Chị Hằng Trần (28 tuổi, Hà Nội) hiện đang làm trong ngành truyền thông. Năm nay, chị đã tham dự 6 chương trình du lịch kết hợp âm nhạc. Chương trình gần nhất chị tham gia là đêm nhạc của ca sĩ Ưng Hoàng Phúc tại sân khấu “Đêm nhạc trên thông”, thành phố Hạ Long. Đây cũng là lần đầu tiên trong 20 năm sự nghiệp, nam ca sĩ biểu diễn tại thành phố biển xinh đẹp.
“Nếu như ngày trước, mình chưa bao giờ nghĩ tới việc sẽ chi tiền để đi xem chương trình ca nhạc khác nơi ở. Bởi vì chi phí bỏ ra sẽ bị đội lên rất nhiều, nhưng bây giờ mình lại nghĩ khác. Có những chương trình mình đi tham dự rồi vạch kế hoạch du lịch thêm để tối ưu chi phí. Cảm xúc của những chương trình ca nhạc kết hợp du lịch này đem lại cho mình là rất đáng giá khi vừa được tận hưởng thiên nhiên và trực tiếp nghe, giao lưu cùng ca sĩ”, Hằng kể về sở thích mới của mình.
Ca nhạc trong du lịch từng như miếng bánh quy trong buổi trà chiều, giúp trải nghiệm du khách thêm đặc sắc, trọn vẹn. Nay, âm nhạc đang dần trở thành mũi nhọn, một phần trong du lịch văn hóa, giúp thu hút nhiều người sẵn sàng khám phá những vùng đất mới để gặp thần tượng của mình. Bên cạnh những chương trình nghệ thuật chuyên nghiệp, các bất cập vẫn luôn tồn tại gây khó khăn cho khán giả.
Chị Diện (Hà Nội) là doanh nhân bận rộn với công việc quản lý cơ sở kinh doanh chăm sóc sắc đẹp. Chị chia sẻ thêm: “Khi đi du lịch, tôi sẽ thường quan tâm đến yếu tố trải nghiệm độc đáo tại điểm đến. Trước thì khu nghỉ dưỡng thường chỉ có nhạc nước, nhạc nhẹ không đủ hấp dẫn nhưng giờ đã có rất nhiều chương trình nghệ thuật thực sự chất lượng. Như chương trình “Ký ức Hội An”, chương trình của nhạc sĩ Đức Trí tại bản Cù Lần, Đà Lạt, các chương trình ở Yên Bái... Nhiều chương trình chuyên nghiệp dành riêng cho nhóm khách hàng có thu nhập, sẵn sàng chi trả để đi trải nghiệm”.
Gần đây, chị Diện quan tâm đến chương trình nghệ thuật kết hợp giữa nam ca sĩ Hà Anh Tuấn và nghệ sĩ Kitaro đến từ Nhật Bản, sẽ được tổ chức tại khu di tích cố đô Hoa Lư, Ninh Bình. Nhưng vì tình trạng vé nhỏ giọt, kham hiếm, các kênh phân phối chưa chuyên nghiệp, lo sợ mua vé giả cũng làm chị mất đi nhiều sự hứng khởi.
Nhiều khán giả khi mua vé đặt trước, dù thanh toán nhưng vẫn không nhận được vé từ ban tổ chức chương trình. Đơn vị tổ chức Việt Vision, cùng nền tảng Storii đã có những thông báo đến độc giả để khắc phục tình trạng này. Ngày 26 tháng 12, chương trình đã chính thức bán vé qua nền tảng Ticketbox và nhanh chóng hết vé chỉ sau bốn tiếng.
Chị Diện cũng cho biết thêm về khó khăn của mình: “Ban tổ chức nhiều chương trình thường chỉ phân phối thời gian ngắn, với số lượng vé hạn chế. Bên cạnh đó, các đơn vị trung gian sẽ phe vé, kèm các gói nghỉ dưỡng mà họ tự ghép vào để tăng giá. Đây là phương cách làm ăn của họ thôi, nhưng cũng gây không ít khó khăn đến khán giả”.
Giá vé các chương trình ca nhạc hiện nay tương đối nhiều phân khúc. Các vé thường thấp nhất 250.000đ, đến cao nhất khoảng 5.000.000đ. Từ đó, tình trạng phe vé, vé giả, bán nhỏ giọt, bắt mua theo gói... cũng xuất hiện nhằm kiếm lời bất chính.
Anh Võ Hoàng Việt, đại diện Mây Lang Thang, đơn vị tiên phong tổ chức các hoạt động du lịch kết hợp âm nhạc, cũng có những chia sẻ về vấn đề này: "Cuối năm nay, Mây Lang Thang cũng sẽ tổ chức hai chương trình tại Đà Lạt cho khoảng 1.000 khách và một chương trình cho 500 khách ở Đà Nẵng. Để tránh tình trạng bán vé giả hay phe vé, đơn vị tổ chức cần phối hợp lâu dài, chặt chẽ với các đơn vị cung cấp tour, để khách hàng có thể dễ dàng mua vé xem thần thượng kết hợp lưu trú và thăm quan. Đồng thời, các thông tin cũng chia sẻ rõ ràng trên website, fanpage chính thức".
