Cuộc chiến giữa những cánh rừng xanh

15/10/2020

Nổi tiếng thế giới về đa dạng sinh học, Việt Nam có tới 30 vườn quốc gia, với nhiều loài động thực vật quý hiếm, nhưng hiện nay, nhiều tổ chức bảo tồn thiên nhiên đang phải chiến đấu quyết liệt chống nạn “diệt chủng động vật” tại đây.

Bất chấp việc trải qua vô số cuộc chiến trong suốt chiều dài lịch sử, Việt Nam vẫn là một kho báu đối với các nhà khoa học. Theo nghiên cứu, Việt Nam là một trong những điểm hấp dẫn nhất thế giới về sự đa dạng sinh học. Diện tích chỉ nhỉnh hơn bang New Mexico một chút, nhưng Việt Nam có tới 30 vườn quốc gia, với nhiều loài động thực vật vô cùng đa dạng và phong phú chẳng kém gì ở các safari ở Kenya hay Tanzania.

Trên thực tế, hàng trăm loài thực vật và động vật mới đã được phát hiện ở Việt Nam trong ba thập kỷ qua, và con số này mỗi năm một tăng. Ví dụ như loài sao la. Khuôn mặt dịu dàng của nó trông như thể nó vừa bước ra từ một bức tranh của danh họa Henri Rousseau, và được mệnh danh là "con kỳ lân cuối cùng” bởi sự ít ỏi thưa thớt của giống loài. Sao la là loài động vật cư ngụ trên đất liền lớn nhất mới được tìm ra kể từ năm 1937. Nhiều loài động vật như hoẵng, thỏ vằn, bọ que khổng lồ... bị cho là đã tuyệt chủng lại được phát hiện ở Việt Nam. Những khu rừng Việt Nam là mái nhà của hàng chục loài linh trưởng, vượn, khỉ đuôi dài, cu li, voọc với những màu sắc sinh động.

Việt Nam có tới 30 vườn quốc gia, với nhiều loài động thực vật vô cùng đa dạng và phong phú

Việt Nam có tới 30 vườn quốc gia, với nhiều loài động thực vật vô cùng đa dạng và phong phú

Nhà nghiên cứu thiên nhiên, môi trường Stephen Nash chia sẻ, ông đã nhận được một email quảng cáo về vườn quốc gia Cúc Phương, trong đó có đoạn viết như sau “Trong cánh rừng cổ này có gần 2.000 loài thực vật, và sống rải rác trong đó là những loài thú quý hiếm, đặc sắc như báo gấm, voọc quần đùi trắng, cầy vằn bắc, rái cá, gấu ngựa, cú, sóc bay, cu li, dơi và các loài mèo rừng...”

Thế nhưng khi ông và vợ ngỏ ý muốn tới đây trải nghiệm thiên nhiên hoang dã, thì hãng du lịch lại tỏ ra ngập ngừng đến kỳ lạ khi nói về đề tài này, và cứ thuyết phục họ chuyển hướng tới những khu nghỉ dưỡng có phong cảnh đẹp đơn thuần, hoặc các địa điểm trong thành phố.

Một cá thể chim thuộc họ Diệc lớn ở Việt Nam

Một cá thể chim thuộc họ Diệc lớn ở Việt Nam

Lý do là bởi những cánh rừng nguyên sinh đã không còn "nguyên sinh" nữa. Động vật hoang dã vốn đã phải chống chọi với sự tàn phá, thu hẹp môi trường sống do con người gây ra, nay còn phải đối diện với nguy cơ bị trúng đạn hoặc sập bẫy. Điều này đã khiến nhiều khu rừng quốc gia và những khu bảo tồn thiên nhiên khác phải đối mặt với “hội chứng rừng trọc” - xảy ra khi những khi rừng vắng bóng thú. Ngoài Việt Nam, nhiều nước châu Á khác cũng đang rơi vào hoàn cảnh tương tự. Thậm chí, có thể nhiều loài sẽ biến mất trước khi các nhà khoa học kịp phát hiện ra chúng.

