Những hủ tục gây tranh cãi tại châu Phi

22/11/2019

Đeo đĩa trên môi, cởi truồng chạy trên lưng bò, thi sắc đẹp nam giới... là một trong những hủ tục kỳ lạ được các bộ tộc thổ dân ở châu Phi lưu giữ qua hàng nghìn thế hệ.

Bộ tộc Maasai - bố nhổ nước bọt lên người con gái

Phong tục cưới của bộ tộc Maasai ở Kenya vô cùng đặc biệt. Các cô gái trong bộ tộc sẽ không được tự do yêu đương cũng như quyết định ai là chồng mình mà phải theo sự sắp đặt của cha mẹ. Họ cũng không được phép ly dị và phải chung sống với người chồng suốt đời, kể cả người đó có vũ phu hay đối xử tệ bạc với mình. Cho đến giờ, đàn ông Massai có thể cưới rất nhiều vợ nếu như anh ta có nhiều của cải đủ nuôi sống vợ của mình.

fa30d300e1e24e8489d3261dcbcb31f1_8

Vào lễ cưới, cô dâu sẽ được mặc những bộ quần áo rực rỡ cùng bộ trang sức nặng nề. Trước khi chính thức về nhà chồng, cha của cô sẽ nhổ một bãi nước bọt lên ngực cô dâu để tượng trưng cho những điều may mắn nhất. Tất cả những cô gái đến tuổi lấy chồng của bộ lạc đều trải qua nghi thức độc đáo có một không hai này.

Nước bọt sẽ tượng trưng cho tất cả những gì tốt đẹp nhất mà người cha, người mẹ của cô dâu muốn gửi gắm cho con gái mình. Cô dâu cũng cảm thấy hạnh phúc và biết ơn cha mẹ vì "lời chúc" đặc biệt này.

Bộ tộc Himba - nhà trai tới bắt cóc cô dâu

Phụ nữ của bộ tộc Himba có một vẻ đẹp vô cùng độc đáo, cùng với thân hình quyến rũ như một lợi thế trời ban, giúp họ được phong danh hiệu: "phụ nữ đẹp nhất lục địa đen". Có lẽ chính bởi vẻ đẹp này mà tại đây nảy sinh tục lệ "bắt cóc" cô dâu vào ngày cưới.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Trước đó, các cô gái được mẹ tặng cho chiếc khăn da bò như một món vật gia truyền từ mẹ sang con gái qua các đời. Khi cô dâu bị chú rể và gia đình chồng “bắt cóc” về làm vợ, họ phải dùng chiếc khăn da bò đó để che mặt, nhằm tránh bị chú rể khác cướp mất.

Bộ tộc Ethiopia - đeo đĩa tròn trên môi phụ nữ

Tấm đĩa tròn trên môi của bộ lạc Mursi mang tên dhebi a tugion. Các nhà khảo cổ học cho biết tục đeo đĩa trên môi ở khu vực này tồn tại từ cách đây 30.000 năm. Theo nhà khảo cổ Jerrome Lewis đến từ London, đây là phần cơ thể được sửa đổi mà người dân cho là đẹp nhất. Phần giữa môi được rạch ra để chèn một miếng gỗ tròn nhỏ, sau đó thay bằng tấm gỗ có kích thước lớn hơn. Khi lỗ này đủ rộng, người ta sẽ chèn một chiếc đĩa gốm có trang trí vào trong và giữ nguyên như vậy trong nhiều năm. Đường kính của một chiếc đĩa có thể đạt 19,5 cm.

Các cô gái bắt đầu từ độ tuổi 15 đến 18 sẽ được nhổ 2 răng cửa phía dưới để kéo cho phần môi dài ra và những người phụ nữ lớn tuổi sẽ giúp họ xuyên những chiếc lỗ qua môi. Chính phủ Ethioia gần đây đã ra lệnh cấm phụ nữ mang đĩa môi, tuy vậy vẫn còn rất nhiều người chưa thể bỏ được tục lệ này. Đối với những người phụ nữ ở đây, chiếc đĩa môi có nhiều ý nghĩa, nó vừa thu hút người khác giới vừa rất có ích trong việc nhận của hồi môn. Kích thước đĩa càng lớn, các cô gái càng được đánh giá cao và được nhận nhiều hồi môn là gia súc khi đi lấy chồng.

Bộ tộc Bodi - uống sữa trộn máu bò để vỗ béo

Đối với bộ tộc Bodi ở vùng Sừng châu Phi xa xôi, người càng béo thì càng được nể trọng và họ tin rằng uống sữa bò trộn máu là cách “vỗ béo” nhanh nhất.

29466660448_ef4a0c3d43_b

Sáu tháng trước khi chọn thủ lĩnh mới, đàn ông trong bộ tộc cùng khởi động cuộc ganh đua “vỗ béo” để giành ngôi vương với hàng loạt những biện pháp kinh dị. Người may mắn sẽ được phục tùng, kính nể như một vị anh hùng. Mỗi gia đình được chọn ra một nam thanh niên chưa lập gia đình để thi đấu. Các ứng cử viên sẽ phải ở ẩn trong nhà và không được quan hệ tình dục trong khoảng thời gian thử thách. Thức ăn chính để “vỗ béo” là hỗn hợp từ máu và sữa bò. Con bò không bị giết mà chỉ bị khứa nhẹ vào một mạch máu nhỏ và được băng bó sau đó. Các nam thanh niên sẽ phải uống thứ hỗn hợp này thật nhanh và nhiều lần trong ngày trước khi máu bò đông lại. Thứ hỗn hợp này cũng khiến nhiều thanh niên trai tráng phải bó tay, nôn mửa.

Bộ tộc Wodaabe - lễ hội của người du mục

Vào cuối mùa mưa ở vùng hồ Chad, phía bắc Cộng hòa Niger, người Wodaabe tụ tập trong “lễ hội của người du mục” mang tên Cure Salee. Trung tâm của lễ hội là cuộc thi sắc đẹp dành cho nam giới và "nghi lễ tán tỉnh".

Zing_bo_toc_chau_Phi_7

Trong cuộc thi sắc đẹp được tổ chức vào tháng 9 hàng năm, thí sinh luôn là nam giới và giám khảo là phụ nữ. Những người tham gia sẽ dành khoảng 6 giờ đồng hồ để chuẩn bị, hóa trang như những vũ công. Họ bôi đất sét đỏ lên mặt, dùng bút chì kẻ mắt đen làm nổi bật màu trắng, mặc bộ trang phục đẹp nhất rồi chờ đợi sự đánh giá của những người phụ nữ dự nghi lễ. Hàm răng và đôi mắt trắng được ưu tiên hơn cả nên người tham gia nào cũng cố gắng cười rộng miệng và biểu lộ cảm xúc hết cỡ. Phần thưởng cho người tán tỉnh giỏi nhất là một đêm với một trong số các giám khảo.

Trà My - Nguồn: Tổng hợp
RELATED ARTICLES