Vào ngày 11/9 tới đây, khi cả thế giới đã đi được 2/3 năm 2024, thì những người dân Ethiopia mới đón chào ngày đầu tiên của năm mới, năm 2017, tính theo lịch riêng của họ. Được biết, đây được coi là truyền thống có từ nhiều thế kỷ trước của đất nước Ethiopia, minh chứng cho ý thức vững chắc về bản sắc dân tộc của quốc gia này.
Cách tính ngày tháng “độc lạ" nhưng là nét đẹp văn hoá đặc trưng
Ở Ethiopia, năm sinh của Chúa Giêsu được công nhận muộn hơn 7 hoặc 8 năm so với lịch Gregory, hay dương lịch, lịch “phương Tây”, do Giáo hoàng Gregory XIII đưa ra vào năm 1582. Mặc dù phần lớn thế giới đã áp dụng lịch Gregory, nhưng Ethiopia vẫn giữ nguyên lịch của riêng họ.
Lịch của Ethiopia được cho có từ hơn 1.500 năm trước. Nó dựa trên hệ Mặt Trời - Mặt Trăng, dài 13 tháng, trong đó 12 tháng kéo dài 30 ngày. Tháng cuối cùng chỉ có năm ngày, hoặc sáu ngày trong năm nhuận. Năm mới (Enkutatash) tại Ethiopia được tổ chức vào tháng 9, khi hoa Adey Abeba bản địa bung nở. Enkutatash đến vào cuối mùa mưa. Trong khi đó, ngày 1-1 năm mới của lịch Gregorian lại không mang nhiều ý nghĩa đối với Ethiopia bởi nó rơi vào mùa khô.
Do các doanh nghiệp quốc tế và trường học quốc tế tại Ethiopia thường dùng lịch Gregory, nhiều người Ethiopia không có lựa chọn nào khác ngoài việc sử dụng đồng thời cả lịch truyền thống của Ethiopia và lịch phương Tây.
Ngoài ra, việc thực hiện những thủ tục hành chính đơn giản như làm giấy khai sinh cũng gặp nhiều trở ngại. Nhà sử học người Đức Verena Krebs, chuyên nghiên cứu về lịch sử châu Âu và châu Phi cho biết: “Giả sử bạn dẫn một em bé 3 tuổi làm giấy khai sinh tại thành phố hoặc chính quyền địa phương ở Ethiopia. Sau đó, bạn khai theo hệ thống thời gian của Ethiopia và tin rằng nhân viên làm thủ tục sẽ chuyển đổi thời gian đúng sang lịch Tây. Tuy nhiên, vì một số sai sót, số tuổi của bé có thể tăng gấp đôi hoặc gấp ba”.
Khách du lịch đến thăm Ethiopia thường sửng sốt khi biết rằng họ đã “quay ngược thời gian”. Do các doanh nghiệp và trường học quốc tế có trụ sở tại Ethiopia có xu hướng tuân theo lịch Gregorian, nhiều người Ethiopia không có lựa chọn nào khác ngoài việc sử dụng đồng thời cả lịch truyền thống của Ethiopia và lịch phương Tây.
Du hành ngược thời gian ở Ethiopia
Ethiopia như những thước phim cổ đặc sắc và quý hiếm với những lễ hội, phong tục và những buổi cầu nguyện như từ ngàn năm trước. Ethiopia không chỉ nổi tiếng với lịch riêng biệt mà còn với hệ thống chữ viết và các truyền thống văn hóa độc đáo. Với sự kết hợp giữa lịch sử lâu đời và văn hóa phong phú, Ethiopia thu hút hàng triệu du khách mỗi năm, những người muốn khám phá và trải nghiệm sự khác biệt thời gian tại quốc gia này.
Đây là vùng đất nội lục nằm ở vùng sừng châu Phi có chung biên giới với Sudan ở phía tây nam, Kenya ở phía nam, Somalia ở phía đông, Eritrea ở phía bắc. Đất nước này có dân số đông thứ 2 tại châu Phi chỉ sau Nigeria và là quốc gia không giáp biển đông nhất thế giới, đất nước duy nhất không bị thuộc địa hóa trong suốt thời kỳ châu Phi bị các quốc gia xâu xé.
Theo sách “Lịch sử Văn minh Thế giới”, Ethiopia được ghi nhận là một trong những cái nôi của loài người. Năm 2008, các nhà cổ sinh vật học tìm được những hóa thạch 4 triệu năm tuổi trên sa mạc ở vùng Afar, phía đông bắc Ethiopia, thuộc về những họ người Australopithecus. Sau phát hiện này, tạp chí Natural đã vinh danh Ethiopia là "cái nôi của loài người", bởi đây là nơi duy nhất trên thế giới mà 3 giai đoạn tiến hóa của loài người đều được tìm thấy và có tư liệu chứng minh.
Cảnh con người sống chung với động vật tưởng chừng chỉ có trong các thước phim thời nguyên thuỷ, nhưng tại thành phố Harar của Ethiopia, con người và linh cẩu đã cùng nhau chung sống hòa thuận từ thế kỷ 16.
Cảnh tượng phổ biến trong thành phố Harar có tường bao quanh ở Ethiopia là những con linh cẩu lang thang trên đường phố để tìm kiếm thức ăn. Ở đây, linh cẩu không làm hại con người, và con người không sợ động vật. Những con linh cẩu sống trong các hang động ngay bên ngoài thành phố, và bất cứ khi nào chúng cần thức ăn, chúng sẽ tìm kiếm nó trong thành phố. Chúng được xem như những đặc vụ của thiên nhiên được cử đến để dọn dẹp đống hỗn độn mà mọi người tạo ra trong thành phố.
Kể từ thế kỷ 16, người dân đã dâng thức ăn cho linh cẩu để đánh dấu sự ra đời của nhà tiên tri Mohammed. Họ tin rằng nếu linh cẩu chấp nhận thức ăn, thì thời cơ tốt sẽ đến và ngược lại.
Vùng đất Ethiopia còn ẩn chứa nhiều điều thú vị. Sự hùng vĩ của thiên nhiên cùng với bề dày lịch sử đã khiến cho nơi đây trở thành sự lựa chọn của biết bao trái tim yêu du lịch.