“Du lịch 4.0” - Dự án đầy tham vọng của Malaysia

11/07/2022

Khi du lịch Malaysia mở cửa trở lại, các công ty công nghệ chuyên nâng cao trải nghiệm du lịch được mở ra nhiều không gian để phát triển.

Sát ngày Giáng sinh năm 2020, chính phủ Malaysia ra mắt chương trình National Tourism Policy (NTP - Chính sách du lịch quốc gia). Đây là một lộ trình hỗ trợ phát triển du lịch bền vững đến năm 2030, mục tiêu giúp Malaysia trở thành điểm đến yêu thích cho du khách trên toàn cầu.

Một trọng tâm của lộ trình này là “Smart Tourism 4.0” (Du lịch thông minh 4.0). Theo đó họ muốn dùng công nghệ để đổi mới và nâng cao trải nghiệm du lịch. Các công ty khởi nghiệp sáng tạo như LokaLocal, Tourplus và Moovby trở thành những gương mặt tiêu biểu trong chương trình, phối hợp cùng với giới chức để biến điều này thành hiện thực.

Cùng làm trong lĩnh vực du lịch nhưng từng mảng kinh doanh của ba công ty khởi nghiệp sáng tạo này đều có sự khác biệt. Chẳng hạn LokaLocal là nền tảng kết nối du khách và đối tác du lịch địa phương, cung cấp những tua tham quan trực tuyến. Còn Tourplus là sàn thương mại du lịch trực tuyến, bảo đảm an toàn giao dịch giữa du khách và hướng dẫn viên. Trong khi đó Moovby là sàn giao dịch đi chung ô tô, cho du khách thuê ô tô trực tiếp với người dân địa phương - một giải pháp tốt khắc phục tình trạng giao thông đông đúc của Malaysia.

Du lịch là ngành đóng góp GDP lớn thứ ba của Malaysia

Du lịch là ngành đóng góp GDP lớn thứ ba của Malaysia

Mặc dù kế hoạch đang triển khai rất triển vọng, thế nhưng ngành du lịch Malaysia, cũng như mọi ngành khác trên toàn thế giới, đều chịu cú sốc cực lớn từ đại dịch.

Năm 2019, du lịch là ngành đóng góp GDP lớn thứ ba của Malaysia, chiếm 15,9% giá trị. Tuy nhiên đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến ngành du lịch. Dữ liệu cho thấy lượng khách trong năm 2021 của Malaysia chỉ còn 130.000, trong khi số lượng năm 2019 là 26,10 triệu người. Doanh thu du lịch cũng giảm từ 86,1 tỷ MYR xuống còn 240 triệu MYR.

Sau khi Malaysia mở cửa trở lại, bao gồm lối đi biên giới đất liền với Singapore, quốc gia này kỳ vọng du lịch sẽ được phục hồi. Tuy nhiên việc du lịch vẫn còn nhiều thủ tục, quy định nghiêm ngặt, cũng như việc cách ly khiến nhiều du lịch cũng e ngại.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Việc du lịch Malaysia bị chững lại vì dịch khiến các công ty khởi nghiệp sáng tạo công nghệ du lịch nhanh chóng biết rằng họ phải thích nghi và tạo nên sản phẩm mới, hợp tác với những bên mới.

Chẳng hạn LokaLocal hợp tác với InvestKL, một cơ quan thuộc Bộ Ngoại Thương để cung cấp giải pháp du lịch “tại chỗ”, hay nói cách khác, là những tua trực tuyến. Với các tua này, du khách có thể “dạo chơi” qua những địa điểm nổi tiếng, chẳng hạn Vườn Bướm Highland Cameron hay Nhà Di Sản Gopeng. Ngoài ra LokaLocak cũng cung cấp những ưu đãi nhằm lôi kéo du khách tham quan cận cảnh khi du lịch trở lại hoàn toàn.

Trong khi đó Tourplus chuyển hướng sang du lịch nội địa. Họ kết hợp với Tourism Selangor (Cơ quan Xúc tiến Du lịch chính thức của Selangor) với lễ ký kết vào Tháng 4/2022 để ra mắt ứng dụng Go Selangor. Ứng dụng này đưa ra các gợi ý du lịch, di chuyển và ẩm thực. Nhà sáng lập Rickson Goh của Tourplus cho biết sự hợp tác này sẽ giúp ngành công nghiệp du lịch chuyển mình theo hướng số hóa 4.0, đồng thời giúp các doanh nghiệp du lịch trong nước có công ăn việc làm, để họ có thể sẵn sàng cho nhu cầu du lịch sau khi Covid-19 hoàn toàn kết thúc.

Một phân khúc khác của Smart Tourism 4.0 là du lịch sinh thái

Một phân khúc khác của Smart Tourism 4.0 là du lịch sinh thái

Một phân khúc khác của Smart Tourism 4.0 là du lịch sinh thái, tức là tập trung vào những giải pháp, loại hình du lịch bền vững và có trách nhiệm với thiên nhiên, giúp du khách vừa có thể tận hưởng những địa điểm mới, vừa bảo tồn được di sản thiên nhiên của Malaysia cho đời sau.

Mặc dù du lịch sinh thái là khái niệm không mới, tuy nhiên khi du lịch sinh thái càng phổ biến thì tư duy du lịch có ý thức của du khách càng tăng. Malaysia đã trình bày kế hoạch thúc đẩy du lịch sinh thái tại Hội chợ triển lãm 2020 ở Dubai, cũng như mở cửa đảo Langkawai, cung cấp các gói du lịch thiên nhiên hoặc hòa nhập với cộng đồng dân cư bản địa.

Với một chương trình dài hơi như Smart Tourism 4.0, những niềm tin và những nghi ngờ luôn song song xuất hiện.

Trong một nghiên cứu của Monitor Deloitte, du lịch thông minh sẽ giúp doanh thu từ du lịch của Malaysia tăng lên 110 tỷ USD vào năm 2030, tức là tăng hơn 340% so với 25 tỷ USD của năm 2018.

Mặc dù vậy một số du khách trong và ngoài nước vẫn còn nghi ngờ. Một khảo sát từ sinh viên Đại học Hồi giáo Quốc tế Malaysia cho thấy rằng họ lo lắng hệ thống cơ sở hạ tầng internet kém cỏi của Malaysia sẽ khiến việc truy cập ứng dụng du lịch trở nên khó khăn. Ngoài ra khách du lịch cho rằng các nội dung trên những ứng dụng không đủ toàn diện, chẳng hạn không có thông tin về những địa điểm ít phổ biến.

Tuy nhiên, dù sao thì ngành du lịch của Malaysia đang dần trở lại. Các công ty khởi nghiệp sáng tạo công nghệ du lịch cũng nhận được sự chú ý của nhiều nhà đầu tư. Chẳng hạn kết thúc năm 2019 Moovby nhận được 500.000 USD từ các nhà đầu tư thiên thần và các đối tác chiến lược. Còn Tourplus cũng nhận được 1 triệu USD từ các nhà đầu tư thiên thần.

Ngoài ra, Malaysia cũng giới thiệu chương trình Gamelan 2021, cung cấp khoản tài trợ lên đến 300.000 MYR (68.000 USD) cho các công ty liên quan đến du lịch, như là một biện pháp để thúc đẩy du lịch trong nước.

Vậy nên hiện tại có lẽ vẫn nên để thời gian trả lời câu hỏi liệu rằng Smart Tourism 4.0 có thể đem đến một diện mạo mới, giá trị mới cho du lịch Malaysia hay không.

Phương Thảo - Nguồn: Diễn đàn doanh nghiệp
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES