Khối đá khổng lồ giữa biển khơi…
Rồi đến lúc nhìn thấy bức ảnh như con cá voi vẫy đuôi giữa đại dương xanh ngắt. niềm ước ao càng thôi thúc hơn: mình sẽ đặt chân đến hòn đảo này, hoàn thành mục tiêu đến với từng mốc đánh dấu lãnh hải để sau này còn có câu chuyện kể cho con cháu mình về chủ quyền biển đảo quốc gia. Đừng cười cho rằng suy nghĩ của tôi to tát, tôi đã qua tuổi bồng bột cứ vác balo lên là đi… Những chuyến đi của tôi bây giờ đi sâu vào cảm xúc, vào trải nghiệm, là “sống như chưa từng được sống, hát lên như chưa từng được hát… bao nhiêu sóng gió cũng khó ngăn ta nở nụ cười” (Bài ca Tuổi Trẻ). Bởi vậy, mọi chuyến đi đều có ý nghĩa và câu chuyện của nó, và kỳ lạ thay, trong hai năm, tôi đã hai lần được đặt chân tới Hòn Hải.
Tháng 10 năm trước, biết tin team đi trải nghiệm của mình lên kế hoạch đến Hòn Hải, tôi đã quyết định trong tích tắc, chạy ra sân bay đón đồng đội từ Hà Nội bay vào rồi cùng nhau tham gia vào một hành trình khít rịt, đến nỗi nếu có bất kỳ sự chậm trễ nào từ máy bay, ô tô, tàu cao tốc, tàu cá… thì mọi thứ tính toán của mình sẽ tan thành mây khói. Rất may trời yên bể lặng và mọi thứ trôi qua như một giấc mơ. Cho đến lúc nhìn thấy trong ánh bình minh một khối đá sừng sững hiên ngang giữa biển trời bao la, đem đến một cảm giác choáng ngợp và xúc động không thốt nổi lên lời.
Vượt qua mọi sự tưởng tượng, nó không chỉ là một khối đá. Hòn Hải hiện ra từng hình tượng khác nhau theo từng góc nhìn, khi như bức tường thành, khi là chú cá voi, khi là sư tử biển, khi lại như chú chim đậu đứng yên bình.
Hầm xuyên núi trên biển Đông
Mùa biển động, tàu không thể cập vào cầu tàu nên chúng tôi tiếp cận và lên đảo bằng mặt sau và chui vào một miệng hầm như tổ tò vò cách mặt biển khoảng 30m. Câu chuyện kể không đủ hấp dẫn bằng những gì chúng tôi thấy tận mắt ở đây. Một trong những công trình đặc biệt là hệ thống đường hầm dài 170 m với 4 cửa thông lên mặt đảo. Hầm được gia cố bằng bê tông cốt thép chống đá rơi, dư chấn. Cửa hầm nằm ở mặt sau của tòa nhà rồi kéo dài lên bề mặt đảo bằng 380 bậc thang. Từ miệng hầm đến bề mặt đảo có một hệ thống 240 bậc thang được đổ bê tông kiên cố nối lên tận chân hải đăng Hòn Hải.
Ngọn hải đăng Hòn Hải độc lập giúp tàu thuyền hoạt động ngoài khơi tỉnh Bình Thuận định hướng và xác định vị trí của mình. Tầm nhận diện địa lý ban ngày là 26,5 hải lý, tầm chiếu sáng ban đêm là 24,5 hải lý. Ngay cả những người đã nhiều năm gắn bó với đèn biển và am hiểu các vùng biển Việt Nam, khi nhắc tới hải đăng Hòn Hải ai cũng phải lắc đầu vì sự cô đơn giữa muôn trùng biển khơi. Những cán bộ nhân viên trên đảo là những người hùng thầm lặng canh giữ ngọn hải đăng. Ban ngày họ phải leo lên hải đăng để kiểm tra, tối đến ngủ tại chân ngọn đèn để đảm bảo đèn luôn chiếu sáng. Dù mưa gió bão bùng, công việc đều phải hoàn thành tốt. Bốn tháng trời chỉ quanh quẩn mấy anh em, bị cô lập hoàn toàn giữa trùng khơi.
Những câu chuyện kể về đảo tràn đầy xúc động. Bởi vậy thời gian ngắn ngủi ngồi bên nhau cất lên lời ca đầy lưu luyến là khoảnh khắc thật đáng quý trọng trong đời. Chia tay người trên bờ, người xuống tàu vẫy tay bùi ngùi tạm biệt.
Tôi đã gặp hàng ngàn con chim biển
Bao đời nay, ngư dân Cù lao Thu (tên gọi khác của Đảo Phú Quý) đã biết rõ Hòn Hải hoàn toàn khô cằn, không có nước ngọt, cây cối, nhưng lại là nơi trú ngụ của hàng vạn chim nhạn, mòng biển, bồ nông.
Vào mùa chim đẻ, bề mặt đảo đặc nghẹt trứng chim và phủ một màu trắng phân chim. Những ai đã một lần đặt chân lên đảo hẳn sẽ ngẩn ngơ với khung cảnh kỳ ảo nơi đây. Qua bao thiên niên kỷ, gió và sóng biển bào mòn đá, tạo nên những đường gờ uốn lượn nhấp nhô quanh đảo như một nét cọ mềm mại quét vội. Giữ lời hẹn hò với Hòn Hải, tôi đã quay lại vào mùa chim biển về trú ngụ, đánh dấu lần quay trở lại thứ 2 với đảo.
Sau mấy tiếng đồng hồ lênh đênh trên biển, đón bình minh lộng lẫy và bữa sáng đơn sơ của ngư dân... khối đá khổng lồ lộ ra trước mắt. Cảm giác xúc động và choáng ngợp vẫn vẹn nguyên như lần đầu. Giữa một vùng biển không bến bờ lại có một khối đá sừng sững đơn côi, rợp trời chim biển chao liệng. Lần này, tôi quyết tâm khám phá hết từng ngóc ngách trên đảo. Ngắm nghía và thu vào tầm mắt cảnh đẹp hùng vĩ và lộng lẫy của thiên nhiên. Biển sao xanh ngắt vậy, đá và vực sâu hút sao bí ẩn vậy...
Trời ơi, có tới hàng ngàn con chim, cho dù người ta nói, tới tháng 7 sẽ còn có nhiều chim hơn nữa. Con người nên nhớ bầy chim mới là chủ nhân của hòn đảo. Hãy đi khẽ, nói khẽ... đừng làm phiền đến lũ chim sinh sản và yêu đương. Chú mòng biển nghiêng ngó đám người, rồi vẫn tỉnh bơ lạch bạch rời khỏi nơi ấp trứng đi kiếm mồi... Yên tâm, bọn tớ sẽ canh dùm cho, không để ai phá ổ trứng của chú đâu.
Ngồi trên ngọn đèn biển, phóng tầm mắt nhìn ra khắp đảo... nhìn những cánh chim đập lấp lánh, thấy ngắm Hòn Hải hiện lên sừng sững giữa biển khơi như một cột mốc chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam trên Biển Đông, sao tôi bỗng thấy yêu quê hương lạ lùng!
Chuyến đi đầy nỗi nhớ
Hiếm có nơi nào như nơi đây, đi về rồi vẫn tràn đầy cảm xúc và nỗi nhớ để kể cho nhau mỗi khi có dịp ngồi lại quây quần. Nhớ bữa sáng đơn giản trên tàu với mực sữa tươi rói đánh bắt lên từ biển, cá mó một nắng chiên ăn cùng cháo trắng… nhớ chiều hoàng hôn thả chum lưỡi câu mỗi khi đi ngang đàn cá lại lôi lên thuyền những con bằng cườm tay óng ánh trong nắng chiều. Cá kéo lên để nguyên con nướng vàng, chiêu một chung rượu khề khà nghe các ngư dân kể chuyện bằng thứ ngôn ngữ rất riêng của đảo. Thú vị phá ra cười khi có thể đoán trọn vẹn một câu nói toàn từ địa phương.
Nhớ những câu chuyện kể về cuộc sống khó khăn nơi đây mỗi khi mùa gió bão, biển động. Nhớ những bước chân vượt qua những trảng cỏ xanh mướt để ra đầu mũi đảo. Nhớ cảm giác thích thú khi phát hiện những quả trứng vỏ lấm chấm nằm xinh xẻo trong kẽ đá, nhớ những khoảnh khắc hạnh phúc tuyệt vời bên nhau khi cùng trải lòng với vẻ đẹp tuyệt vời của quê hương mình. Nhớ lúc cùng nhau cất tiếng hát tưng bừng. Nhớ lúc dầm mình xuống lòng biển xanh trong vắt...
Cùng các bạn đồng hành hợp cạ, chúng tôi lại chuẩn bị hoạch định ra những chuyến trải nghiệm mới. Nơi mỗi bước chân đi qua đều được ghi lại trong tâm tưởng bằng những kỷ niệm khó quên.
THÔNG TIN THÊM
Hiện tại chưa có tuyến du lịch chính thức nào được mở để đưa du khách đến thăm đảo Hòn Hải. Bạn phải được sự đồng ý của Công ty Bảo đảm an toàn Hàng hải Nam Trung Bộ khi muốn lên thăm các công trình trên đảo này.
Khi được phép, bạn nên lưu ý những điều sau:
- Hòn Hải không dễ để đặt chân đến nếu thiếu những sự hỗ trợ đặc biệt từ cư dân địa phương Đảo Phú Quý. Bạn phải đủ sức khỏe và đam mê vì chuyến đi phải di chuyển liên tục bằng nhiều loại hình chuyên chở và lịch trình dày đặc.
- Thử thách lớn nhất là chuyến lênh đênh rất dài trên tàu nhỏ trong đêm giữa biển cả mênh mông. Gặp sóng yên biển lặng, bạn có thể nằm thảnh thơi trên mũi tàu ngước mắt lên ngắm một bầu trời đầy sao, chỉ cho nhau chòm Đại hùng tinh, sao vua sáng lấp lánh… nhưng chỉ cần gió biển nổi lên cỡ cấp 4- cấp 5 là hầu như toàn bộ chuẩn bị đón cơn say sóng nôn mửa dập vùi.
- Với thời gian di chuyển 12 tiếng cho đi ra hòn và quay về… mọi trải nghiệm bạn đều có thể gặp qua. Bình minh lộng lẫy, mặt trời nắng gắt, hoàng hôn mộng ảo, đêm lạnh thấm vào da thịt. Cập đảo và dời tàu bằng thuyền thúng, trôi xoay vòng vòng theo những cơn sóng dập vùi.
- Nếu bạn đủ đam mê và sức khỏe, không đòi hỏi tiện nghi… thì bù lại bạn sẽ có những trải nghiệm khó quên trên cả tuyệt vời.