Du lịch 30/4: Hoài niệm với 9 điểm đến lịch sử

28/04/2020

Là một đất nước nổi tiếng với bề dày lịch sử, các di tích của Việt Nam luôn thu hút du khách cả trong và ngoài nước đến tìm hiểu. Nhân dịp ngày Thống nhất Đất nước 30/4, hãy cùng Travellive điểm lại 9 điểm đến mang nhiều ý nghĩa lịch sử của dân tộc.

DINH ĐỘC LẬP (TP.HCM)

Dinh Độc Lập từng là nơi ở và làm việc của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa. Dinh có nhiều tên gọi khác nhau qua các thời kỳ như: dinh Norodom (1889-1954), dinh Thủ tướng (1954-1956), dinh Độc lập (1956-1976) và ngày nay là Hội trường Thống Nhất. Dinh Độc Lập không chỉ là một công trình kiến trúc độc đáo mà còn gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của nước nhà, đã được Chính phủ xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt.

Empty

Được xây dựng bởi người Pháp, Dinh Độc Lập từng được coi là một công thự đẹp nhất ở Á Ðông. Mặt tiền rộng 80 m, phòng khách có thể chứa đến 800 người, xung quanh là khu vườn rộng lớn trồng đủ loại cây cỏ. Trước mặt Dinh, dưới chân cột cờ đặt một khẩu thần công kiểu cổ càng làm tăng thêm vẻ đẹp oai nghiêm cho công thự.

Empty
Empty
Empty

Kể từ khi hoàn thành xây dựng (1873), Dinh luôn được chính quyền Sài Gòn chọn là nơi đặt các cơ quan đầu não, là nơi chứng kiến sự can thiệp quân sự của nước ngoài gây chiến tranh tàn khốc ở Việt Nam. Mãi cho đến 10h45 ngày 30/4/1975, những đoàn xe tăng của quân giải phóng đã húc tung cổng, tiến thẳng vào Dinh và mở đường cho sự kiện Bắc - Nam thống nhất. Với những ý nghĩa lịch sử trọng đại, năm 1976, Dinh đã được nhà nước đặc cách công nhận là Di tích lịch sử văn hóa Dinh Ðộc Lập.

Empty

Ngày nay, Dinh Độc Lập là nơi hội họp của Chính phủ, nơi tiếp đón các nguyên thủ quốc gia, và là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia được đông đảo du khách trong nước và ngoài nước đến tham quan.

Di tích địa đạo Củ Chi (TP.HCM)

Địa đạo Củ Chi là một di tích lịch sử cách mạng nổi tiếng, thuộc xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, cách TP.HCM 70 km về phía tây bắc. Địa đạo được xây dựng từ năm 1940 trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và là nơi trú ẩn của quân Việt Minh trong chiến tranh. Hiện nay, địa đạo Củ Chi là một trong các địa điểm du lịch tại TP.HCM được người dân thành phố và du khách gần xa thường xuyên ghé thăm.

Empty

Hệ thống địa đạo phân làm 3 tầng khác nhau, từ đường xương sống tỏa ra nhánh dài, nhánh ngắn ăn thông với nhau kéo dài hơn 200 km. Tầng 1 cách mặt đất 3 m, có thể chống được đạn pháo và sức nặng của xe bọc thép, xe tăng. Tầng 2 cách mặt đất 5 m, có thể chống được bom cỡ nhỏ. Tầng 3 khá an toàn và cách xa mặt đất từ 8-10 m, các loại bom lớn cũng không thể với tới.

Empty
Empty

Trên mặt đất và bên trong địa đạo còn có rất nhiều ụ chiến đấu, bãi mìn, hố đinh, hầm chông… được bố trí thành các cụm liên hoàn, tạo ra trận địa vững chắc trong thế trận chiến tranh du kích. Kênh truyền hình National Geographic đã bầu chọn địa đạo Củ Chi là "một trong những đường hầm vĩ đại nhất trên thế giới do con người tạo ra".

KHU DI TÍCH LỊCH SỬ CÔN ĐẢO (CÔN ĐẢO, VŨNG TÀU)

Trong lịch sử, chính quyền thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã cho xây dựng 127 phòng giam, 42 xà lim và 504 phòng giam biệt lập (“chuồng cọp”) tại khu vực Côn Đảo. Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất (1975), chức năng của hệ thống nhà tù ở Côn Đảo bị giải thể. Năm 1979, Khu di tích lịch sử Côn Đảo đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích quốc gia.

Empty

Khu di tích lịch sử Côn Đảo bao gồm hệ thống nhà tù ở Côn Đảo và các nghĩa trang thuộc hệ thống nhà tù này. Trong 17 di tích thành phần có thể kể đến: nhà Chúa Đảo - tổng diện tích 18.600 m2, từng là nơi ở và làm việc của 53 đời Chúa Đảo trong thời gian hệ thống nhà tù ở Côn Đảo duy trì hoạt động; Cầu Tàu, nằm tại vị trí trung tâm của bãi biển chính thuộc thị trấn Côn Đảo (phía trước nhà Chúa Đảo), được khởi dựng từ năm 1873, là nơi chứng kiến nỗi cực nhục đầu tiên của những người bị đưa ra đảo tù đày; 9 trại giam đánh số từ 1 đến 9; khu biệt lập “chuồng bò”, hay còn được coi là “nghĩa địa của tù nhân”; nghĩa trang Hàng Dương, với diện tích khoảng 20 ha, nơi yên nghỉ của hàng vạn chiến sĩ cách mạng và đồng bào Việt Nam đã hy sinh dưới ách tù đày...

Empty
Empty

Nhà tù Côn Đảo là nơi tập trung nhất hệ thống cai trị tù khét tiếng của Pháp và Mỹ, điển hình về chế độ cưỡng bức, giam cầm, hành hạ và tàn sát các chiến sĩ cách mạng. Nhưng đồng thời, đây cũng là “trường học Cộng sản” rèn luyện phẩm chất, ý chí của các chiến sĩ Cộng sản trên trận tuyến nhà tù.

Empty

Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc biệt của Di tích, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích lịch sử Nhà tù Côn Đảo là Di tích quốc gia đặc biệt năm 2012.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN - ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh trên đất Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển, chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam, giải phóng dân tộc. Chiến tranh đã đi qua, di tích lịch sử đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh trở thành điểm đến của du khách trên hành trình về nguồn.

Empty

Nhiều di tích trên hệ thống đường Trường Sơn gắn với những chiến công hiển hách, oanh liệt của bộ đội, thanh niên xung phong và người dân đất lửa. Những địa danh như sân bay A Sờ, A Lưới, Khe Hó (Vĩnh Linh), cầu treo Bến Tắt, Trạm Chỉ huy tiền phương Bộ Tư lệnh 559, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, sân bay Tà Cơn... đã và đang được chính quyền địa phương tăng cường khai thác, quảng bá, để thu hút du khách.

Empty
Empty

Hằng năm, các tỉnh đều có kế hoạch triển khai bảo vệ, trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử. Nhiều di tích trên đường Trường Sơn là điểm đến không thể thiếu của du khách cũng như các công ty du lịch lữ hành. Tại các di tích, có lực lượng quản lý bài bản, có thuyết minh hướng dẫn, phục vụ du khách chu đáo và được đầu tư trang trọng.

VŨNG CHÙA - ĐẢO YẾN (QUẢNG BÌNH)

Vũng Chùa - Đảo Yến với địa thế cong hình cánh quạt, được bao bọc bởi Hòn La, Hòn Gió, Hòn Nồm. Vì được bao bọc bởi các Hòn, gió khó có thể lọt vào được nên người ta gọi là “Vũng”. Ngày xưa, nơi đây có ngôi chùa rất linh thiêng, nên người dân đặt tên là Vũng Chùa. Điểm du lịch tự nhiên, hoang sơ này là nơi an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp - “người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, một trong 10 vị tướng vĩ đại nhất lịch sử thế giới qua mọi thời đại.

Empty

Khu vực an táng Đại tướng nằm ở độ cao 110 m, phần mũi đất vươn ra biển, mặt nhìn ra đảo Yến, phía sau lưng là núi Vũng Chùa, cách ngọn mũi Rồng khoảng 1 km. Từ trên lăng mộ Đại tướng có thể phóng tầm mắt xa ra vùng biển rộng, gió thổi nhẹ mát mẻ quanh năm.

Empty

Đến viếng thăm mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bạn sẽ có dịp được tham quan và dâng hương tại đền thờ Công chúa Liễu Hạnh, khám phá Đảo Yến, núi Rồng, bãi Đá Nhảy hay thưởng thức những món ăn dân dã, món hải sản tươi ngon của vùng biển đảo Quảng Bình.

KHU LƯU NIỆM CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (KIM LIÊN, NGHỆ AN)

Di tích lịch sử Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Kim Liên - Nam Đàn được coi là một trong bốn di tích quan trọng bậc nhất tại Việt Nam về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nằm trên địa bàn 2 xã Kim Liên và Nam Giang, nơi đây lưu giữ nhiều tài liệu, hiện vật, không gian văn hóa - lịch sử về thời niên thiếu của Bác Hồ cũng như những người thân trong gia đình Bác.

que-bac

Khu lưu niệm bao gồm hai cụm di tích chính là cụm di tích tại quê nội (làng Sen, xã Kim Liên) và cụm di tích tại quê ngoại (làng Hoàng Trù, xã Kim Liên). Hằng năm vào những ngày lễ, đặc biệt là dịp sinh nhật Bác, nhân dân từ khắp mọi miền đất nước lại về đây thăm Khu di tích để tưởng nhớ công ơn của Người. Khu di tích còn là địa điểm tổ chức nhiều buổi sinh hoạt chính trị lớn, những nghi lễ của các cấp chính quyền, đoàn thể, đồng thời cũng là điểm tham quan du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.

Di tích chiến trường Ðiện Biên Phủ (Điện Biên Phủ)

Di tích chiến trường Ðiện Biên Phủ là một quần thể các di tích lịch sử nằm tại tỉnh Điện Biên, ghi lại chiến công của quân đội nhân dân Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Các di tích nổi bật của chiến trường Ðiện Biên năm xưa bao gồm: đồi A1, C1, C2, D1, cứ điểm Hồng Cúm, Him Lam, đồi Ðộc Lập, cầu Mường Thanh, sân bay Mường Thanh (nay là sân bay Điện Biên Phủ) và hầm chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Năm 2014, Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ thuộc quần thể Di tích được khánh thành để chào mừng kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, với tổng diện tích 22.000 m². Nơi đây trưng bày gần 1.000 hiện vật về những năm kháng chiến chống thực dân Pháp nói chung và diễn biến chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng.

Empty

Hiện nay, khu di tích chiến trường Điện Biên Phủ đã được đưa vào danh sách xếp hạng 23 Di tích quốc gia đặc biệt.

KHU DI TÍCH PÁC BÓ (CAO BẰNG)

Khu di tích Pác Bó là một khu di tích lịch sử cách mạng quốc gia đặc biệt của Việt Nam, là điểm đầu (km 0) của đường Hồ Chí Minh. Khu di tích bao gồm: nhà tưởng niệm Bác Hồ, hang Cốc Pó, hang Lũng Lạn, hang Ngườm Vài, suối Lenin, bàn đá nơi Bác Hồ làm việc, nền nhà ông Lý Quốc Súng, nền nhà ông La Thành…

Empty

Ngày 8/2/1941, khi về nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc trong hang Cốc Bó (tên địa phương có nghĩa là "đầu nguồn"). Bác đã đặt tên dòng suối trước cửa hang là suối Lenin và ngọn núi có hang này là núi Karl Max (Các Mác).

Empty

Trước năm 1979, hang Cốc Pó rộng khoảng 15 m2, trước cửa hang có một con suối lớn chảy ngầm từ trong núi đá ra, nguồn của con suối là bên phía bắc của ngọn núi này và thuộc lãnh thổ Trung Quốc. Trong chiến tranh biên giới Việt-Trung năm 1979, quân Trung Quốc đã cho nổ mìn phá hoại hang Cốc Pó.

Empty

Ngày nay, hang Cốc Pó được khôi phục một phần để phục vụ khách tham quan du lịch. Khu di tích lịch sử Pác Bó cũng đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.

NHÀ TÙ HỎA LÒ (HÀ NỘI)

Nhà tù Hỏa Lò là một địa danh nổi tiếng bởi từng là nơi giam giữ rất nhiều nhà cách mạng lớn của Việt Nam trong Chiến tranh Đông Dương và phi công Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam.

Nhà tù được thực dân Pháp xây năm 1896 ở khu đất thuộc làng Hoả Lò (chuyên làm các loại ấm đất, siêu đất và các loại hoả lò bằng đất, đem bán khắp kinh kỳ), lúc đó là ngoại vi thành phố với quy mô lớn và kiên cố vào loại bậc nhất ở Đông Dương, có tổng diện tích là 12.908 m2. Tên tiếng Pháp của nhà tù là Maison Centrale, tiếng Việt là Nhà tù Trung ương, lúc bấy giờ thường gọi là Ngục thất Hà Nội.

Empty

Tại đây, nhà cầm quyền thực dân từng áp dụng một chế độ nhà tù hà khắc, dùng mọi thủ đoạn cực hình tra tấn, đánh đập dã man và giam cầm hàng vạn lượt chiến sĩ yêu nước và cách mạng Việt Nam. Nhiều nhà cách mạng đã hy sinh, nhưng nhiều người khác đã biến nhà tù thành "trường học", nơi giác ngộ tuyên truyền đường lối cách mạng của Đảng.

Empty

Năm 1997, địa danh được Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử. Ngày nay, nhà tù Hỏa Lò vẫn là một trong những điểm đến không thể bỏ qua của du khách nước ngoài khi ghé thăm thủ đô.

Lan Oanh - Nguồn: Tổng hợp
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES