Ở châu Phi, nạn châu chấu đã bắt đầu hoành hành đến Djibouti và Eritrea vào tháng 1/2020 và hiện đang lan sang Tanzania cùng Uganda, đe dọa an ninh lương thực và sinh kế của hàng triệu người dân. Với sức phá hoại khủng khiếp nhất trong nhiều thập kỷ, những đàn châu chấu này "nuốt chửng" đồng cỏ và mùa màng chỉ trong vài giờ sau khi xuất hiện.
Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp Quốc (WFP) đã kêu gọi cộng đồng quốc tế đóng góp 76 triệu USD để giúp chính phủ các nước nhanh chóng mở rộng quy mô phun thuốc diệt châu chấu cùng các biện pháp kiểm soát khác. Tình hình nếu không được kiểm soát có thể đe dọa an ninh lương thực cho 13 triệu người.
David Beasley, Giám đốc Điều hành WFP cho biết, cơ quan này sẽ hỗ trợ kinh phí để tổ chức Lương nông Thế giới (FAO) thanh toán vấn nạn châu chấu ở Đông Phi. "Nếu chúng ta không làm ngay thì WFP sẽ phải cần tới số tiền gấp 15 lần số nói trên, tức hơn 1 tỷ USD để hỗ trợ người dân bị thiếu đói do mất mùa và sinh kế" ông Beasley cho biết.
Hồi giữa tháng 2, một số chuyên gia về dinh dưỡng và an ninh lương thực ở châu Phi bắt đầu cảnh báo sự lan rộng của nạn dịch này. Bởi nạn châu chấu sa mạc hiện đang sinh sôi cấp số nhân trên khắp lãnh thổ Somalia, Kenya, Ethiopia và nhiều bầy đàn lớn đã được nhìn thấy ở Eritrea, Djibouti hay phía đông bắc Uganda. Nếu không kịp thời kiểm soát, FAO ước tính, số lượng châu chấu có thể tăng gấp 500 lần vào tháng 6, và sẽ lan sang cả Nam Sudan, gieo rắc thảm họa lương thực cho một trong những khu vực nghèo nhất thế giới này.
Hiện một số quốc gia ở Tây Á và Nam Á cũng đang lo ngại về nạn dịch châu chấu xưa nay hiếm khi xảy ra. Nguyên nhân được xác định là do các yếu tố thời tiết thuận lợi như như lượng mưa nhiều và gió mùa kéo dài khiến châu chấu dễ sinh sôi và tiếp tục lan rộng.
Theo chuyên gia bảo vệ thực vật thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc - Zhang Zehua thì khu vực biên giới giữa khu tự trị Tây Tạng (Trung Quốc) và Pakistan, Ấn Độ hay Nepal được coi là nơi dễ bùng phát nạn châu chấu nhất trong thời gian tới tại châu Á bởi đây khu vực có châu chấu sa mạc sinh trưởng và phát triển.
Tuy nhiên do những hạn chế về môi trường, khí hậu và nguồn thức ăn nên châu chấu sa mạc ít có khả năng tiếp tục xâm lấn vào sâu đến Trung Quốc vì luồng di cư của chúng sẽ bị cao nguyên Thanh Hải - Tây Tạng chặn lại.
Theo National Geographic, tại mỗi điểm đáp xuống, một đàn châu chấu cỡ trung bình có thể tàn phá 192 triệu kg - tương đương lượng hoa màu toàn bộ dân số Kenya tiêu thụ; bầy châu chấu có kích thước bằng Paris có thể ngốn lượng thực phẩm bằng một nửa dân số Pháp. Với số lượng châu chấu hiện có ở Kenya, một ngày có thể ăn cùng một lượng thức ăn mà người dân ba bang của nước Mỹ như New Jersey, Pennsylvania và New York cộng lại, tức đủ để nuôi 2.500 người trong vòng 1 năm.