Đồ ngự dụng của Hoàng Cung

13/01/2014

Trong Hoàng cung của các triều đình Đại Việt xưa có sự phân biệt khá rõ: Vua, hoàng hậu, hoàng tử, công chúa đều có đồ dùng riêng, khác với đồ dân gian và được gọi là đồ ngự dụng.

Bài và ảnh: PGS.TS Trịnh Sinh

Những đồ này thường được khắc hình linh vật như rồng, phượng. Thậm chí, có quy định hình rồng bao nhiêu móng là hình ảnh của Thiên tử tức Vua, cấm người thường tự tiện vẽ rồng trên đồ dân gian, nếu vi phạm sẽ bị khép vào tội khi quân (bị chém đầu).

Bộ đồ ăn trầu trong cung đình Nguyễn làm bằng vàng, bạc và ngà voi.

Đôi khi trong dịp Tết, Vua có tiệc chiêu đãi quần thần, đồ ngự dụng cũng được đem ra sử dụng phục vụ cho yến tiệc, ăn uống. Một đoạn thư tịch của thế kỷ 14 đời nhà Trần cho thấy một buổi yến tiệc vào ngày mồng một Tết Nguyên đán, Vua chiêu đãi quần thần: “Ngày Nguyên đán, vào sáng sớm, vua ngồi trên điện Thiên An, các phi tần sắp lớp ngồi, các quan trong nội đứng lộn xộn trước điện đánh thổi các bài ca nhạc trước đại đình. Con cháu nhà vua và bề tôi sắp hàng bái hạ, ba lần rót rượu dâng lên. Xong, các tôn tử lên điện chầu và dự yến. Các quan nội thần ngồi tiểu điện phía tây, các quan ngoại thần ngồi hai bên tả hữu Vua, ăn tiệc, đến trưa lần lượt đi ra”.

 

 Tách vàng và ngọc trắng của cung đình Nguyễn / Cối hình thuyền cán thảo dược , khai quật trong Hoàng Thành Thăng Long

Đồ ngự dụng của Vua cũng rất quan trọng, từ cái chậu rửa mặt, bát ăn cơm đến ấn tín, kiếm lệnh, cối giã trầu đều phải là đồ quý nhất đương thời, thường phải bằng vàng bạc, châu báu. Nhân gian có câu “đẹp vàng son” khá đúng đối với đồ ngự dụng, khi phần lớn phải bằng vàng hoặc dát vàng vào ngọc, ngà voi, bạc, ngọc quý. Cứ nhìn đồ ngự dụng trong sưu tập cổ vật trong cung đình thời Nguyễn cũng đủ thấy, phần lớn có sự hiện diện của vàng. Bộ sưu tập cổ vật này hiện được lưu giữ ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, thi thoảng mang ra trưng bày cho khách tham quan ngoài nước và trong nước chiêm ngưỡng. Ngắm các đồ ngự dụng, mới thấy cái long lanh mà dấu ấn thời gian không thể nào chạm tới được.

 

Bát gốm hoa lam thời Lê Trung Hưng, khai quật trong Hoàng Thành Thăng Long / Bát sứ in chìm hình rồng của vua thời Lê sơ, khai quật trong Hoàng Thành Thăng Long

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Những đồ Vua cùng gia thất dùng quý đến nỗi mà triều đình phải cử chức quan là Ngự Dụng Giám để trông coi và cung cấp. Trong sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư còn có đoạn chép: “Vào đời Vua Lê Tương Dực, năm Giáp Tuất, 1514, tháng 12, ngày mồng 4, việc cung cấp cho các bà công chúa sách lễ tập viết, sách vở cùng thoi mực phải do Ngự Dụng Giám làm danh sách đưa lên”. Chức quan này cũng được triều đình xếp vào hàng lục phẩm. Chức quan này có khi gồm 6 người chuyên phục vụ các đồ dùng của nhà Vua, đủ biết chuyện Vua cũng coi trọng các đồ ngự dụng và người quản lý các đồ này ra sao. Mà các đồ dùng của triều đình thì quý thật, chúng ta cứ xem cái sưu tập cổ vật cung đình của triều Nguyễn thì rõ.

 

 Ấm vàng trong cung đình Nguyễn / Ấn làm từ vàng và ngọc kim sa của Vua Khải Định, năm 1916

Quý nhất có lẽ là các thanh kiếm lệnh của Vua Nguyễn có chuôi được làm bằng vàng, ngọc trắng, chạm khắc tinh xảo hình đầu rồng. Những chiếc kiếm này chưa một lần ra trận mà chỉ là “thượng phương bảo kiếm” tượng trưng cho sức mạnh đầy quyền uy của nhà Vua. Sau đó là đến một số ấn của Vua, còn gọi là ngự ấn. Mỗi đời Vua lại làm ấn riêng khắc tên hiệu của mình vào đó, gồm cả ấn của hoàng hậu. Ví dụ, chiếc ấn được làm bằng vàng, chạm hoa văn đẹp. Chuôi ấn được làm bằng ngọc Kim Sa màu nâu lóng lánh. Mặt ấn được khắc chữ Pháp: Khai Dinh, Empereur d’Annam (Khải Định, Hoàng Đế nước An Nam) và chữ Hán cùng hoa văn rồng mây hoa lá. Đây là ấn của vị Vua Khải Định (1916-1925) làm Vua trong giai đoạn gần cuối triều Nguyễn và nước ta đã bị Pháp đô hộ nên có cả dòng chữ Pháp trên ấn.

 

Thẻ vàng cung đình , đeo trên ngực áo Vua Nguyễn / Sách vàng cung đình Nguyễn

Trong đồ ngự dụng còn có những chiếc đài thờ được một cơ quan của triều đình khi đó có tên là Kim Ngân Tượng Cục, nơi tập trung các thợ Kim hoàn giỏi nhất nước, chế tác công phu bằng chất liệu vàng nạm ngọc. Chiếc đỉnh trầm bằng bạc và vàng có hoa văn rồng kỳ lân và chữ “Khải Định Nguyên Niên” (Niên hiệu Vua Khai Định năm thứ nhất). Các Vua Nguyễn khi ngự triều có đeo thẻ bài trên ngực áo. Trong kho sưu tập cũng có những thẻ bài bằng vàng. Những đồ ngự dụng quý giá này là các vật dụng tượng trưng cho quyền lực của nhà Vua, của triều đình nhà Nguyễn.

 

Thanh Kiếm lệnh của Vua Nguyễn / Đài thờ bằng vàng nạm ngọc trong cung đình Nguyễn.

Bên cạnh đó, chúng ta còn thấy các đồ vật “đời thường” của Vua, hoàng hậu và gia quyến. Đó là những chiếc chậu vàng được chạm khắc hình rồng, phượng. Bộ sách vàng của cung đình chạm hình rồng mây hoa lá. Các bộ cối giã trầu bằng nhiều chất liệu quý hiếm như vàng, bạc, ngà voi. Thế mới biết, cái tục ăn trầu từ hàng ngàn năm xưa đã len lỏi từ chốn dân gian đến thú ăn chơi cao cấp triều đình.

 

 Loa gốm trang trí hoa văn cánh sen, khai quật trong Hoàng Thành Thăng Long /  Kính của Vua Nguyễn làm từ vàng, ngọc trắng

Các vật dụng hàng ngày sử dụng như bát ăn cơm, tách uống chè cũng được chế tác bằng vàng, đá ngọc. Chiếc muôi múc canh làm từ ngọc trắng, vàng và san hô được khắc họa đẹp. Thậm chí, đôi đũa Vua dùng cũng là đá ngọc quý. Trong kho tàng di sản cung đình còn có nhiều chiếc ống nhổ được chạm trổ hình chim Phượng bằng vàng. Chiếc kính mà Vua đeo cũng làm từ vàng và ngọc trắng. Quanh thư phòng của Vua còn có các sản phẩm ngọc như nghiên mực, ống để bút, các pho tượng đá quý.

 

Ống nhổ chạm hình phượng bằng vàng trong cung đình Nguyễn /  Bộ cối giã trầu bằng vàng, đồng, pha lê. Sưu tập cung đình Nguyễn

Trước thời Nguyễn, trong kho tàng di sản của các triều đại khác không còn được lưu giữ nhiều trong các sưu tập của các Bảo tàng và tư nhân. Tuy vậy, chúng ta cũng được biết những đồ ngự dụng thông qua các cuộc khai quật ở Hoàng thành Thăng Long trong những năm gần đây. Đó là chiếc bát sứ được làm với kỹ thuật cao, thành mỏng và thấu quang (bát có thể nhìn xuyên thấu được). Người thợ thời Lê sơ đã trang trí hình rồng trong lòng bát. Mỗi lần soi ra ánh sáng, hình rồng lại hiện lên khá sinh động, lung linh. Chiếc bát gốm vẽ hoa lam thời Lê Trung Hưng cũng được khai quật trong Hoàng thành. Bên cạnh đó, các nhà khảo cổ còn tìm thấy những đồ ngự dụng thiết thực trong đời sống bấy giờ hơn như chiếc cối nghiền thảo dược để làm thuốc có hình thuyền hay chiếc loa bằng gốm trang trí hoa văn hình cánh sen.

 

 Đỉnh trầm bằng bạc và vàng. Thời Vua Khải Định, năm 1916 có hoa văn rồng, kỳ lân và chữ “Khải Định Nguyên Niên” / Chậu vàng cung đình Nguyễn

Đồ ngự dụng là những vật quý giá, chế tác riêng cho Vua và hoàng tộc, vì thế đã mang khá nhiều giá trị thẩm mỹ, được làm công phu bởi bàn tay tài khéo của thợ thủ công nước ta. Các nhà mỹ thuật có thể nhìn thấy ở đấy kho tàng vốn cổ nghệ thuật tạo hình. Các nhà sử học có thể biết được đời sống xã hội xưa kia qua các tập tục như ăn trầu, uống trà, cách truyền tin bằng loa gốm… Đó thực sự là di sản quý ngàn năm của dân tộc.

RELATED ARTICLES