Đưa ca trù ra khỏi danh sách cần bảo vệ khẩn cấp

25/08/2014

Liên hoan ca trù toàn quốc 2014 chuẩn bị diễn ra. Khác với mọi năm, liên hoan thường vinh danh các nghệ nhân lão thành, Liên hoan 2014 sẽ giới thiệu lớp nghệ sĩ kế cận. Đây là dịp để khẳng định sự phát triển của ca trù, những thành quả mà ngành văn hóa Việt Nam đã thực hiện được trong nỗ lực đưa ca trù ra khỏi danh sách cần bảo vệ khẩn cấp đối với cộng đồng quốc tế nói chung và tổ chức Unesco nói riêng.

Theo quy định của Unesco và Công ước Di sản 1972, các quốc gia có di sản xếp trong danh sách cần bảo vệ khẩn cấp sẽ phải lên lên kế hoạch dài hạn, ngắn hạn về việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản, đưa di sản ra khỏi danh sách cần bảo vệ khẩn cấp. Sau 05 năm thực hiện, Unesco sẽ kiểm tra, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện. Nếu sau 05 năm, quốc gia vẫn chưa có những biện pháp, chiến lược cụ thể để phục hưng di sản thì quốc gia đó sẽ phải thực hiện những cam kết chặt chẽ hơn nữa với Unesco. Sau một thời gian nhất định tùy theo tình hình thực tế, nếu quốc gia vẫn không thể đưa di sản ra khỏi danh sách khẩn cấp thì di sản có khả năng sẽ bị thu hồi danh hiệu.

 Quay trở lại với nghệ thuật ca trù, tính đến nay đã gần 05 năm kể từ khi loại hình này được Unesco công nhận là Di sản. Trong 05 năm qua, có thể nói ngành văn hóa đã thực hiện khá tốt công việc phục hưng, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể này. Không nói xa, chỉ khoảng 5-10 năm trước đây, chỉ số ít khán giả biết đến loại hình nghệ thuật này là những người già ở thế hệ trước, vậy nhưng thực tế nay đã thay đổi nhiều.

Tại buổi họp báo giới thiệu về Liên hoan ca trù toàn quốc 2014, nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan đã khẳng định thực tế này. Ông chia sẻ, khoảng những năm 2005, chữ ca trù hoàn toàn xa lạ, xa lạ ngay cả với những địa phương có di sản ca trù. Vậy mà cho tới năm nay, từ lớp trẻ tới người già ở các tỉnh đều biết tới ca trù. Cộng đồng đã nhận ra rằng có một di sản ca trù được thế giới công nhận. Nếu trước kia chúng ta chỉ có 20 nghệ nhân biết hát và đến thời điểm hiện tại, 18 cụ đã về với thiên cổ nhưng chúng ta lại đang có đội ngũ kế cận cũng không kém cạnh, dù đương nhiên nếu so với các nghệ nhân là ‘báu vật nhân gian sống’ thì còn phải có thời gian. Lúc đầu các lớp trẻ chỉ biết hát có 3 điệu: Hát nói, hát xẩm, hát ru nhưng cho tới nay họ đã hát thêm được 8 điệu nữa. Như vậy tổng cộng là 11 điệu trên tổng số khoảng hơn 40 điệu ca trù. Đây là bước tiến khả quan, là một việc rất đáng mừng. Chúng ta có thể tạm yên tâm bởi Việt Nam đã có đội ngũ kế cận yêu nghệ thuật này, không chỉ những đào nương, kép đàn mà cả lớp khán giả kế cận cũng đã có.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Trong công cuộc chấn hưng di sản văn hóa này cũng không thể không nhắc đến công của những nghệ nhân, những con người dành cả đời mình cho loại hình nghệ thuật này. Các ca nương như Bạch Vân, Phạm Thị Huệ, Bạch Dương… đã tự bỏ tiền túi, công sức của mình để thành lập các giáo phường, câu lạc bộ nhằm giới thiệu, quảng bá và truyền dạy nghệ thuật ca trù. Cũng tại những câu lạc bộ, giáo phường này, các nghệ nhân – những báu vật của quốc gia như: cụ Nguyễn Thị Chúc, cụ Nguyễn thị Sinh, cụ Kim Đức; nghệ nhân đàn đàn đáy Nguyễn Phú Đẹ, Vũ Văn Hồng…đã truyền lại những ngón nghề, những tâm huyết cả đời cho thế hệ tiếp nối.

Sự phổ biến của ca trù, còn nhờ có sự xuất hiện của những địa điểm biểu diễn, giới thiệu di sản này. Cũng chỉ 10 năm trước đây thôi, những khán giả hoài niệm nhớ về ca trù muốn nghe, muốn thưởng thức loại hình này không thể tìm được một không gian để nghe, một người hát…thì nay ở Hà Nội đã có tới vài điểm du khách có thể tìm đến để thưởng thức ca trù, ở các tỉnh/thành khác cũng đã có những giáo phường được thành lập và biểu diễn định kỳ nghệ thuật này.

RELATED ARTICLES