Là nóc nhà Đông Dương nằm ở độ cao 3.143 m, đỉnh Fansipan thường bắt đầu trở lạnh sâu từ tháng 11 đến tháng 2 năm sau. Mùa Đông tới, nơi này thường xuất hiện những đợt rét kéo dài, thậm chí xuống dưới 0 độ C. Lúc đó, đỉnh Fansipan hùng vĩ thường ngày dần chuyển thành “nàng thơ” mơ màng hơn bao giờ hết bởi cảnh sắc thiên nhiên chìm trong băng giá và tuyết rơi trắng xóa.
Hiện tượng thiên nhiên kỳ thú băng tuyết phủ trắng đỉnh Fansipan trở thành địa điểm check-in lý tưởng của giới trẻ và là nguồn cảm hứng bất tận cho các nhiếp ảnh gia. Băng tuyết được xem là "đặc sản" tại đỉnh Fansipan, thu hút đông đảo du khách tới trải nghiệm vào mùa Đông hàng năm. Theo dự báo, trong năm nay, nơi này sẽ còn xuất hiện nhiều đợt băng giá khác, thậm chí có cả tuyết rơi, hứa hẹn trở thành điểm đến trải nghiệm mùa Đông hấp dẫn bậc nhất phía Bắc.
Băng tuyết phủ kín nóc nhà Đông Dương, flycam biến mất
Bất chấp nhiệt độ khắc nghiệt ngày Đông, nhiếp ảnh gia Trần Linh đã thực hiện hành trình săn băng giá đầy ắp những kỷ niệm thú vị: “Fansipan thuộc đỉnh núi cao nhất Việt Nam nên mình rất mong có một lần được trải nghiệm trọn vẹn mọi khoảnh khắc thiên nhiên trên đó, đặc biệt là khoảnh khắc ban đêm trên đỉnh núi cao dưới thời tiết rất lạnh kèm theo băng giá”.
Chuyến đi này đặc biệt để lại cho Trần Linh khá nhiều cung bậc cảm xúc. Một trong những kỷ niệm có lẽ anh nhớ nhất trong hành trình của mình là chiếc flycam đã không thể quay về với chủ.
“Điều kiện thời tiết trên đỉnh Fansipan hôm ấy rất khắc nghiệt, nhiệt độ lạnh buốt kèm gió khá lớn. Mình cất cánh lên chỉ để check tầm cao của mây, ấn return home để xuống đặt tay khiển xuống balo và lắp máy ảnh. Tới khi nhìn lại flycam đã cách xa mình 1 km và ở trong sương mù hoàn toàn mất phương hướng. Mình bật maps và điều khiển máy theo chỉ dẫn của maps nhưng công nghệ lại lỗi ngay lúc này. Pin bắt đầu báo còn 25%, mình cố hạ xuống để nhìn thấy gì đó định hình tới khi nhìn thấy cáp treo thì máy thì đã hoàn toàn mất kết nối và biến mất”, nam nhiếp ảnh gia chia sẻ.
Bức tranh Fansipan chìm trong băng giá khiến bất cứ ai cũng quyến luyến, ngỡ ngàng bởi vẻ đẹp lung linh như bước ra từ những câu chuyện cổ tích. Giữa khung cảnh sương mù mờ ảo, đỉnh Fansipan sừng sững đứng hiên ngang nơi núi rừng Hoàng Liên Sơn vừa hùng vĩ, tráng lệ vừa thơ mộng, trữ tình. Đặc biệt, khi tia nắng hiếm hoi xuyên qua biển mây trắng bồng bềnh làm cho băng giá nơi đây trở nên sáng lấp lánh như những viên kim cương.
Di chuyển từ Hà Nội đến Sa Pa, sau đó đi cáp treo lên đỉnh Fansipan, nam nhiếp ảnh gia có mặt tại đây lúc 15 giờ, vừa kịp chiêm ngưỡng trọn vẹn khung cảnh hoàng hôn của nóc nhà Đông Dương. Tối đó, anh nghỉ ngơi tại đây để có thể “săn” khoảnh khắc băng giá vào ban đêm và sáng sớm ngày hôm sau.
“Khi đang ngồi ăn tối lúc 20 giờ, nhìn thấy kính ngoài cửa sổ đóng băng hết, mình đã vội bỏ dở bữa tối để lên ngay đỉnh Fansipan chụp lại cảnh băng giá vào ban đêm dưới ánh trăng sáng”, nhiếp ảnh gia Trần Linh tâm sự.
Thức dậy vào lúc sáng sớm tinh mơ, Trần Linh di chuyển lên đỉnh Fansipan săn băng giá trên đỉnh vì nhiệt độ lúc này rất thấp. Trò chuyện với Travellive, nhiếp ảnh gia cho hay: “Vào bình minh, ánh sáng mặt trời chiếu rọi những cảnh quan xung quanh như các cây đỗ quyên cổ, tượng Phật A Di Đà, tượng Phật Quan Âm… Ánh sáng tự nhiên sẽ làm nổi màu trắng của băng giá giúp miêu tả trọn vẹn khung cảnh của đỉnh Fansipan”.
Bỏ túi bí kíp săn băng tuyết thành công
Theo Trần Linh, đỉnh Fansipan trên cao nên không khí khá loãng khiến việc hô hấp khó hơn và rất nhanh mệt khi phải vận động. Hơn hết, đường đi do phủ một lớp băng giá nên rất trơn trượt, di chuyển khó khăn, cần đi chậm và chắc chắn trong từng bước đi.
Để săn băng tuyết thành công, nhiếp ảnh gia nhắn nhủ du khách nên theo dõi dự báo thời tiết và thường xuyên cập nhật tình hình thực tế từ người dân bản địa. Bên cạnh đó, anh khuyên du khách nên chuẩn bị kỹ về trang phục sao cho đủ ấm, trang bị đầy đủ găng tay, mũ len. Bạn cũng nên mang theo đồ uống giúp làm ấm cơ thể mỗi khi ra ngoài trời.