Theo tổ chức tài chính Future Market Insights, thị trường du lịch âm nhạc năm 2022 có giá trị 5,5 tỷ đô la Mỹ trên toàn cầu và được dự báo sẽ đạt giá trị 11,3 tỷ đô la Mỹ vào năm 2032. Một phân khúc béo bở mà không nhà cung cấp dịch vụ du lịch nào muốn bỏ lỡ.
"Mình thấy cái khó nhất khi làm mô hình dịch vụ kết hợp âm nhạc là tạo ra thói quen cho du khách, để họ sẵn sàng chi trả cho sản phẩm. Đà Lạt định hướng năm sau sẽ là thành phố âm nhạc. Du khách không chỉ đến vì cảnh thiên nhiên đẹp, khí hậu ôn hòa mà còn đến vì các sản phẩm du lịch âm nhạc chất lượng, văn minh, đậm chất văn hóa", đại diện Mây Lang Thang chia sẻ thêm.
Theo thống kê, Việt Nam chỉ đón 3.661 nghìn (3,6 triệu) lượt khách quốc tế. Du lịch văn hóa và trong đó có cả âm nhạc kỳ vọng là mũi nhọn tiếp theo để chúng ta có thể vượt qua Thái Lan hay Malaysia, những nước đã sớm đạt được mốc 10 triệu lượt du khách. Trong tương lai, với các sản phẩm chất lượng, du khách hoàn toàn có thể chọn Việt Nam là điểm đến nghe nhạc, ngắm cảnh và trải nghiệm văn hóa.
Nghệ sĩ piano Phó An My sau ba năm vắng bóng, đã trở cùng chương trình “Cảm hứng Chiềng Đi” và mới đây nhất là chương trình “Lên núi nghe mây” tại Chiềng Đi, Vân Hồ, Sơn La. Các chương trình mang đậm dấu ấn của văn hóa núi rừng Tây Bắc, văn hóa người Mông, kết hợp cùng nhạc cổ điển, đã tạo nhiều thích thú cho khán giả.
“Khoảng ba năm trước, tôi có dịp ghé Chiềng Đi, thấy một vạt nắng làm cảnh sắc trở nên tuyệt đẹp, khí hậu thì ôn đới, dễ chịu nên quyết định dừng chân tại đây. Lúc đầu mong muốn sẽ tạo không gian để các nghệ sĩ lên làm việc, triển lãm, làm trại sáng tác. Sau đó, mong gìn giữ các bản sắc Tây Bắc, tránh việc bị đô thị hóa. Tôi cũng phải vận động người dân bản địa để họ mặc trang phục truyền thống, giữ lại các nếp nhà truyền thống và hỗ trợ đưa du khách lên các phiên chợ nơi đây để bán sản vật, tăng thêm thu nhập. Hi vọng du khách sẽ quay lại đây vì những bản sắc đặc biệt của nơi này”, nữ nghệ sĩ chia sẻ về hành trình phát triển khu du lịch văn hóa của mình.
Hiện nay, mỗi chương trình, nữ nghệ sĩ vẫn giữ ở quy mô nhỏ khoảng 100 người. Khán giả không chỉ thưởng thức đêm nhạc mà còn tham gia hoạt động chợ phiên, sống ở homestay người bản địa, thưởng thức món ăn Tây Bắc và trải nghiệm trekking núi đồi xung quanh Chiềng Đi. Đa số khách hàng đều rất hài lòng về dịch vụ mới lạ này.
Anh Vũ Ngọc Anh, hay còn biết đến với cái nghệ danh DJ Tobias, đã tham dự nhiều nhạc hội trên thế giới như 808 Music Festival, Tomorrowland, Djakarta Warehouse Project. Cuối năm nay, anh cũng đến trải nghiệm Ravolution Music Festival tại Thành phố Hồ Chí Minh.
“Ravolution ở Việt Nam thì tôi thấy hoàn toàn đủ tiêu chuẩn so với quốc tế. Nhưng có một điểm trừ nhỏ là chưa có đủ rộng và tiện nghi cho người khuyết tật. Còn lại nhìn chung khá là giống các lễ hội âm nhạc quốc tế tôi đã từng tham gia. Nếu chúng ta có thêm nhiều không gian rộng hơn, mang tính nhạc hội ngoài trời, thì trong tương lai hoàn toàn có thể hy vọng tổ chức được Tomorrowland”, nam DJ chia sẻ.
Để không bị bỏ lại trong cuộc đua dịch vụ du lịch, các tổ chức tại Việt Nam còn rất nhiều việc cần làm. Nhưng chúng ta hoàn toàn có quyền hy vọng vào tương lai, Việt Nam sẽ trở thành điểm đến của những người thích âm nhạc. Bởi vì lần này, người làm du lịch không còn đơn độc, mà đã có các nghệ sĩ cùng chung tay.