Doanh nghiệp lữ hành cam kết nâng cao hình ảnh cho du khách Việt

09/04/2017

Tong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hanoi 2017, ngày 9/4, Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) tổ chức tọa đàm "Chiến dịch Nâng cao hình ảnh du khách Việt - 1 năm nhìn lại" nhằm tổng kết những kết quả đạt đượcvà đề ra giải pháp để chiến dịch được tiếp tục lan tỏa rộng rãi hơn trong thời gian tới.

Buổi tọa đàm có sự tham dự của các công ty lữ hành, du lịch và các đơn vị truyền thông báo chí. Hầu hết các ý kiến tại tọa đàm đều cho rằng, vấn đề giữ gìn và nâng cao hình ảnh du khách Việt là câu chuyện của toàn xã hội, tuy nhiên ngành du lịch cần đi tiên phong trong vấn đề này để lấy lại vị thế cho du khách Việt Nam. 

Tại cuộc tọa đàm, ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, năm 2016, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã phát động chiến dịch “Nâng cao hình ảnh du khách Việt” và đưa ra lời khuyên về 10 hành động đẹp trong ứng xử khi đi du lịch trong và ngoài nước. Chiến dịch này đã nhận được sự hưởng ứng của các đơn vị, doanh nghiệp du lịch và các bộ, ngành, địa phương cả nước.

 

 

Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: H. Quỳnh

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Bên cạnh đó, mới đây Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch. Đây chính là tín hiệu thể hiện sự quyết tâm của toàn ngành du lịch cũng như chính quyền các địa phương trong việc cải thiện, nâng cao hình ảnh của du lịch Việt Nam, hướng tới du lịch văn minh, thân thiện, hấp dẫn. 

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung khẳng định: "Nhiều ý kiến cho rằng bộ quy tắc phức tạp và dài nhưng chúng tôi quan điểm phải phủ rộng được tất cả các đối tượng. Mỗi đối tượng chỉ cần thực hiện tốt các quy định với mình để thực hiện cho tốt. Năm 2016 là năm nâng cao chất lượng lưu trú thì năm 2017 được xác định là năm lữ hành và chúng tôi sẽ triển khai quyết liệt chương trình này, tạo ra chuyển biến thực sự trong nâng cao văn minh du lịch".

"Không chỉ phát động trong giai đoạn ngắn mà chiến dịch cần phải được tiến hành lâu dài, thường xuyên, bền bỉ để nâng cao văn hóa ứng xử của người dân trong hội nhập quốc tế. Trong đó các doanh nghiệp phải đi đầu, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, phải ưu tiên các đối tượng trực tiếp tiếp xúc như hướng dẫn viên, quản lý điều hành. Các cơ quan quản lý nhà nước phải phát huy vai trò của mình, coi việc xây dựng văn minh du lịch là tiêu chí khen thưởng, kỷ luật doanh nghiệp". Ông Chung nhấn mạnh.

 

 

Các doanh nghiệp lữ hành cam kết với những hoạt động thiết thực để nâng cao hình ảnh cho du khách Việt. Ảnh: H.Quỳnh

Một số doanh nghiệp lữ hành đã tích cực hưởng ứng và cam kết sẽ vào cuộc với những hoạt động thiết thực để nâng cao hình ảnh cho du khách Việt. Ông Nguyễn Công Hoan - Phó Giám đốc công ty HanoiRedtours cho rằng bộ quy tắc cần được cụ thể hóa thành thông điệp truyền thông chung, nên biểu tượng hóa thành những ký hiệu mà tất cả các du khách ai cũng hiểu được về cách ăn mặc, ko xả rác, phải xếp hàng… Song song cần phải có cơ chế xử phạt và giám sát, đầu tiên là những người trong ngành du lịch. Hiệp hội du lịch hay CLB Nhà báo nên có diễn đàn để các doanh nghiệp phản ánh kịp thời. Các công ty lữ hành nên có cơ chế giám sát, phản ánh một cách tích cực, xây dựng.

Tại hội chợ VITM 2017, ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó Giám đốc công ty du lịch TransViet cho biết,: "Là đơn vị khởi xướng và tiên phong hành động chương trình “văn minh du lịch – nâng cao hình ảnh du khách Việt. Chúng tôi rất vui mừng khi thấy phong trào đã được hiệp hội du lịch Việt Nam và CLB báo chí du lịch nhân rộng và tuyên truyền tạo bước chuyển ban đầu tích cực tới du khách. Tuy nhiên, chúng ta cần làm kiên trì, thường xuyên và mạnh mẽ hơn nữa với sự tham gia vào cuộc của nhiều cơ quan đơn vị du lịch của xã hội và khách du lịch”.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES