Sau năm 54, khu vực Đồng Nai nói chung, và thành phố Biên Hòa nói riêng, tập trung đông những người theo đạo Công giáo. Dù chưa có thống kê chính thức về tổng số giáo dân nhưng những du khách khi đi ngang qua đây đều có thể cảm nhận rõ tinh thần Công giáo qua sự xuất hiện dày đặc của những công trình nhà thờ và nhà nguyện.
Là một người mê kiến trúc và lịch sử tôn giáo, và nhận lời mời của một người bạn, Thịnh đã dành đến Biên Hòa để tìm hiểu về một vài nhà thờ nổi bật tại đây.
Nhà thờ Giáo xứ Hòa Bình (Biên Hòa, Ðồng Nai)
Giáo xứ Hòa Bình được thành lập tháng 8-1955 tại Hố Nai, Biên Hoà. Ngôi nhà thờ đầu tiên được xây từ nhà kho cũ vách gỗ. Nhà thờ chính cũng đã được xây lại nhiều lần. Sau bốn lần xây dựng mà lần cuối vào năm 2006 đã tạo nên một bộ mặt khang trang rộng rãi. Điểm nổi bật và thu hút nhất của nhà thờ này là sự hòa quyện Á Âu.
Những mái vòm cong vút cùng với màu gạch đỏ, những biểu tượng của kiến trúc và văn hóa phương Đông, khiến chúng ta có cảm giác mình đang đứng trong không gian của một ngôi chùa hay ngôi đền nào đó. Văn hóa Á Đông còn được thể hiện rõ qua những chạm khắc và trang trí trong khuôn viên nhà thờ. Tuy nhiên, giữa không gian Á Đông đó, lại là nơi người Công Giáo thể hiện niềm tin và sự tin yêu tuyệt đối vào Thiên Chúa và Đức Mẹ.
Nhà thờ Hòa Bình đã trải qua nhiều lần trùng tu, lần cuối cùng vào năm 2006. Là nơi làm lễ của gần 8 ngàn giáo dân trong khu vực này.
Điểm nhấn quan trọng của công trình chính là một tháp chuông 9 tầng. Con số 9, theo quan niệm phương Đông, biểu trưng cho sự may mắn và đầy đủ. Thánh Giá ngự trị trên đỉnh tháp, đó cũng chính là điểm cao nhất của toàn bộ khu vực này. Còn sự giao thoa nào đẹp hơn nữa chứ!
Nhà thờ Giáo xứ Đông Vinh (Trảng Bom, Ðồng Nai)
Nhà thờ Đông Vinh được khánh thành vào tháng 5 năm 2018, sau 6 năm xây dựng. Tuy khuôn viên nhà thờ không được rộng rãi cho lắm, nhưng với thiết kế theo phong cách kiến trúc châu Âu cùng vật liệu xây dựng chính từ đá Magma, những đường nét trang trí mạnh mẽ, những ô cửa vòm cong cong,… khiến cho công trình mang dáng vẻ hoành tráng pha chút mộng mị.
Việc xây dựng bắt đầu từ năm 2012, nhà thờ đá Đông Vinh khánh thành sau 6 năm xây dựng, với chiều dài 55m và chiều rộng 24m. Để đến thăm nhà thờ, các bạn sẽ phải đi sâu vào các khu hẻm nhỏ, và cách tốt nhất để không bị lạc là hỏi người địa phương. Nhà thờ nằm sâu trong trong một khu dân cư, khu này có nhiều xưởng làm gỗ.
Về tác giả: Thịnh, một người viết về văn hóa địa lý, hiện đang sinh sống và làm việc tại Tp.HCM. Thịnh là người kể chuyện, thông qua những bài viết, hoặc bộ ảnh hay phóng sự. Những câu chuyện của tác giả là những chia sẻ rất riêng từ góc nhìn và cảm nhận cá nhân của anh trong những hành trình rong ruổi khắp nơi.