Ngày 29/7, đại diện Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết sau thời gian thực hiện trùng tu, từ ngày 1/8, di tích Hải Vân Quan bắt đầu đón khách tham quan. Di tích Hải Vân Quan sẽ miễn phí tham quan cho người dân và du khách cho đến khi thống nhất việc xây dựng bảng giá vé phù hợp.
Ông Phan Văn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, cho biết di tích Hải Vân Quan sẽ miễn phí vào cửa trong thời gian đầu. Giai đoạn miễn phí nhằm đo lường lượng khách, kiểm tra hiệu quả tiếp đón, thuyết minh tại di tích và có thêm thời gian để tiếp thu ý kiến cho đến khi hai địa phương hoàn tất các thủ tục, thống nhất quản lý và phát huy giá trị di tích theo đúng luật.
Trước đó, cuối năm 2021, Trung tâm BTDT Cố đô Huế phối hợp Sở Văn hóa Thể thao TP Đà Nẵng tổ chức lễ khởi công dự án Bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 42 tỷ đồng (trong đó ngân sách Đà Nẵng 50% và Thừa Thiên Huế 50%).
Dự án đã tu bổ các di tích dựa trên dấu tích nguyên gốc; trong đó, phục hồi, thay thế nền cổng lát đá Thanh, hệ thống cối, cổng đá Thanh, tường xây gạch vồ… và phục hồi các tường thành thời nhà Nguyễn bằng đá núi theo dấu vết khảo cổ học.
Dù hoàn thành việc tu bổ, sẵn sàng đón khách tham quan nhưng di tích Hải Vân Quan hiện vẫn còn thiếu hạ tầng du lịch như bãi đỗ xe, điểm bán vé, nơi làm việc của hướng dẫn viên và bảo vệ... Ngoài ra, do nằm ở độ cao hơn 500m so với mặt nước biển nên hệ thống hạ tầng kỹ thuật cũng chưa được đầu tư đồng bộ như: sóng điện thoại, internet còn hạn chế, nhân lực mỏng khó khăn cho việc quản lý.
Hải Vân Quan nằm trên đỉnh đèo Hải Vân thuộc địa phận thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) và phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng).
Di tích này được xây từ thời Trần và được trùng tu vào thời Nguyễn (năm Minh Mạng thứ 7, 1826). Cửa trông về phủ Thừa Thiên đề ba chữ "Hải Vân Quan", cửa trông xuống Đà Nẵng đề "Thiên hạ đệ nhất hùng quan". Ở độ cao 490m so với mực nước biển, Hải Vân Quan là cụm bố phòng quân sự với nhiều công trình gồm hệ thống thành lũy, nhà kho pháo đài thần công.
Dưới thời nhà Nguyễn, Hải Vân Quan là ải quan trọng, cửa ngõ vào kinh đô Huế từ phía Nam. Chính vì vậy, triều Nguyễn đã tập trung lực lượng và vũ khí quy mô ở Hải Vân Quan để trấn giữ. Đây là công trình chứa đựng nhiều giá trị về văn hóa, lịch sử và cũng là thắng cảnh nổi tiếng, góp phần vào sự phát triển du lịch của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế.