"Chuyện của Đó" - nghệ sĩ, âm nhạc và nghệ thuật độc bản

03/01/2024

Tại căn lab khiêm tốn nằm trong khu nhà xưởng Hồng Hà cuối ngõ 109 Trường Chinh, minishow “Chuyện của Đó” kết hợp với nhóm nghệ sĩ Đàn Đó cùng nghệ sĩ Cello người Mỹ - Bryan Charles Wilson diễn ra cuối tháng 11 vừa qua, mang hơi thở văn hóa dân gian đương đại vào đời sống theo cách mộc mạc mà choáng ngợp đến diệu kỳ.

“Đàn Đó” - chung chí hướng trên con đường thực hành nghệ thuật từ chất liệu bản địa

Thời điểm năm 2012, nhóm nghệ sĩ Nguyễn Đức Minh, Đinh Anh Tuấn, Nguyễn Quang Sự, Trần Kim Ngọc trở về nước sau bốn năm làm việc và lưu diễn cùng nhau ở châu Âu trong khuôn khổ chương trình xiếc đương đại nổi tiếng “Làng tôi”. Đó cũng là dấu mốc ghi lại thời điểm nhóm được thành lập để “kéo dài niềm hạnh phúc” sáng tạo và thực hành nghệ thuật.

Tại một xưởng làm việc ở Gia Lâm, Hà Nội, nhóm bắt đầu tìm tòi, nghiên cứu và phát triển các nhạc cụ mới, chủ yếu làm từ tre - chất liệu quen thuộc từ bao đời nay, gắn liền với văn hóa, đời sống và hồn cốt người Việt. Trong giai đoạn này, Đàn Đó đón nhận thêm thành viên mới - nghệ sĩ thị giác Nguyễn Đức Phương, người ghi lại công việc của các nghệ sĩ qua tranh vẽ, từ đó tìm ra bước ngoặt của thực hành nghệ thuật khi bắt đầu chế trộn đất dùng làm bột màu, tìm tòi và thử các kỹ thuật về đường nét, sắc độ, bề mặt...

Nhóm nghệ sĩ Đàn Đó.

Nhóm nghệ sĩ Đàn Đó.

Chất liệu mộc mạc và âm thanh thuần khiết như thiên nhiên dội về

“Đàn Đó” còn là tên nhạc cụ đặc biệt làm từ thân cây tre - đứa con đầu lòng của nhóm nghệ sĩ. “Qua cây tre, chúng tôi được tiếp cận với văn hóa các vùng miền khác nhau. Đó chính là cảm hứng vô tận để chúng tôi theo đuổi triết lý về cây tre, về các màu sắc phong phú và giàu có trong nền tảng văn hóa bản địa Việt Nam”, anh Nguyễn Đức Minh, một trong những thành viên sáng tạo nên Đàn Đó, chia sẻ về cảm hứng xây dựng nên bộ nhạc cụ của nhóm.

“Đó” - cái tên được đặt cho nhạc cụ đặc biệt này vì vừa mang hình dáng tương tự ngư cụ truyền thống của Việt Nam - cái đó; vừa chỉ âm thanh “đó” - âm thanh nguyên thủy của thuở sơ khai, như thiên nhiên dội về, âm thanh “không ai nhớ mặt đặt tên”, nhưng khi nghe thấy chúng, người nghe lại ồ lên vì thấy sao... quen thuộc quá, “hóa ra mình từng nghe thấy rồi, hóa ra là âm thanh đó".

Hành trình nghệ thuật kì thú bắt đầu từ chiếc Đàn Đó

Hành trình nghệ thuật kì thú bắt đầu từ chiếc Đàn Đó

Để cho ra được những âm thanh trong trẻo, thuần khiết “đó” là tâm huyết nhóm nghệ sĩ đặt vào từng chi tiết đàn, cũng là câu chuyện thú vị và gian nan về quá trình hình thành mỗi loại nhạc cụ từ hai chất liệu nền tảng là tre và đất, tạo ra cả dàn nhạc với đầy đủ các dải âm.

“Đó” là việc các nghệ sĩ rong ruổi khắp các vùng từ Bắc chí Nam, chọn bụi tre hoang dã, thân tre già ít nhất 15 - 20 tuổi, đốt tre thứ tư từ dưới gốc lên, chờ nửa năm cho tre khô tự nhiên... để làm nên “Đàn Đó”; tới việc ghép hai thứ nguyên liệu tưởng không liên quan là một chiếc chum lớn và mảnh săm xe máy thành hình chiếc “Trống Chum” - nhạc cụ có âm trầm hiếm hoi thuộc bộ gõ được sáng tạo bởi người Việt; hay chiếc “Trống Lãng” có một không hai, được người nghệ sĩ đặt làm theo thiết kế riêng ở làng gốm trứ danh Phù Lãng, rồi lấy luôn chữ “Lãng” làm tên. Ngoài ra có thể kể ra: đàn niêu, con tè, trống lăn, trống thanh, chiêng đó, sáo thiu… và mới đây là sáo nước.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Những âm thanh “đó” được tạo ra từ bộ nhạc cụ đặc biệt.

Những âm thanh “đó” được tạo ra từ bộ nhạc cụ đặc biệt.

Mỗi nhạc cụ lại mang trong mình một câu chuyện riêng, đồng thời tạo nên những âm thanh, cảm hứng sáng tác riêng của nhóm nghệ sĩ. “Là đó” là câu chuyện về hành trình phát triển của nhóm, từ một cây tre nên chiếc đàn đó, từ những thanh âm nhẹ nhàng, trong sáng đến hùng hồn, vang dội và người nghe còn có thể nhận thấy một chút dí dỏm, duyên dáng đâu đây.

“Día à” nói về tình yêu đơn phương, mộc mạc của cô gái dân tộc tên “Día” dành cho anh Minh “đàn môi”, với âm thanh cứ như vút lên từ đáy vực, theo triền núi mà vươn tới trời cao rồi lại thảng thốt chao mình tan vỡ.

“Đó đây” là cuộc dạo chơi của các giác quan, là khi ngồi trong quán bar vùng xuôi uống một chén rượu ngô, hay khi uống một ly whiskey tít trên núi cao, là sự hòa trộn của hiện đại - truyền thống, miền ngược - miền xuôi và khi đã ngà ngà “say” thì không còn miền nào cả. Tất cả làm nên một dàn hợp âm vừa trong sáng, hấp dẫn như thiên nhiên, cuộc sống, lại thật và tình như tâm hồn của người nghệ sĩ.

Nghệ sĩ Đàn Đó kể chuyện qua âm thanh.

Nghệ sĩ Đàn Đó kể chuyện qua âm thanh.

Trong không gian ấm cúng của Đàn Đó lab, những bức tranh của họa sĩ Nguyễn Đức Phương mang đến nét độc đáo trọn vẹn cho hành trình trải nghiệm nghệ thuật đa giác quan cho minishow “Chuyện của Đó”. Trên nền tranh màu đất đỏ và cả các mảnh gốm vỡ, những nhân vật có tạo hình giản đơn, mộc mạc nhưng ấn tượng như chính âm thanh đang được nhóm nghệ sĩ tái hiện tại nơi này. Những bức tranh tái hiện sinh động cảnh các nghệ sĩ sinh hoạt thường ngày, khi sáng tác, lúc nghỉ ngơi... đặc biệt toát lên một niềm vui chân thành và trần trụi như con người giữa thiên nhiên hùng vĩ, của người nghệ sĩ trước âm thanh nguyên thủy.

12 năm - một vòng tuần hoàn cũ khép lại, một vòng tuần hoàn mới mở ra

Hành trình 12 năm trôi qua, nhóm Đàn Đó tham gia vào các dự án âm nhạc lớn hơn như SEA sound dàn nhạc bản địa Đông Nam Á, tạo nên “Chém gió concert”, “Lời của tre”, “Đàn Đó”, “Xuyên Không”... Đây cũng là hành trình các nghệ sĩ trải qua những bồng bột thanh xuân, bước sang tuổi trung niên thêm nhiều phần điềm đạm, nhưng sự nhiệt huyết và cần mẫn, sức sáng tạo không ngừng nghỉ, để tạo ra một dàn nhạc độc nhất vô nhị, mang đậm dấu ấn của nhóm thì vẫn vẹn nguyên như thuở đầu.

Đến nay, sau 12 năm, họ đang tạo ra một bước ngoặt đáng nhớ khác, khi tiếp tục triết lý thực hành nghệ thuật của riêng mình, nhưng dưới một diện mạo và sứ mệnh mới: mang âm thanh của Đàn Đó vang xa hơn, ra ngoài biên giới, với tinh thần âm nhạc đương đại.

Không chỉ dừng ở thử nghiệm với các nhạc cụ truyền thống như đàn môi, kèn lá, đàn tính, sáo... nhóm nghệ sĩ đã có những thử nghiệm và thực hành đột phá, tưởng như tương khắc - đó là kết hợp với âm nhạc và những người bạn - nghệ sĩ phương Tây: Beatbox, guitar bass, nhóm nghệ sĩ đương đại Limebócx, nghệ sĩ Jazz Quyền Thiện Đắc và gần đây nhất, ngay trước thềm Giáng sinh, nhóm Đàn Đó đã có sự kết hợp với Bryan Charles Wilson - một nghệ sĩ Cello người Mỹ với khao khát tìm tòi, sáng tạo để đưa màu sắc âm nhạc dân gian Việt vào các tác phẩm của mình. Sự kết hợp này mang lại một tinh thần khác biệt cho ngôn ngữ biểu diễn của cây đàn Cello - một nhạc cụ cổ điển phương Tây, và Bryan mong muốn sẽ chia sẻ sự kết hợp thú vị này với những thính giả quốc tế.

Bryan Charles Wilson - một nghệ sĩ Cello người Mỹ yêu âm nhạc dân gian Việt

Bryan Charles Wilson - một nghệ sĩ Cello người Mỹ yêu âm nhạc dân gian Việt

Với tư duy nghệ thuật độc đáo, tình yêu sâu sắc với văn hóa dân tộc và văn hóa bản địa; từ hành trình tìm kiếm và tạo ra bản hòa âm của những âm thanh đẹp, hồn nhiên và thuần khiết nhất, đồng thời sáng tạo thêm giá trị mới cho kho tàng nhạc cụ Việt; nhóm Đàn Đó giờ đây đang dấn thân vào một chặng đường mới - đưa âm nhạc của mình vươn xa và hòa cùng dòng chảy thế giới. Tin rằng những âm thanh độc bản mà quen thuộc “đó”, cùng phong cách sáng tác và kỹ năng biểu diễn ấn tượng của họ chắc chắn được cộng đồng yêu nghệ thuật nói riêng, công chúng nói chung đón nhận nhiệt thành.

Chương trình hoà nhạc “Xuyên Không”, cuộc gặp gỡ thú vị của hai nền tảng ngôn ngữ âm nhạc - nhạc Jazz phương Tây và nhạc bản địa Việt Nam, kể về mối lương duyên giữa nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc và nhóm Đàn Đó sẽ diễn ra tối 19h - 21h30 ngày 20 - 21/01/2024 tại địa chỉ Đàn Đó lab, khu nhà xưởng Hồng Hà cuối ngõ 109 Trường Chinh - Thanh Xuân - Hà Nội.

Hán Thu Thảo
RELATED ARTICLES