Sự suy giảm về đa dạng sinh học của Việt Nam đang ở mức báo động. Ví dụ, tại một khu bảo tồn quốc gia dành cho loài sao la và những loài động vật quý hiếm khác, 23.000 cái bẫy sát thương đã được tìm thấy trong năm 2015 (lần cập nhật gần nhất). Hàng chục ngàn bẫy đã được đặt mỗi năm, và tốc độ “bổ sung” thì nhanh ngang với việc bị phát hiện, thu giữ. Bởi vậy, dù có mỏi mắt kiếm tìm, khảo sát, vẫn không tìm thấy bóng dáng một chú sao la nào kể từ khi một cá thể sao la lọt vào ống kính máy ảnh năm 2013. Con tê giác cuối cùng đã bị những tay săn thú bất hợp pháp bắn hạ trong Vườn quốc gia Cát Tiên năm 2010. Loài hổ cũng bị dồn đến đường cùng của sự sinh tồn. Chỉ có một nhóm nhỏ gấu và voi còn sót lại. Nguy cơ bị tuyệt chủng đang lơ lửng trên đầu hầu hết tất cả các loài linh trưởng.

Nhiều con gấu bị cầm tù, hút mật và cắt tay để phục vụ cho nhu cầu

Nhiều con gấu bị cầm tù, hút mật và cắt tay để phục vụ cho nhu cầu "chơi sang" của con người

Một số loài bị săn bắt để chế biến thành đồ tẩm bổ theo quan niệm y học phương Đông, như tại Việt Nam và Trung Quốc. Có thể kể đến những “công dụng” được liệt kê trong danh mục những “sản phẩm” từ rừng này: pín hổ trị liệt dương, mật gấu chữa ung thư, sừng tê giác giải rượu, mật cu li chữa viêm đường hô hấp do ô nhiễm không khí...

Dù đã có những cuộc vận động bảo tồn động vật hoang dã, nhưng “nhu cầu tiêu thụ thịt thú rừng ngày càng gia tăng, tràn lan trong những nhà hàng đặc sản ở các thành phố, và đã trở thành thú chơi để thể hiện đẳng cấp,” Barney Long, Giám đốc bảo tồn của tổ chức Bảo tồn động vật hoang dã toàn cầu (Global Wildlife Conservation) cho biết. “Đây không phải là chuyện những người thiếu đói vào rừng săn bắn lấy thịt”, ông nói tiếp. “Đây là một thú “chơi sang” khi đưa đồng nghiệp, đối tác đi nhậu. Đây là một thực trạng kinh hoàng. Điều chúng ta lo lắng không phải là sự mất đi của một vài loài, mà là nguy cơ biến mất của tất cả các loài động vật.”

Sau khi tìm hiểu thêm một chút, Stephen Nash vẫn quyết tâm thực hiện hành trình khám phá thiên nhiên hoang dã tại Việt Nam, ở cả hai miền Nam, Bắc.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Ông đã tận mắt chứng kiến cảnh các loài thú đang bị đe dọa ra sao trong chuyến đi kéo dài hai tuần này. Và ông cũng đã được trực tiếp chứng kiến cuộc tranh đấu không khoan nhượng của những người Việt Nam cũng như những người nước ngoài cùng chí hướng, để đẩy lùi cuộc “diệt chủng động vật”.

Những con voọc ở Trung tâm cứu hộ Linh trưởng nguy cấp

Những con voọc ở Trung tâm cứu hộ Linh trưởng nguy cấp

Một con voọc chà vá chân đỏ ở Cúc Phương

Một con voọc chà vá chân đỏ ở Cúc Phương

Cúc Phương là vườn quốc gia đầu tiên của Việt Nam, cách Hà Nội chỉ vài giờ lái xe về phía nam. Vườn quốc gia này được Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập năm 1962. "Rừng là vàng, nếu mình biết bảo vệ, xây dựng thì rừng rất quý." Tuy nhiên, khi đặt chân tới đây, Nash không hề thấy bóng dáng con voọc, gấu, báo hay mèo rừng nhỏ nào cả. Hay là chúng đã trốn kĩ đến mức những nhà khoa học cũng chẳng tìm ra, như Adam Davies, Giám đốc Trung tâm cứu hộ Linh trưởng nguy cấp đã nói.

Hóa ra, thay vì được sống giữa đại ngàn, những loài động vật quý hiếm đang cư ngụ tại những trung tâm cứu hộ.

Với đặc trưng 5 màu, voọc chà vá chân đỏ, còn gọi là voọc ngũ sắc được tổ chức bảo vệ động vật hoang dã quốc tế tôn vinh là “nữ hoàng” của các loài linh trưởng cư trú trong rừng sâu bởi vẻ đẹp khác thường

Với đặc trưng 5 màu, voọc chà vá chân đỏ, còn gọi là voọc ngũ sắc được tổ chức bảo vệ động vật hoang dã quốc tế tôn vinh là “nữ hoàng” của các loài linh trưởng cư trú trong rừng sâu bởi vẻ đẹp khác thường

Ở Trung tâm cứu hộ Linh trưởng nguy cấp, khách tham quan có thể nhìn thấy bốn loài voọc (còn gọi là khỉ ăn lá) gần như tuyệt chủng, các loài vượn và cu li. Nhiều con trong số đó đã được giải cứu khỏi từ tay những kẻ buôn bán động vật hoang dã trái phép. Chúng được phục hồi sức khỏe, được nhân giống khi có thể. Và nếu có một phép màu nào đó xảy ra, biết đâu chúng có thể được về lại với thế giới tự nhiên. "Những kẻ săn trộm đã khiến vườn quốc gia trở nên quá nguy hiểm, nơi này chẳng còn mấy loài có thể sống nổi nữa", ông Davies nói.

Cách đó là hai trung tâm cứu hộ khác. Một trung tâm đang bảo vệ hàng chục loài rùa quý hiếm, nhiều loài đẹp đến sửng sốt, đều là động vật nguy cấp. Trung tâm thứ hai dành cho báo hoa mai, cầy hương, cầy mực và tê tê, đều được giải cứu từ những vụ buôn bán trái phép, trong đó nhiều nhất là tê tê, bị bắt để lấy vẩy và thịt. Tê tê được bán với giá hơn 1.000 USD/kg trong nhà hàng hoặc trong các hiệu thuốc cổ truyền ở Hà Nội và TP. HCM. Ông Davies buồn bã, "Tê tê hiện là loài động vật có vú bị buôn bán trái phép nhiều nhất trên thế giới. Có lẽ chẳng loài nào thích cái danh hiệu này."

Một con rùa tai đỏ đang được các chuyên gia chăm sóc ở khu bảo tồn của Vườn quốc gia Cúc Phương

Một con rùa tai đỏ đang được các chuyên gia chăm sóc ở khu bảo tồn của Vườn quốc gia Cúc Phương

Nhiều loài động vật hoang dã ở Vườn quốc gia Cúc Phương đang có nguy cơ biến mất

Nhiều loài động vật hoang dã ở Vườn quốc gia Cúc Phương đang có nguy cơ biến mất

Trung tâm của Davies đã cứu trợ một số loài voọc quần đùi trắng đang ở trong tình trạng cực kỳ nguy cấp trong Khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long và giúp chúng tái hòa nhập với thiên nhiên. Những con voọc đang sinh con đẻ cái ở đâu đó, ẩn sâu trong khu bảo tồn này. Nash đã dành nguyên cả tiếng đồng hồ để chiêm ngưỡng đàn voọc chải chuốt, đuổi bắt và tắm nắng trong cái nóng gay gắt của miền cận nhiệt đới. May mắn là ở đây chúng sẽ tiếp tục được bảo vệ, không trở thành mục tiêu của những kẻ săn bắn lấy thịt, hoặc buôn bán thú cảnh.

Cách Cúc Phương không xa là chùa Bích Động, Tam Cốc, nơi sinh sống của rất nhiều loài chim

Cách Cúc Phương không xa là chùa Bích Động, Tam Cốc, nơi sinh sống của rất nhiều loài chim

Để được tận mắt nhìn thấy loài gấu, Nash đã tới Vườn quốc gia Tam Đảo, tọa lạc trên một sườn núi dài phía bắc Hà Nội. Khu bảo tồn gấu ở đây được Tổ chức Động vật Châu Á (Animals Asia) vận hành và quản lý và thỉnh thoảng có mở cửa cho khách tham quan. Nash đã được ngắm nhìn những con gấu ngựa, gấu chó hồn nhiên nô đùa, bơi lội, leo trèo trong một khuôn viên thư giãn riêng dành cho chúng. Cả hai trông giống như phiên bản hiếu động của loài gấu đen Bắc Mỹ với cổ cồn lông trắng nổi bật. Các cá thể gấu được đưa tới đây từ trại nuôi gấu, nơi mà chúng bị giam giữ khép kín, bị lôi ra chích lấy mật hết lần này đến lần khác, cho tới khi... hết đát.

Hành vi này là phạm pháp, song do những lỗ hổng trong thực tế khiến công lý rất khó được thực thi. Ông Tuấn Bendixsen, giám đốc Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam cho biết, “Tình trạng khai thác mật gấu trái phép vẫn đang diễn ra. Anh vẫn có thể tìm mua được nó ở Hà Nội nếu muốn.”

Nhiều cá thể gấu được Trung tâm của Bendixsen giải cứu đã bị mất chân, hoặc chịu những tổn thương khác nhau, khiến cơ hội được trở về với thiên nhiên càng trở nên mong manh. Và cùng với sự tăng trưởng của dân số cũng như kinh tế, những vùng đất hoang sơ phù hợp để thả chúng về tự nhiên đang bị thu hẹp dần.

Murphy, một con gấu chó đực tại Trung tâm cứu hộ gấu ở Vườn quốc gia Tam Đảo

Murphy, một con gấu chó đực tại Trung tâm cứu hộ gấu ở Vườn quốc gia Tam Đảo

Nash tới một khu bảo tồn thiên nhiên khác ở Ninh Bình. Được gọi là “điểm đến sinh thái”, nhưng cả khu vực này đã bị một công ty du lịch mua lại và đang trong quá trình quy hoạch. Cây cối trong rừng bị cắt tỉa không thương tiếc, cướp đi tổ ấm của các loài chim. Máy khoan, cưa máy, xe ủi đang rậm rịch làm việc cho dự án mở rộng khu nghỉ dưỡng ven hồ, liệu có cân nhắc tới việc duy trì không gian sinh tồn cho loài chim?

Đi thuyền trên hồ nước vắng lặng khoảng mười phút, Nash bắt đầu nghe thấy tiếng quang quác giống như có đám người đang tranh cãi. Thuyền ghé vào sát một bờ đá, và hàng trăm con cò con vạc, mỗi con to như đứa trẻ hai tuổi, ùa về rợp trời. Tương lai của chúng vẫn phụ thuộc vào công trình xây dựng kia, vào việc hồ nước phẳng lặng và có vẻ hoang sơ này có phải “chịu trận” vì sự biến đổi của môi trường xung quanh.

Tương lai của các loài chim và động vật hoang dã trong Khu du lịch sinh thái Vườn Chim Thung Nham có thể phụ thuộc vào một dự án xây dựng trong khu vực

Tương lai của các loài chim và động vật hoang dã trong Khu du lịch sinh thái Vườn Chim Thung Nham có thể phụ thuộc vào một dự án xây dựng trong khu vực

Ở phía Nam, Nash tới thăm Vườn quốc gia Cát Tiên, cách TP. HCM khoảng 150 km. Một người dẫn đường trẻ tuổi đã đưa ông đi một chuyến trekking kéo dài hai giờ trong rừng hoang dã. Thực sự là một cánh rừng yên tĩnh. Loài động vật duy nhất ông gặp là những con vắt.

Trung tâm cứu hộ linh trưởng nguy cấp Đảo Tiên nằm trên một hòn đảo gần đó. Đây là nơi du khách có thể chiêm ngưỡng các loài linh trưởng, trong đó có vượn, đu đưa trên những tán cây cao, nghe những bài “hợp xướng” có khi ầm ĩ đến chói tai của chúng. Một số trong đó đã bị bắn hạ để đưa vào thành phố, bán lấy thịt.

Nhiều tổ chức bảo tồn thiên nhiên đang phải vật lộn trong cuộc chiến khốc liệt chống lại nạn “diệt chủng động vật” ở Việt Nam và trên toàn thế giới

Nhiều tổ chức bảo tồn thiên nhiên đang phải vật lộn trong cuộc chiến khốc liệt chống lại nạn “diệt chủng động vật” ở Việt Nam và trên toàn thế giới

Tuy nhiên, những cánh rừng Việt Nam vẫn có thể hi vọng vào những tổ chức chính phủ và tư nhân dũng cảm, sáng tạo như Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (Education for Nature). Không quản ngại hiểm nguy, họ đã và đang ra sức thu thập dữ liệu, nghiên cứu, điều tra, đấu tranh cho động vật hoang dã.

Tạo điều kiện cho cộng đồng địa phương tham gia vào quá trình bảo vệ động vật hoang dã gắn với động viên về mặt kinh tế cũng là một hướng đi nhiều hi vọng. Ví dụ như WWF đang tài trợ cho mô hình trồng cây mây và keo bền vững của nông dân, một số tổ chức khác trả lương cho người dân tham gia gác rừng và thu gom bẫy thú.

“Mỗi ngày chúng ta thức giấc và tự hỏi: Liệu chúng ta còn đủ thời gian để bảo tồn động vật hoang dã không? Phải chăng chúng ta đã thua trong cuộc chiến này?” Quyên Vũ, Giám đốc Điều hành Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên nói. “Nhưng nếu không đấu tranh, thì chắc chắn chúng ta sẽ mất tất cả!”, bà khẳng định.

Hương Thảo - Nguồn: NY Times
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES