Đảo Mabul - Vùng đất của thần biển cả

21/09/2022

Người ta gọi Mabul là Maldives của Malaysia quả thật không sai. Mọi thứ ở đây trông thật diệu kỳ.

Tôi lạc bước vào thế giới của thần biển cả. Nước biển trong veo, màu nước xanh ngọc bích, nằm bên dưới những ngôi nhà sàn bằng gỗ là rạn san hô đang neo đậu. Người ta gọi Mabul là Maldives của Malaysia quả thật không sai. Mọi thứ ở đây trông thật diệu kỳ.

MABUL NẰM Ở ĐÂU?

Mabul là một hòn đảo nằm trong huyện Semporna, thuộc bang Sabah, bờ Đông của Malaysia. Mabul còn khá mới mẻ đối với du khách nước ngoài, đặc biệt là khách Việt bởi lẽ người Việt khi sang Malaysia thường chỉ dạo quanh bờ Tây mà bỏ quên bờ Đông. Nhưng đối với những người yêu thích lặn biển và ngắm san hô trong nước, thì Mabul thật sự là một thiên đường.

Mabul, thiên đường của những người mê lặn.

Mabul, thiên đường của những người mê lặn.

Tôi đến Semporna vào một buổi chiều. Sau khi đã kết thúc hành trình leo đỉnh núi Kinabalu huyền thoại với độ cao 4095.2m. Thật là “dị biệt” bởi tôi đã vừa bon chen trên chiếc xe khách cùng người địa phương, vượt một quảng đường dài hơn 500km từ Kota Kinabalu để về đến một cái huyện nhỏ xíu, xa tít tắp tận chân trời này chỉ vì nghe theo lời đường mật của người bạn đến từ Malaysia “Semporna là thiên đường biển đảo”. Không bàn luận gì thêm nữa. Phải đi thôi để khỏi tiếc nuối.

Đúng là nhỏ bé thật sự. Xe khách vừa cập bến, một khung cảnh tựa như thập niên 80 xuất hiện. Những chiếc xe ô tô cũ kỹ đã bạc màu, người dân chở cá, bán thuốc Tây trên vĩa hè. Trời tối om, và các cửa hiệu ở đây đều đã đóng cửa. Ở thủ đô Kuala Lumpur giàu có và sầm uất, tôi nào nhìn thấy được những khung cảnh hoang dã như thế này.Thế là tôi book Taxi về với Hostel. Ăn một bữa hải sản được chế biến theo kiểu Trung Quốc ở bờ kè Semporna và chìm vào giấc ngủ mộng mị.

Tôi đã liên hệ với khách sạn Grace (Khách sạn được xem là to nhất ở Semporna) để nhờ book một Tour đi đảo Mabul. Cô gái người Trung Quốc gửi cho tôi 1 danh sách dài và bảo hãy so sánh giá trước khi book.

Semporna là thiên đường biển đảo với những căn nhà ngoài khơi.

Semporna là thiên đường biển đảo với những căn nhà ngoài khơi.

8 giờ 30 phút sáng, cano đón tôi tại cảng Semporna. Vì tôi đi một mình nên được ghép chung với một đoàn người Trung Quốc ở Malaysia. Cano dạo một vòng quanh Semporna rồi mới ra biển.

Khung cảnh bờ biển Semporna giống hệt như ở miền Tây sông nước của Việt Nam. Những ngôi nhà sàn bằng gỗ được sơn nhiều màu nằm vặn vẹo trên biển cả. Người dân ở đây còn nghèo nên sống trong những căn nhà dựng tạm với mái tôn che chắn. Cảng biển Semporna là nơi tập trung rất nhiều cano và tàu thuyền đi biển. Ở đây cũng có chợ bán trái cây và rất nhiều đồ hải sản lạ mắt.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

XỨ SỞ CỦA NHỮNG KHU LÀNG NỔI

Chiếc cano của chúng tôi bắt đầu lướt trên mặt nước. Đằng xa xa là những hòn đảo với những thảm cây xanh thẳm. Thuyền đánh bắt cá của người Malaysia trôi dạt trên biển. Hôm nay, sóng không mạnh nên hành trình ra đảo của tôi rất thuận lợi.

Sau một tiếng đồng hồ, một hòn đảo với rất nhiều nhà sàn bằng gỗ xuất hiện. Đó đích thị là đảo Mabul rồi. Người hướng dẫn viên của chúng tôi bảo muốn lên được đảo mỗi người cần bỏ ra 30 Ringgit. Đây là phí tham quan của đảo.

Khung cảnh thơ mộng khi đến Mabul.

Khung cảnh thơ mộng khi đến Mabul.

Tôi lên bờ và bắt đầu hành trình khám phá Mabul. Bên trong Mabul có rất nhiều nhà sàn bằng gỗ mà nổi bật nhất có lẽ đó là Mabul Water Bungalow. Những ngôi nhà gỗ nằm san sát nhau, nhìn từ trên cao xuống trông giống hệt như một khu làng nổi. Nhà sàn có màu gỗ nâu được thiết kế mái nhọn theo kiểu kiến trúc chùa tháp đặc trưng ở xứ này. Chiếc cầu gỗ là nơi nối liền giữa đảo dừa với làng nổi. Vì lẽ đó mà việc di chuyển trên đảo Mabul chủ yếu nhất vẫn là đi bộ. Thỉnh thoảng tôi cũng bắt gặp nhân viên của đảo đi bằng xe đạp, và thỉnh thoảng một vài khách cũng được vận chuyển đi bằng xe Jeep.

Phòng ở Mabul được bán với mức giá cực kỳ đắt đỏ. Nếu kèm theo dịch vụ lặn biển và ngủ nghỉ thì một đêm bạn phải bỏ ra hơn 1000 USD. Còn nếu không lặn biển, mức giá của nó sẽ rơi vào khoảng hơn 600 USD/ đêm.

Căn resort giữa biển trên đảo Mabul khiến du khách như lạc vào thiên đường của Vua Biển Cả.

Căn resort giữa biển trên đảo Mabul khiến du khách như lạc vào thiên đường của Vua Biển Cả.

MABUL XỨNG DANH MALDIVES CỦA MALAYSIA

Người ta gọi Mabul là Maldives của Malaysia quả không sai. Bởi màu nước trong veo, xanh ngọc bích. Bên dưới cầu gỗ là những rạn san hô neo đậu. Thường những người ngủ nghỉ ở đây sẽ tiện thể lặn ngắm san hô luôn.

Dọc hai bên cầu gỗ, người ta trồng rất nhiều hoa và cây xanh. Mùa tôi đến, những dàn hoa giấy, hoa hồng thi nhau đua nở. Chen chúc bên cạnh những khóm hoa dại, lại là những chậu cây tùng, cây bách, cây vạn tuế.

Du khách có thể đạp xe trên các khu nhà nổi.

Du khách có thể đạp xe trên các khu nhà nổi.

Gọi là thiên đường nghĩ dưỡng, bởi vì ở đây ngoài những giờ lặn ngắm san hô, du khách còn được thư giãn trong những chiếc bồn tắm hạng sang nằm lộ thiên trên đảo. Vừa được tận hưởng cái gió lồng lộng của biển cả, vừa được ngâm mình dưới những làn nước trong veo. Đây chắc chắn là một loại thần dược đặc biệt làm du khách khó quên mỗi lần đến với đảo Mabul.

Cũng như những khu resort khác. Resort trên đảo Mabul lấy tông màu trắng làm chủ đạo. Những chiếc bàn màu trắng, những chiếc ghế nghỉ mát màu trắng, một vài cây cột màu trắng, và cả thanh chắn an toàn cho khách cũng được sơn màu trắng nốt.

Từ khu nghỉ dưỡng, du khách có thể hòa mình với biển, mây và trời.

Từ khu nghỉ dưỡng, du khách có thể hòa mình với biển, mây và trời.

Tôi mỏi chân, dừng lại một góc bên cầu. Bên trên là resort cao cấp thuộc hàng cực phẩm. Bên dưới chân cầu những cô nhóc, cậu nhóc nhỏ xíu ngồi trên chiếc thuyền be bé của mình và mời mọc khách du lịch mua dừa. 5 Ringgit cho 1 quả. Các em mời rất nhiệt tình, gặp ai cũng mời, nếu thấy khách du lịch có hứng thú thì sẽ bơi thuyền vội vàng đến và dơ trái dừa ra. Khách đồng ý thì bổ dừa, gửi dừa cho khách và lấy tiền.

Thỉnh thoảng, tôi cũng bắt gặp một vài đứa bé đi xin tiền khách du lịch. Chúng ngồi bên dưới mạn thuyền, dơ hai tay ra và xin tiền bằng tiếng dân tộc mình. Chúng không giỏi tiếng Anh, ngoại trừ từ “Money”. Tôi vọng lại lời của chúng thì chúng rụt rè và chạy đi mất.

Có những đứa trẻ du khách đang lặn ngắm san hô.

Có những đứa trẻ du khách đang lặn ngắm san hô.

Đây là những người dân nghèo sinh sống ở trên đảo Mabul, họ sống theo lối sống du mục. Cha mẹ các em thì đi đánh bắt hải sản, còn trẻ em đứa thì đi bán dừa, đứa thì đi xin tiền du khách. Có lẽ, quốc gia nào cũng vậy. Cái nghèo, cái giàu luôn song hành.

Hai giờ chiều, sau bữa ăn trưa ở nhà hàng trên đảo Mabul. Thuyền chúng tôi tạm biệt đảo để di chuyển ra chỗ lặn ngắm san hô. Cả đoàn mặc đồ bơi và nhảy xuống nước trong niềm phấn khích. Tôi đứng trên bờ nhìn xuống mà thèm thuồng, nhưng vì hôm nay tôi không mang đồ bơi nên đành nuối tiếc nhìn mọi người chơi đùa với biển cả.

Nhìn lại lần cuối vùng đất của thần biển cả trước khi ra về. Đảo Mabul hiện lên với màu nước xanh ngọc bích, lấp lánh những mái nhà nhọn kiểu xứ chùa. Và có lẽ, đâu đó tôi vẫn nhớ ánh mắt đen tuyền của một cậu bé trần truồng với nước da đen nhẽm nhìn tôi và xin tiền.

Nhưng cũng có những em bé bản địa chèo thuyền kiếm bữa ăn.

Nhưng cũng có những em bé bản địa chèo thuyền kiếm bữa ăn.

THÔNG TIN THÊM

Di chuyển: Từ Việt Nam, không có chuyến bay thẳng đến đảo Mabul, Semporna. Du khách phải bay đến Kuala Lumpur, sau đó nối chuyến đi Tawau.Từ Tawau muốn đến Semporna phải đi bằng Taxi/Grab/xe khách thêm 80km. Tiếp tục, từ cảng Semporna ra đảo Mabul bằng cano hoặc thuyền.

Thời gian lý tưởng: Thời gian đẹp để đi Mabul là từ tháng 4 đến tháng 9. Lúc này là mùa khô ở Malaysia. Thời gian lý tưởng nhất để đi du lịch biển ở Malaysia là vào giữa tháng 5 đầu tháng 6.

Mua tour: Nên tìm chỗ mua tour đi đảo Mabul trước khi đến. Bởi vì sẽ có những ngày các công ty tour ở đây đóng cửa. Tôi mua tour tại Kok Tag..

Tour nối: Mabul không phải là điểm dừng chân duy nhất ở Semporna. Du khách muốn lặn ngắm san hô hoặc ngắm cảnh biển có thể mua tour nối. Đi từ cảng Sempona, ra đảo Mabul, tham quan thêm Kapalai và cả đảo Pom Pom.

Xu Kiên
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES