Cách trung tâm Hà Nội khoảng 15 km về phía Tây, làng Tây Mỗ từ lâu đã trở thành một điểm đến đặc biệt không chỉ với những người yêu thích vẻ đẹp làng quê Bắc Bộ mà còn thu hút các nhà làm phim.
Làng Tây Mỗ nổi tiếng với khung cảnh làng quê Bắc Bộ đặc trưng mà không phải nơi nào cũng còn giữ được. Những ngôi nhà mái ngói rêu phong, cây đa cổ thụ tỏa bóng mát, giếng nước làng quê hay sân đình rợp sắc thời gian đều tạo nên một bức tranh làng quê bình yên và thân thuộc. Như đã nói ở trên, làng Tây Mỗ được chọn làm địa điểm quay, bối cảnh cho hầu hết những bộ phim đề tài nông thôn Việt, hay những cảnh quay cần sự cổ kính, là bởi khung cảnh nơi đây. Làng Tây Mỗ bắt đầu "lên phim" nhiều, vào những năm đầu thế kỷ 21.
Trải qua hàng chục, hàng trăm năm, nhưng những nét xưa của ở ngôi làng này cho tới hiện nay vẫn được giữ gìn gần như nguyên vẹn. Ngay khi bước vào cổng làng, hay còn gọi là cổng Phượng, du khách sẽ thấy dòng chữ “Phượng Lĩnh Môn” (tức cổng Phượng) là biểu tượng không thể thiếu khi nhắc đến làng Tây Mỗ. Được xây dựng từ hàng trăm năm trước, cổng làng vẫn giữ được nét cổ kính dù đã trải qua những lần cải tạo. Đây cũng chính là điểm dừng chân đầu tiên của các nhà làm phim khi lựa chọn bối cảnh cho những tác phẩm nổi tiếng như "Đất và người", "Gió làng Kình", "Ma làng" hay bộ phim điện ảnh "Lời nguyền huyết ngải".
Đi sâu vào bên trong làng, điểm đầu tiên du khách nên ghé tới là đình làng Tây Mỗ, được xây dựng từ thế kỷ 17, đến nay vẫn được bảo tồn và giữ gìn nguyên vẹn. Năm 2010, đình được trùng tu 1 lần và là một trong các công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Hiện trong đình còn lưu giữ bản sắc phong thần vào năm thứ 18 đời vua Lê Cảnh hưng, và 12 đạo sắc phong niên đại từ thời vua Lê Cảnh Hưng tới thời vua Khải Định, cùng nhiều di vật có giá trị lịch sử khác.
Tuy nhiên, làng Tây Mỗ không chỉ nổi tiếng với khung cảnh đẹp mà còn là vùng đất có truyền thống hiếu học lâu đời. Theo các tài liệu lịch sử, làng Tây Mỗ từng có 8 người đỗ đạt đại khoa, tương đương học vị Tiến sĩ, và 75 người đỗ Cử nhân trong thời phong kiến. Những nhân vật như Nghiêm Hoàng Đạt (Bảng nhãn, 1583), Nguyễn Đương Bao (1673), hay Đỗ Huy Điển (Phó bảng, 1875) không chỉ là niềm tự hào của làng mà còn là biểu tượng của truyền thống giáo dục vượt bậc. Ngày nay, các dòng họ trong làng vẫn duy trì quỹ khuyến học để khích lệ con cháu học tập, giữ vững danh tiếng của một vùng đất văn hiến.
Điều khiến làng Tây Mỗ trở nên đặc biệt hơn nữa chính là sự giản dị, thân thiện của người dân nơi đây. Du khách khi đến làng luôn được chào đón bằng nụ cười và sự chỉ dẫn nhiệt tình của người dân. Họ sẵn sàng chia sẻ những câu chuyện về lịch sử, văn hóa mà còn tự hào giới thiệu về các địa điểm thú vị trong làng. Chính tinh thần hiếu khách này đã góp phần tạo nên sức hấp dẫn của làng Tây Mỗ.
Dạo một vòng quanh làng, du khách sẽ dễ dàng bắt gặp những hình ảnh thân thuộc từ cây đa, bến nước, sân đình, cho đến những giếng nước cổ và những ngôi nhà gạch đỏ đã tồn tại qua hàng thế kỷ. Không gian tĩnh lặng, những làn gió nhẹ đưa mùi thơm của đồng quê, cùng tiếng chim hót líu lo tạo nên một bức tranh làng quê thanh bình, khiến mọi lo âu của cuộc sống hiện đại như tan biến.
Làng Tây Mỗ, với vẻ đẹp cổ kính và giá trị văn hóa phong phú, không chỉ là "phim trường Hollywood" của Việt Nam mà còn là nơi lưu giữ những ký ức đẹp đẽ về một thời kỳ vàng son của làng quê Bắc Bộ. Đến đây, bạn không chỉ được chiêm ngưỡng những bức tranh làng quê tuyệt đẹp mà còn có cơ hội cảm nhận sâu sắc hơn về văn hóa, lịch sử và con người Việt Nam. Một chuyến thăm làng Tây Mỗ sẽ là hành trình trở về với quá khứ, tìm lại những giá trị truyền thống đáng quý trong cuộc sống hiện đại.
Một số hình ảnh khác tại "ngôi làng phim trường":