Đến Lý sơn ngao du miệng núi lửa

10/10/2012

Nhắc đến Lý Sơn, mọi người đều biết đây là vùng biển đảo vẫn còn nguyên sơ vẻ đẹp tự nhiên, là “vương quốc của tỏi”. Riêng tôi, Lý Sơn lại hấp dẫn bởi hòn đảo bé nhỏ này được tạo thành từ 5 hỏa diệm sơn đã tắt từ hàng triệu năm về trước. Ngoài ra, Lý Sơn còn có một ý nghĩa rất quan trọng trên biển Đông với vị trí tiền đồn cho các cuộc hải hành Hoàng Sa được sử Nam ghi chép lại.

Bài: Quách Trung Tuấn. Ảnh: Duy Anh, Thảo Nguyên

LÊNH ĐÊNH SÓNG NƯỚC

Sau chương trình khảo sát Chu Lai – Dung Quất, hành trình thăm đảo Lý Sơn được xem là điểm đinh của chuyến famtrip Quảng Ngãi được cả nhóm đón nhận hồ hởi. Dù biết ngày mai sẽ thăm đảo nhưng suốt đêm tôi vẫn hồi hộp không ngủ được vì chỉ sợ mình ngủ quên thì lỡ một chuyến đi kỳ thú.

Sau tiếng chuông báo thức từ bộ phận tổng đài của Thiên Đàng resort réo gọi, tất cả tụ họp đúng giờ theo tinh thần kỷ luật quân đội, vừa tranh thủ ăn sáng nhanh, cả nhóm chạy gấp về xe để yên vị và khởi hành đi Lý Sơn ngay lập tức. Mới 5 giờ sáng mà bầu trời đã thẳm xanh, xa xa vài áng mây trôi vô định như vẫn còn ngái ngủ nhường chỗ cho không gian ngập tràn nắng gió.

Hơn 1 tiếng di chuyển bằng ô tô, chúng tôi đến cảng Sa Kỳ đợi làm thủ tục thăm Lý Sơn bằng tàu thủy. Giữa không khí mùi biển nồng đậm, cả bến tàu náo nhiệt vì tiếng loa nhắc nhở mọi thành viên phải trang bị áo phao đầy đủ mới được bước xuống tàu. Hoàn tất mọi thủ tục, chiếc tàu quân đội rùng mình đưa chúng tôi xuyên trong màn nước xanh thẫm hướng thẳng ra biển Đông. Cảng Sa Kỳ dần xa trong tầm mắt. Trên mặt nước, bóng những chú cá giỡn sóng xao động làm cả nhóm chỉ trỏ và hét to inh ỏi…Vài thành viên bắt đầu bị mệt vì độ bồng bềnh đu đưa của sóng vỗ mạn tàu, riêng những người khỏe thì cũng nôn nao vì không quen sự nhồi lắc. May mắn thay, chiếc tàu chúng tôi đi có vận tốc khá cao, với 25km đường biển nhưng chỉ tiêu tốn 45 phút, chứ nếu đi tàu chợ thì phải mất 3 giờ mới cập bến. Tiếng cười đùa dần im vì mọi người đã thấm mệt. Trên mặt nước những đàn cá chuồn bay vùn vụt như chào đón khiến vài bạn còn khỏe vẫn lên máy ảnh rình chụp cá bay mọi nơi mọi lúc.

CÙ LAO RÉ

Vạ vật gần 1 giờ trên thuyền, tiếng hét “Lý Sơn đang hiện diện trước mặt chúng ta” của nhiếp ảnh gia Duy Anh đã khiến tất cả cùng chồm dậy, ngóng nhìn hòn đảo từ từ hiện dần trong tầm mắt. Một cảm xúc tự hào, kiêu hãnh ngập tràn trong tâm khảm. Chúng tôi đã đặt chân lên tiền đồn nơi đầu sóng ngọn gió, điểm ghi dấu cho lịch sử gìn giữ non sông gấm vóc Việt Nam, nơi  được các ngư dân trân trọng ghi nhớ bằng lễ hội khao lề, thế lính hải đội Hoàng Sa được lưu truyền hàng thế kỷ.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Lục tục lên bờ, phải gần 30 phút ổn định, 6 chiếc xe 15 chỗ mới có thể xoay sở trở đầu và đưa cả nhóm chạy một vòng quanh đảo. Thực ra, diện tích của Lý Sơn khá nhỏ, tổng gộp phần đất liền của cả hai đảo vẫn chỉ tròm trèm chừng 10km2. Theo gia phả của các tiền hiền để lại, Lý Sơn còn có cái tên mộc mạc là Cù Lao Ré vì trước đây trên đảo này phủ đầy hoa Ré (một loài cây thân mềm, có mùi thoang thoảng đặc trưng, thân để làm lạt buộc đồ rất chắc). Năm 1604, có 8 ngư dân đã tiến về phía đông của đảo để mở rộng đất đai và khai khẩn (tức xã An Hải ngày nay). Lúc bấy giờ, đảo vô cùng hoang vu, cả rừng cây nguyên sinh khổng lồ bao trùm khiến Lý Sơn trở nên âm u bí hiểm.

