Trái ngược với sự phục hồi mạnh mẽ của du lịch trong nước, đồng yên của Nhật Bản xuống thấp kỷ lục trong nhiều tháng liên tiếp (so với đồng USD) đã khiến người dân Nhật Bản buộc phải cân nhắc cắt giảm nhu cầu đi du lịch nước ngoài trong mùa Hè này.
Đồng yên tiếp tục rớt giá, lần đầu tiên rơi xuống mức 161,96 yên đổi 1 USD kể từ tháng 12-1986. Giá trị đồng yên so với đồng euro cũng thấp nhất lịch sử, với 174,48 yen đổi 1 euro.
Với một quốc gia phụ thuộc nhiều vào thương mại như Nhật Bản, việc đồng nội tệ mất giá có thể mang lại nhiều lợi ích về thương mại và du lịch. Tuy nhiên do không thể tự chủ về tài nguyên, Nhật Bản vẫn có thể chịu tổn thất lớn từ sự biến động tỷ giá này.
Thống kê của hãng du lịch JTB cho thấy số lượng các tour du lịch nước ngoài trong kỳ nghỉ Hè năm 2024 dự kiến sẽ tăng 1% so với năm ngoái, lên mức 1,75 triệu lượt khách, nhưng chỉ tương đương với 60% so với trước đại dịch COVID-19.
Do đồng Yên mất giá, chi phí cho các hạng mục như vé máy bay, khách sạn, ăn uống,... khi đi du lịch nước ngoài trở nên đắt đỏ hơn so với trước đây. Điều này khiến nhiều người Nhật Bản e ngại và cân nhắc lại việc đi du lịch nước ngoài. Thay vì đi du lịch nước ngoài, nhiều người Nhật Bản lựa chọn du lịch trong nước do chi phí rẻ hơn và thuận tiện hơn.
Theo thông tin từ JTB, chi phí cho một chuyến du lịch nước ngoài trung bình của người Nhật Bản trong năm 2024 đã tăng 3% so với năm ngoái, lên đến 239.000 yen/người (khoảng 1.500 USD). Nguyên nhân chính cho sự gia tăng này bao gồm đồng Yên suy yếu, làm phát gia tăng ở nhiều quốc gia khiến cho giá cả dịch vụ du lịch như vé máy bay, khách sạn, ăn uống,... cũng tăng lên.
Những yếu tố này đã khiến cho nhu cầu du lịch nước ngoài của người Nhật Bản giảm sút. Theo dự báo của HIS, lượng khách du lịch Nhật Bản đi nước ngoài trong mùa Hè năm nay có thể chỉ đạt 60% so với mức trước đại dịch, thấp hơn nhiều so với dự báo ban đầu là 80%.
Đặc biệt, do giá tour tăng cao (gấp 1,5 lần so với 4 năm trước), lượng khách du lịch Nhật Bản đến các điểm đến phổ biến như Hawaii và Guam giảm mạnh, chỉ đạt 50% so với năm 2019.
Việc nhu cầu du lịch nước ngoài giảm sút ảnh hưởng tiêu cực đến ngành du lịch Nhật Bản, đặc biệt là các doanh nghiệp lữ hành và hàng không. Ngành du lịch đóng góp một phần không nhỏ vào GDP của Nhật Bản. Do đó, sự sụt giảm du lịch cũng có thể tác động tiêu cực đến nền kinh tế của đất nước này.
Với người Nhật, đồng yen mất giá có thể ảnh hưởng đến kinh tế gia đình. Nhưng với người nước ngoài, đây lại là cơ hội lớn để đến Nhật du lịch vì chi phí lữ hành đổi sang tiền nước họ giảm đáng kể.
Theo báo Japan Times, tổng du khách quốc tế đến Nhật hồi tháng 3 lần đầu tiên trong lịch sử vượt mốc 3 triệu, tăng đến 11,6% so với cùng kỳ năm 2019, tức trước dịch COVID-19. Chi tiêu trên đầu người trong ba tháng đầu năm cũng tăng đến 52% so với cùng kỳ năm 2019.
Tuy nhiên hiện giá tour du lịch vẫn chưa thể giảm vì một số dịch vụ như vé máy bay, xăng dầu, vận hành có sự tăng giá khiến giá các dịch vụ này lại bù qua cho các dịch vụ khác. Lúc này việc đổi sang tiền yên để mua sắm sẽ có lợi do hàng hóa tại Nhật đang rẻ hơn, các dịch vụ giá cao tại Nhật giờ cũng có giá tốt hơn.