay cũng cầm xì gà như nhau, bởi vì làm gì còn thú vui nào khác.

Nhà phơi lá xì gà tươi

Nhà phơi lá xì gà tươi

Nhấp một ngụm rum và ngậm trước khi nuốt, mùi rum ngập toàn khoang miệng, xộc lên tận mũi, trong vị đắng cay thoảng chút ngọt rất nhẹ của đường mía, và rít một hơi xì gà cay nồng… Cảm nhận một chút gì đó rất Bắc Mỹ, rất Cuba. Không phải tự nhiên mà hình ảnh đặc trưng của người Cuba là những cô gái tóc xù với đường cong đặc trưng bốc lửa, miệng ngậm lệch điếu xì gà và tay cầm ly rum sóng sánh.

Xì gà - đó là thứ thuốc lá thuần khiết - từ khâu thu lá tươi đến khâu đóng gói đều hoàn toàn làm thủ công, từ xưởng xì gà “cây nhà lá vườn” đến những xí nghiệp sản xuất đóng gói thương mại quốc tế. Cây xì gà khi lớn đủ đến lúc thu hoạch cao ngang đầu người tầm thước, lá cây tươi to bằng cái lá dong, được thu hoạch khi đã đủ độ già, được phơi trong nhà lá chứ không phơi trực tiếp dưới nắng, lá mới hái để dưới thấp, lá khô được xếp lên cao hơn thành từng tầng để phân loại. Khi đã đủ khô rồi sẽ được mang về xưởng, phân loại theo độ dày mỏng, độ đậm nhạt, độ lành lặn, độ dai…

Vườn cây xì gà chuẩn bị đến kỳ thu hoạch

Vườn cây xì gà chuẩn bị đến kỳ thu hoạch

Lá xì gà bắt đầu khô trong lán

Lá xì gà bắt đầu khô trong lán

Những mảnh lá khô nhất xấu nhất được xếp bên trong, những chiếc lá đẹp nhất, nhẵn mịn nhất, khô dai nhất và ít xương lá nhất được đóng bánh riêng để làm lớp phủ ngoài. Quy trình cuộn thuốc đóng bao cũng hoàn toàn thủ công. Một điếu xì gà ngon phải cho khói đều, rít nhẹ đã thấy vị cay sặc thấm vào lưỡi… Tin tôi đi, rất có thể một điếu xì gà mua tại vườn chỉ có giá khoảng 2 đô-la nhưng độ ngon thì ko hề kém cạnh một điếu Cohiba hay Behike là mấy, có thể dân sành còn thích hơn vì độ “mộc”. Cohiba hay Behike hoàn toàn không có gì khác về quy trình trồng và đóng gói, chỉ khác là thương hiệu và có thể chút hương liệu xịt vào để tạo mùi vị khác nhau - mà cái này thì không phải ai cũng thích.

Tòa nhà Quốc hội tại thủ đô La Habana

Tòa nhà Quốc hội tại thủ đô La Habana

Đến Cuba, nhất định phải đến thành phố biển Varadero - thành phố biển đẹp như một thiên đường, nơi màu xanh của biển và của trời chỉ được phân tách bởi một dòng kẻ. Phải đến thăm nhà của nhà văn Ernest Hemingway, tác giả của cuốn Ông già và biển cả - nơi ông đã dành 20 năm tuổi trẻ để sống và viết, phải đến thăm quán rượu La Bodéguita nơi Hemingway thường lui tới. Và nữa, ghé thăm nhà hàng nơi đã đón tổng thống B. Obama - vị Tổng thống đầu tiên và duy nhất nói tới việc dỡ bỏ lệnh cấm vận - tiếc thay vị Tổng thống kế nhiệm đã phủ quyết việc này ngay từ khi thế chỗ. Nhà hàng đã treo và đóng đinh chiếc ghế mà Obama đã ngồi lên tường để làm kỷ niệm.

Tượng Ernest Hemingway - tác giả của cuốn sách Ông già và biển cả

Tượng Ernest Hemingway - tác giả của cuốn sách Ông già và biển cả

Nhà của Ernest Hemingway – tác giả của tác phẩm nổi tiếng “Ông già và biển cả” nằm dưới bóng cây xanh mát trong khu vườn rộng có bức tượng của ông và cả chiếc thuyền đánh cá mà ông thường sử dụng để đi biển.

Còn nữa, một thứ vô cùng độc đáo mà nếu đến La Habana nhất định bạn phải thử: Đó là bia Corona extra pha đá nhỏ thêm vài giọt xì dầu đặc biệt, miệng ly có rắc một lớp muối hạt. Sự pha trộn nghe đã thấy… đau bụng không ngờ lại đem lại một sự bùng nổ vị giác đến vậy: vị mặn của muối biển hòa với vị bia Corona đã được dặm thêm độ ngọt từ xì dầu đen khiến ly cocktail trở nên ngọt ngào một cách quyến rũ.

Cầm ly cocktail mát lạnh trên tay trong một buổi tối lộng gió mang hơi thở của biển khơi, đắm mình trong tiếng nhạc latinh sôi động cùng các vũ công Cuba với thân hình bốc lửa, những bước chân uyển chuyển mà mạnh mẽ, trong những bộ trang phục gợi cảm và rực rỡ, đó nhất định sẽ là những hình ảnh cuối cùng khiến cho chuyến đi của bạn trở thành một điều gì đó thật sự khó quên.

Tác giả chụp tại bãi biển ở Varadero

Tác giả chụp tại bãi biển ở Varadero

Bài và ảnh: Nguyễn Thảo Hương
RELATED ARTICLES