Helene Sula, một du khách Mỹ đến thăm Đức, cho biết cô khó có thể quên được việc từng bị bồi bàn tỏ thái độ chế giễu vì gọi nước thay bia hay rượu vang như những thực khách khác.
Cô đã nhắc lại yêu cầu gọi nước của mình, nhưng người phục vụ từ chối. Cuối cùng, họ cũng mang nước ra, nhưng thay vì nước lọc miễn phí trong cốc thủy tinh đầy đá, họ mang cho cô một chai nước có ga một lít, kèm theo một ly nhỏ và hóa đơn 2 euro.
Vài năm sau, khi cô cùng chồng chuyển đến Đức, cô có cơ hội hiểu rõ hơn về văn hóa sử dụng nước máy ở châu Âu. Dù đi bộ đường dài, đi xe đạp hay đi dạo, vợ chồng cô luôn mang theo chai nước lớn hoặc cả camelbaks (ba lô đựng nước). Trong khi đó, bạn bè châu Âu của họ thường không uống nước mà chọn rượu vang thay thế, khiến Helene "không thể tin được".
Dù đã sống vài năm tại châu Âu, nhưng khi nhắc lại vấn đề này, Helene vẫn không khỏi bối rối. Cô cho biết: "Có lẽ người châu Âu không bị mất nước như chúng tôi".
Rob Murgatroyd, một người Mỹ sống ở Florence, cũng cảm thấy khác biệt lớn về việc tiêu thụ nước giữa Mỹ và Italy. Ở Mỹ, người ta có thói quen uống nước liên tục, "như thể đó là công việc chính", nhưng tại Italy, nhìn thấy ai đó cầm chai nước là điều hiếm hoi.
Nhiều du khách đến châu Âu than phiền về việc phải trả tiền mua nước lọc tại các nhà hàng và quán bar. "Nước lọc không miễn phí tại các nhà hàng", Helene nói. Nếu có miễn phí, thì đó cũng chỉ là "một chiếc cốc rất nhỏ". Tuy nhiên, nhiều người dân địa phương ở châu Âu lại bác bỏ nhận định này. Họ cho rằng nước lọc vẫn được miễn phí tại nhiều nhà hàng, và khách chỉ phải trả tiền nếu đó là nước đóng chai.
Để hiểu rõ hơn về văn hóa sử dụng nước máy ở châu Âu, CNN đã phỏng vấn Stavros A. Kavouras, giáo sư dinh dưỡng tại Đại học bang Arizona. Ông Kavouras, người quản lý Phòng thí nghiệm Hydrat hóa của trường, có nhiều nghiên cứu về hydrat hóa và sức khỏe con người.
Với nguồn gốc Hy Lạp và 20 năm sinh sống tại Mỹ, Kavouras có cái nhìn sâu sắc về châu Âu. Ông giải thích rằng việc sử dụng nước máy tại các quốc gia châu Âu có nhiều khác biệt văn hóa.
Ở Đức, khi yêu cầu nước, người ta thường được phục vụ nước có ga. "Đây là điều bình thường," Kavouras cho biết. Tại các nhà hàng, nước lọc ít khi được phục vụ vì người Đức thường từ chối nó. Kavouras cũng nói rằng, việc trả thêm vài euro cho một chai nước thủy tinh một lít trong bữa tối có thể làm người Mỹ bất ngờ, nhưng với nhiều người châu Âu, đó là chuyện thường ngày.
Về việc liệu người châu Âu có thường bị mất nước nhiều hơn người Mỹ hay không, Kavouras cho rằng có sự khác biệt trong chế độ ăn uống. Tại Mỹ, người dân được khuyến nghị uống 2,7 lít nước mỗi ngày đối với phụ nữ và 3,7 lít đối với nam giới, trong khi tại châu Âu, con số này là 2 và 2,5 lít tương ứng.
Khi giải thích về kích thước nhỏ của cốc đựng nước tại châu Âu, Kavouras nói rằng người Mỹ đã quen với khẩu phần lớn. Điều này không chỉ là khác biệt giữa Mỹ và châu Âu mà còn so với nhiều nơi khác trên thế giới. Tại Mỹ, các đồng nghiệp của ông thường mang theo những bình nước lớn đến nơi làm việc, điều mà ông thấy thú vị như thể chỗ làm không có nước vậy.
Tuy nhiên, Kavouras khuyên rằng mọi người nên duy trì đủ lượng nước cho cơ thể suốt cả ngày, dù ở văn phòng hay khi đi dạo quanh các thành phố châu Âu. "Nước là một phần rất quan trọng của chế độ ăn uống lành mạnh, đặc biệt là vào mùa hè".
Nếu du khách sắp đến châu Âu vào mùa hè này và lo lắng về việc thiếu nước, chuyên gia Kavouras khuyên không nên quá để ý đến các bài đăng trên mạng xã hội. Thay vào đó, du khách nên tìm hiểu kỹ về nơi mình sẽ đến. Nếu không muốn dùng nước đóng chai trong nhà hàng, du khách có thể mua sẵn tại các cửa hàng hoặc siêu thị với giá rẻ hơn.
Bên cạnh đó, du khách nên mang theo bình nước để lấy nước từ các vòi công cộng. Nhiều thành phố châu Âu có đài phun nước, nơi mọi người có thể dừng lại và uống nước. Các khách sạn, quán cà phê và nhà hàng cũng thường sẽ đổ đầy chai nếu bạn yêu cầu. Ông Kavouras cho biết, nước máy ở hầu hết các nước châu Âu đều an toàn để uống.
Trong khi đó, theo Ủy ban Châu Âu, một cơ quan điều hành của Liên minh Châu Âu, Cơ quan An toàn Thực phẩm Châu Âu (EFSA) đã chỉ ra rằng lượng nước uống vào ở các nước châu Âu thấp hơn so với mức khuyến nghị hoặc hướng dẫn.
Tại châu Âu, phần lớn các quốc gia tiêu thụ ít hơn 1.000 ml nước mỗi ngày, ngoại trừ Áo, Đức và Na Uy. Ủy ban Châu Âu cho biết tất cả các hướng dẫn về chế độ ăn uống quốc gia ở các nước châu Âu đều đưa ra khuyến nghị về lượng nước và chất lỏng nạp vào cơ thể, hầu hết khuyến nghị uống từ 1,5 đến 2 lít nước mỗi ngày.
Ở Mỹ, lượng nước uống trung bình cao hơn một chút, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), từ năm 2015 đến năm 2018, người lớn uống trung bình khoảng 1,3 lít. Hướng dẫn về lượng nước uống hàng ngày ở Mỹ cũng cao hơn so với châu Âu, nam giới ở Hoa Kỳ nên uống khoảng 3,7 lít nước mỗi ngày, trong khi phụ nữ nên uống khoảng 2,7 lít.