Các tiền hiền cũng ghi nhận: đặt chân lên đảo, họ đã thấy những ngôi mộ được lấp cát sơ sài, mỗi đầu mộ được đặt một cục đá để làm dấu, bằng chứng này cho thấy đảo đã được người Chiêm Thành từng đến khai thác. Đầy – một cư dân trẻ của đảo vui miệng kể cho tôi nghe truyền thuyết tạo dựng Lý Sơn theo dân tộc Kor như sau: Nguyên thủy, đảo là một phần của vùng núi Trà Bồng, sau một trận giao tranh dữ dội giữa Thần Nước và người anh hùng Doang Ðác Tố- chủ làng Tali Talok- một phần núi đã bị những con sóng của thần nước xé đứt rời và trôi dạt về phía Biển Ðông rồi yên vị từ ấy cho đến tận bây giờ.

Dù chỉ bằng mắt thường quan sát, tôi cũng kịp nhận ra mình đang đứng trên miệng của những núi lửa đã ngủ yên từ rất lâu đời. Có lẽ cách đây vài triệu năm, nham thạch của núi lửa phun trào đã phủ lên nền của những nếp gấp tạo sơn đã nâng nhiều lớp đá trầm tích thành hòn đảo nhô lên khỏi mặt nước biển. Ngoài ra, sự xâm thực cũng góp phần tạo nên những hang động, cổng đá tuyệt đẹp nằm rải rác quanh cù lao. Đầu thế  kỷ XVIII, có 6 tộc họ của đoàn quân của triều Nguyễn đã ra Lý Sơn cư ngụ, các họ tộc này thực hiện nhiệm vụ khai khẩn kiêm bảo vệ biển đảo theo chiếu lệnh thành lập Hải Đội Hoàng sa do vua Minh Mạng phê chuẩn. Dần dần, dân cư đông đúc nên họ đã khai phá khu rừng nguyên sinh để làm nhà cửa. Hiện nay, trên đảo rất hiếm cây to, riêng những miệng núi lửa thì khô cằn trơ đá sỏi. Dù vậy tôi vẫn thấy lơ thơ vài bụi xương rồng, dứa dại cùng các loại cỏ thản nhiên trổ những cánh hoa bé xíu vi vu theo chiều gió.

DẠO CHƠI QUANH MIỆNG NÚI LỬA

Chúng tôi đi trên con đường quanh co đầy bụi để đến chân núi Giếng Tiên, địa chỉ được xem là đẹp nhất của đảo. Xe đưa chúng tôi qua những vạt ruộng phủ đầy cát trắng tinh lấp lánh như đống muối. Hỏi thăm, tôi được biết, người dân Lý Sơn có một sản vật quý chính là tỏi. Tỏi ở đây chỉ được trồng có một mùa từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau thì thu hoạch. Muốn trồng tỏi, người dân phải hút cát dưới biển sâu gánh lên san đầy mặt ruộng rồi mới cấy tỏi vào. Sau khi thu hoạch họ sẽ gạt hết cát và đổ lại biển sâu. Tới mùa lại hút cát khác lên trồng tiếp tục. Do vậy, tỏi Lý Sơn có giá khá đắt bởi nó giá trị ở chỗ có một vị thơm ngon và độ dinh dưỡng thì thật khó có nơi nào sánh bằng.

Núi Giếng Tiên đã hiện diện trước mặt. Điểm nhấn của núi này là có tượng Phật bà Quan Âm cao hơn 30m được hoàn thành cách đây không lâu, dưới chân tượng là khu vực “thành phố buồn” dành cho các cư dân yên nghỉ. Leo gần 100 bậc thang tôi nhận thấy ngay tại vách đá có một chỗ bị khoét sâu vào và yên vị tại đây là các tượng Phật. Chùa không có sư tăng trụ trì, hàng ngày có một bà từ đến thắp nhang cho các tượng kiêm cả việc hướng dẫn viên tại chỗ. Ngồi nghỉ mệt đôi phút, chúng tôi tiến dần tham quan miệng núi lửa.

Sau gần 1 giờ lội bộ tôi đã chạm đỉnh. Nhìn chung miệng núi lửa trông giống như một miệng giếng khổng lồ. Ở Lý Sơn, điểm thuận lợi nhất là trên đảo luôn có mạch nước ngọt nên việc trồng trọt không vất vả lắm. Đứng ở miệng núi này, tôi phóng tầm mắt nhìn ra biển. Đối diện chênh chếch là đảo bé thuộc khu vực xã An Bình, còn nhìn ra bãi biển, cả bãi lổn nhổn những khối đá đen sì, dấu tích của những lần phun trào nham thạch bị nước biển làm nguội. Những tảng đá nằm chỏng chơ trên biển nhìn xa xa giống như đàn cá quây đen lúc nhúc. Lúc này thành viên đi chậm nhất cũng đã chạm đỉnh. Tranh thủ chụp hình lưu niệm, chúng tôi xuống núi và tiếp tục cuộc ngao du.

Anh Đầy cho biết: Lý Sơn bao gồm 5 ngọn hỏa sơn là Thới Lới, Hòn Tai, Hòn Sỏi, Giếng Tiên, Hòn Vung, trong đó Thới Lới là núi lửa lớn nhất. Nghe nói trong những năm thập niên 60, quân đội Mỹ đã xây trạm quan sát trên đỉnh núi này, thậm chí có cả một sân bay lên thẳng phục vụ mục đích quân sự. Hiện nay, các đỉnh núi đều khô xác, chơ vơ bởi sự tàn phá của thiên nhiên và con người. Đầy cho biết, ông nội của anh kể lại, xa xưa Lý Sơn từng có rất nhiều rừng: rừng Truông, rừng Nhợ, rừng Vòng, nhiều cây to đến năm người ôm không xuể. Hiện tại, tất cả đã không còn hiện hữu vì những biến đổi dài theo năm tháng. Nghe Đầy nói, tôi có cảm giác buồn buồn khi ngắm các miệng núi lửa trong cái nắng chói chang gay gắt. Niềm an ủi còn lại là được thưởng thức nước dừa chính hiệu Lý Sơn. Thật không có gì tả nổi cảm xúc được chia nhau vị ngọt mát của những trái dừa khi đứng trên miệng núi lửa.

Cuộc dạo chơi một ngày tại Lý Sơn rồi cũng qua nhanh. Trở về tàu, cả nhóm đều đen bóng như đồng hun. Tranh thủ những giây phút cuối, tất cả chúng tôi đều viếng Âm Linh tự và khu mộ gió nằm gần đó, thắp nén nhang cho các anh hùng sĩ tử xả thân vì sông núi. Khói trầm thoảng bay, gương mặt ông từ trong chiếc áo lễ hướng dẫn chúng tôi thắp hương thật trang trọng pha lẫn niềm tin vô cùng thành kính.

Tôi mong sao các cấp chính quyền hãy cố gắng tôn tạo và biến Lý Sơn thành một điểm du lịch kỳ thú, vì hòn đảo nhỏ bé này ẩn chứa những tiềm năng du lịch khó có nơi nào sánh bằng. Thế nhưng, tất cả vẫn chỉ là bước khởi đầu. Một niềm ước muốn trẻ thơ bỗng hiện lên trong trí: mong sao chiếc đũa thần kỳ của các bà tiên hãy chạm nhẹ vào Cù lao Ré và Lý Sơn sẽ khoác trên mình chiếc áo đẹp, tiện nghi hơn để biến lịch sử oai hùng của đảo thành nét son thu hút nhiều du khách đến thăm.

Thông tin thêm:

  • Bởi nằm ở địa thế xa xôi cách trở nên hiện rất ít công ty du lịch tổ chức tour đến Lý Sơn. Bạn có thể liên hệ: Công ty Dã ngoại Lửa Việt: 677 Trần Hưng Đạo, Q.5, TP.HCM;
  • Tel: (+84.8) 3924 1458; Email: [email protected].
  • Bạn có thể đặt yêu cầu với nhà cung cấp tour thiết kế các chương trình hoạt động khi du lịch Lý Sơn: đu dây tử thần trên miệng núi lửa, trecking, du lịch lặn biển, du lịch học làm ngư dân, du lịch tâm linh, du lịch lễ hội…

 

RELATED ARTICLES