‘Đi vào bóng tối’ là kết quả của chuỗi thử nghiệm tiếp diễn, sử dụng chất liệu giấy Washi Nhật Bản và giấy Dzó Việt Nam, kết hợp vẽ nét và sắp đặt ánh sáng. Ý tưởng bắt nguồn từ trại sáng tác đầu tiên của Kim Thư tại Làng giấy Mino (Nhật Bản) năm 2013, nơi cô đã được giới thiệu về cách làm giấy và đèn. Năm 2014, nghệ sĩ phát triển ý tưởng thành sắp đặt ánh sáng tại trại sáng tác tại Chương trình nghệ sỹ cư trú Sapporo (Hokkaido, Nhật Bản). Thử nghiệm gần đây nhất của cô tại chương trình ECO Art (Trại sáng tác Mường, Hòa Bình, Việt Nam) năm 2015 bao gồm cả những yếu tố liên quan tới thiết kế không gian và ánh sáng.
Nghệ sĩ Vũ Kim Thư sinh năm 1976 tại Hà Nội, tốt nghiệp Cử nhân Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 1999 và Thạc sỹ mỹ thuật tại Viện Mỹ thuật Chicago, Mỹ năm 2003. Thư đã tham gia nhiều trại sáng tác quốc tế như: Trại sáng tác Vermont ( Mỹ), Trại sáng tác Goyang (Hàn Quốc), Sanskriti Kendra (Ấn Độ), Trại sáng tác Schoeppingen (Đức), Trung tâm nghệ thuật Mc Coll (Mỹ), Trung tâm Rockefeller Bellagio (Italy) và Bảo tàng nghệ thuật đương đại La Coruna ( Tây Ban Nha)…những trại sáng tác này đã góp phần ảnh hưởng đến sáng tác nghệ thuật của chị theo nhiều hướng khác nhau. Trong vài năm gần đây, Thư yêu thích và chịu ảnh hưởng của văn hóa Nhật Bản. Các nghiên cứu của chị trên giấy Washi cùng những trải nghiệm tại Nhật Bản (Chương trình nghệ sỹ cư trú Kamiyama, Làng nghệ thuật giấy Mino và Trại sáng tác nghệ thuật Sapporo) đã dẫn Thư đến những thử nghiệm về điêu khắc giấy và sắp đặt ánh sáng.
“Thế giới của tôi là một thế giới thu nhỏ. Nó bao gồm phong cảnh, thiên nhiên, kiến trúc và những nét vẽ loằng ngoằng trang trí tạo thành hiệu ứng một thành phố ba chiều. Những hình vẽ này thay đổi qua mỗi điểm đến và không gian khác nhau. Khi đến một thành phố mới, tôi định hướng cấu trúc của thành phố ấy bằng cách vẽ lặp đi lặp lại kiến trúc, hình khối và không gian dựa trên quan sát hiện thực và ký ức nhớ lại sau này. Tôi thường vẽ thành phố theo dạng bản đồ. Và những bản đồ ấy được lắp lại từ những cấu trúc gợi nên đường xá, nhà cửa, giao thông. Bằng một nét nhỏ, tôi bắt đầu tạo ra thành phố của mình, rồi từ nét nhỏ ấy, thành phố ấy cứ lớn dần, lớn dần…” Vũ Kim Thư cho biết.