Ecuador: Đốt bù nhìn
Vào đêm giao thừa, các gia đình tại Ecuador tập trung ngoài trời để cùng nhau thực hiện nghi lễ châm lửa đốt "bù nhìn rơm". Dù việc đốt một con bù nhìn có thể gây sợ hãi và lo lắng đối với nhiều người, nhưng tại Ecuador, hành động này được coi là cách loại bỏ những vận xấu trong suốt 12 tháng vừa qua, hy vọng mang lại vận may, niềm vui trong năm mới. Mỗi gia đình tự làm bù nhìn từ giấy báo, gỗ vụn, sau đó đốt cháy nó ở ngoài nhà mình.
Estonia: Ăn 7 bữa một ngày
Theo truyền thống ở Estonia, người dân thường cố gắng ăn bảy bữa trong ngày đầu năm mới. Họ tin rằng điều này sẽ đảm bảo sự no đủ trong năm mới. Nếu một người đàn ông ăn bảy bữa trong ngày đầu năm, anh ta sẽ có sức khỏe bằng bảy người đàn ông khác trong năm mới.
Hiện nay, bữa tiệc mừng năm mới có khác đi một chút, đặc biệt là ở thủ đô Tallinn, nơi mỗi gia đình thường sắp xếp đầy ắp rượu và nhiều loại thức ăn trong những bữa tiệc của họ.
Ireland: Đặt nhánh tầm gửi dưới gối
Nếu bạn đang muốn đường tình duyên của mình khởi sắc trong năm mới, có thể học hỏi cách người Ireland đặt nhánh tầm gửi dưới gối trước khi đi ngủ đêm giao thừa để cầu mong cho chuyện tình cảm tốt đẹp hơn. Tại Ireland, những người độc thân thường đặt nhành cây tầm gửi, cây nhựa ruồi, hoặc cây thường xuân dưới gối và ước mong sẽ sớm gặp được bạn đời của mình.
Chile: Mừng năm mới ở nghĩa trang
Người Chile có truyền thống đặc biệt khi đón năm mới cùng toàn bộ gia đình, tổ tiên tại nghĩa trang. Thực chất, truyền thống này không phải để cầu may mắn, mà là dịp để gia đình tụ tập và nhớ về những người đã khuất. Truyền thống mới bắt đầu cách đây 15 năm khi một gia đình ở thị trấn Talca nhỏ đã băng qua hàng rào của nghĩa trang để ăn mừng năm mới gần mộ của người cha đã qua đời.
Hiện nay, hơn 5000 người mỗi năm đến thăm các nghĩa trang, thắp nến, nghe nhạc cổ điển cùng những người thân mà họ tin rằng đang chờ đợi họ đến để cùng chia vui ngày đầu năm mới.
Nhật Bản: Rung chuông 108 lần
Ở Nhật Bản, năm mới được gọi là Oshogatsu, là dịp để tổ chức các lễ hội phô trương và tất cả các doanh nghiệp thường nghỉ lễ. Người Nhật thường trang trí cửa chính của ngôi nhà bằng những nhành lá thông hoặc tre cùng với các sợi dây. Họ tin rằng cách trang trí này mang lại sức khỏe, cuộc sống cao niên và xua đuổi linh hồn quỷ dữ. Dây thừng thường được coi là biểu tượng của hạnh phúc và may mắn. Trẻ em thường nhận otoshidamas - tiền mừng tuổi trong ngày đầu tiên của năm mới.
Người Nhật thường gửi thiệp chúc mừng năm mới cho bạn bè và tổ chức các buổi tiệc tất niên để tiễn đưa năm cũ, chào đón năm mới. Vào ngày 31 tháng 12, chuông đền thường được rung 108 lần để loại bỏ 108 điều không may.
Đan Mạch: Đập bể đĩa
Ở Đan Mạch, một truyền thống thú vị là nhảy lên khỏi ghế khi đồng hồ điểm nửa đêm, đánh dấu việc chuyển sang năm mới. Ngoài ra, cũng tại Đan Mạch, vào đêm giao thừa, người dân thường thực hiện truyền thống ném những chiếc đĩa cũ của mình trước cửa nhà của những người mà họ muốn có nhiều may mắn trong năm mới. Do đó, nếu bạn thức dậy vào ngày đầu năm mới và thấy một đống đĩa sành sứ vụt trước cửa nhà, đừng ngạc nhiên - đó thực sự là một điềm tốt. Mọi người ở Đan Mạch thậm chí tự hào về số lượng đĩa bát bị vỡ trước cửa nhà của họ vào cuối đêm giao thừa.