Một ngày làm du khách dạo quanh Hà Nội, bạn sẽ đi những đâu? Trong danh sách những địa điểm bạn kể, Travellive tin chắc có một điểm mà bạn không thể bỏ qua: Nhà thờ Lớn Hà Nội.
Chứng nhân lặng thầm qua ba thế kỷ
Tọa lạc tại trung tâm thủ đô, Nhà thờ Lớn như một điểm nhấn trong không gian đô thị và nằm trong quần thể di sản quanh Hồ Gươm. Mỗi năm, đặc biệt vào dịp Giáng sinh, Nhà thờ Lớn được trang hoàng rực rỡ và trở thành điểm đến, chốn hành hương của đông đảo tín đồ Công giáo cùng giới trẻ Hà thành. Ngay cả những người không theo đạo cũng tới để trải nghiệm không khí ấm áp và lắng nghe những bản thánh ca trong không gian rất Hà Nội.
Được xây dựng từ thời kỳ Pháp thuộc, Nhà thờ Lớn là một trong những công trình duy trì nét kiến trúc Pháp đặc trưng, hiếm hoi được bảo tồn từ thời điểm xây dựng cho đến ngày nay. Lịch sử ghi chú rằng nhà thờ này được xây trên cơ sở của chùa cổ Báo Thiên, một địa điểm lớn liên quan đến nhiều sự kiện trong lịch sử nhà Lý và nhà Lê. Trong thế kỷ XVII, chùa Báo Thiên gặp hỏa hoạn nặng, bị hủy hoại và trở nên hoang phế khi các nhà sư rời đi.
Năm 1884, Giám mục Puginier tiến hành thiết kế và khởi công xây dựng Nhà thờ Lớn, công trình được hoàn thành vào Giáng sinh năm 1887. Ban đầu, nhà thờ được xây bằng gỗ, nhưng sau đó trải qua quá trình trùng tu lớn, sử dụng gạch và bê tông, công trình này trở nên vững chắc như ngày nay.
Ban đầu có tên là "Nhà thờ chính toà Thánh Giuse" nhưng người dân thủ đô quen nơi đây với cái tên Nhà thờ Lớn Hà Nội. Trải qua thăng trầm lịch sử cùng nhiều biến chuyển của thời gian, công trình Nhà thờ Lớn đã lặng lẽ chứng kiến sự “thay da đổi thịt” của thủ đô suốt ba thế kỷ qua.
Kiến trúc Tây phương ấn tượng giữa lòng Hà Nội
Nhà thờ Lớn xứng danh là ngôi thánh đường sở hữu kiến trúc đẹp nhất thủ đô, được xây dựng theo phong cách kiến trúc Gothic cổ điển, lấy cảm hứng từ Nhà thờ Đức Bà Paris. Điểm nhấn của công trình này bao gồm các tháp, trục đối xứng, là kiến trúc quen thuộc thường thấy trong các công trình danh tiếng của châu Âu.
Công trình có chiều dài 64,5 m, chiều rộng 20,5 m và hai tháp chuông cao 31,5 m. Nhìn từ phía trước, du khách có thể thấy nhà thờ được chia thành ba phần: hai tháp chuông cao vút ở hai bên, giữa là khối thấp hơn, kết thúc bằng đỉnh tường hình tam giác với cây thánh giá làm điểm nhấn. Các cửa ra vào và cửa sổ chủ yếu sử dụng hình thức vòm cuốn nhọn Gothique điển hình. Phía trước nhà thờ có một quảng trường nhỏ với tượng Đức Mẹ, đây cũng là nơi du khách tụ tập vui chơi, chụp hình check-in.
Khách du lịch chỉ có thể vào tham quan nhà thờ bằng cổng bên. Nhìn từ bên ngoài, Nhà thờ Lớn có vẻ mang nét cổ kính, trầm mặc bởi lớp sơn bên ngoài đã được vẽ giả gỗ để tái hiện những dấu ấn thời gian. Ấy thế mà, khi bước vào bên trong, sự lộng lẫy và hoành tráng của công trình khiến không ít du khách phải thốt lên đầy bất ngờ.
Bên trong nhà thờ được chia thành ba phần: sảnh đón tiếp phía trên có gác đàn (nơi dành cho ca đoàn), nơi giáo dân hành lễ và cung thánh - nơi cử hành thánh lễ. Cung thánh và các ban thờ được trang trí bằng gỗ chạm trổ hoa văn, sơn son thếp vàng, mang đậm nét nghệ thuật dân gian độc đáo.
Tổng thể, công trình mang đậm phong cách kiến trúc Gothic châu Âu, nhưng cũng kết hợp với kiến trúc bản địa, thể hiện qua hệ thống mái ngói đất nung và trang trí nội thất phản ánh nét truyền thống của Việt Nam. Như vậy, Nhà thờ Lớn Hà Nội không chỉ là một biểu tượng của kiến trúc giao thoa Đông - Tây mà còn ẩn chứa sự hòa quyện văn hóa độc đáo.
Đừng quên thưởng thức dư vị đường phố quanh Nhà thờ Lớn
Không biết từ khi nào, trà chanh hay cốc cà phê thơm nồng đường phố đã trở thành một "đặc sản" nổi tiếng tại Nhà thờ Lớn. Đặc biệt, vào buổi chiều hoặc tối muộn, du khách có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh những nhóm bạn ngồi thư giãn, trò chuyện rôm rả khắp nơi. Chiều muộn, mặc cho dòng người hối hả tan tầm, ngồi bên góc phố Nhà Thờ bên ly trà chanh, nghe tiếng chuông ngân vang dai dẳng từng hồi chắc hẳn sẽ là một trải nghiệm khó quên.
Trà chanh ở Nhà thờ Lớn vẫn giữ vị chua chua đặc trưng, nhưng lại có sức hút khó cưỡng. Khi thưởng thức kèm theo cốc xoài dầm, nem chua rán hay đĩa hạt hướng dương, trải nghiệm thưởng thức trà chanh trở nên phong phú và thú vị hơn bao giờ hết.