Ghé thăm 3 làng nghề truyền thống gìn giữ văn hoá xứ Huế bao đời

12/08/2023

Tại xứ Huế, những câu chuyện của quá khứ và tinh hoa văn hóa dân gian được lưu truyền qua những làng nghề truyền thống.

Những sản phẩm thủ công từ các làng nghề truyền thống không chỉ là tác phẩm nghệ thuật, mà còn mang dấu ấn về lịch sử, tâm hồn và tình yêu của con người đối với vùng đất của họ. Cùng Travellive bước chân vào cuộc hành trình khám phá, tìm hiểu sâu hơn về những làng nghề nổi danh bao đời, góp phần làm nên văn hoá đặc trưng xứ Huế.

Làng Sình - nơi lưu giữ dòng tranh dân gian hơn 400 năm tuổi

Làng Sình, còn được biết đến bằng tên chữ Lại Ân, nằm sát bên bờ sông Hương, gần ngã ba với sông Bồ. Đây là một trong những ngôi làng cổ xuất hiện từ rất sớm ở Đàng Trong, giữa không gian của cố đô. Làng Sình đặc biệt bởi đây là một trong số hiếm hoi nơi vẫn giữ lưu giữ nghề làm tranh truyền thống. Trong quá khứ, Làng Sình từng là tâm điểm văn hóa của kinh đô và thường xuyên được nhắc đến trong Ô Châu Cận Lục với tư cách như một trung tâm giao thương sầm uất.

Tồn tại từ thế kỷ XV, Làng Sình nổi tiếng với nghề làm tranh cổ truyền và lễ hội vật. Tranh làng Sình - dòng tranh thờ cúng tồn tại hơn 400 năm là di sản văn hóa quý báu của dân tộc Việt Nam, cần được bảo tồn và gìn giữ.

Đây là làng nghề làm tranh mộc bản cổ truyền để thờ cúng và phục vụ cho các nhu cầu tín ngưỡng, cầu an, giải hạn

Đây là làng nghề làm tranh mộc bản cổ truyền để thờ cúng và phục vụ cho các nhu cầu tín ngưỡng, cầu an, giải hạn

Có cơ hội đến tham quan Làng Sình, nhóm bạn Nhật Linh (19 tuổi, TP. Huế) chia sẻ: "Qua lời giới thiệu của vợ nghệ nhân Kỳ Hữu Phước - người cuối cùng nắm giữ những bí kíp làm tranh Làng Sình, chúng mình được biết nghề làm tranh này hiện đã mai một nhiều. Phần những người trẻ lớn lên rồi đi làm ăn xa, phần thì xã hội phát triển, số khách hàng ưa chuộng loại tranh truyền thống này cũng không còn nhiều".

Mỗi tác phẩm tranh ở đây đều thể hiện một chủ đề riêng biệt, được chia thành ba nhóm chính: tranh nhân vật, tranh súc vật và tranh đồ vật, bao gồm các hình ảnh như người làm ruộng, phụ nữ, con giáp, côn trùng, đấu vật. Chủ đề tranh thường lấy cảm hứng từ vẻ đẹp của cuộc sống hàng ngày, các lễ hội và lao động của người dân trong làng.

Empty
Tranh Sình có khoảng 50 đề tài, chủ yếu phản ánh cảnh sinh hoạt xã hội và các tín ngưỡng cổ xưa

Tranh Sình có khoảng 50 đề tài, chủ yếu phản ánh cảnh sinh hoạt xã hội và các tín ngưỡng cổ xưa

Nhật Linh nói thêm: "Đến đây rồi mới biết để làm ra được một bức tranh hoàn chỉnh phải trải qua 7 giai đoạn, thật sự rất kỳ công. Những người trẻ như tụi mình may mắn được sinh ra và lớn lên ở vùng đất giàu văn hoá, nơi có những nghệ nhân vẫn âm thầm gìn giữ truyền thống mỗi ngày. Tìm về với những làng nghề như thế này, còn hun đúc cho mình thêm tình yêu văn hoá Việt, và khát khao được lan toả nó đến nhiều người hơn".

Tranh làng Sình không chỉ mang ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn và duy trì nghề thủ công truyền thống nổi tiếng của làng mà còn đại diện cho một phần hồn quê của người dân Làng Sình, một di sản tinh thần được truyền lại từ thế hệ cha ông. Đối với du khách, những bức tranh không chỉ là món quà ý nghĩa mà còn mang đến nét đẹp văn hóa đặc biệt.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Làng Tây Hồ - biểu tượng nón lá bài thơ của Huế

Nghề làm nón lá đã tồn tại tại Huế hàng trăm năm qua, với nhiều làng nghề như Dạ Lê, Phú Cam, Đốc Sơ, Triều Tây, Kim Long, Sịa... Trong số này, làng Tây Hồ - cái tên nổi bật bởi đây chính là nơi xuất xứ của chiếc nón bài thơ nổi tiếng. Làng nằm bên bờ dòng sông Như Ý, thuộc xã Phú Hồ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Cư dân ở đây chủ yếu sống bằng nghề làm nón. Chiếc nón bài thơ đầu tiên ra đời khoảng năm 1959 - 1960, do nghệ nhân Bùi Quang Bặc sáng tạo. Bởi yêu thơ và có tài năng nghệ thuật, ông đã tạo ra ý tưởng độc đáo gắn thơ vào nón. Những vần thơ ngọt ngào, bay bổng được ép giữa 2 lớp lá thế nên bền lắm. Nón hỏng rồi, chẳng đội được nữa, người Huế vẫn giữ để thi thoảng mang ra…đọc thơ.

"Ai ra xứ Huế mộng mơ, mua về chiếc nón bài thơ làm quà..."

Để tạo ra nón đẹp, phải cẩn trọng từ khâu chọn lá, lá nón phải còn giữ được màu xanh nhẹ, sau đó phải ủi lá nhiều lần để lá trở nên phẳng, láng mịn. Khâu xây và lợp lá là phần khó nhất trong quá trình làm nón, yêu cầu khéo tay, kỹ thuật cao để tạo nón mỏng, thanh, không bị dột, các lớp lá không được chồng lên nhau. Công đoạn này và việc chằm đường (khâu) chủ yếu do những nghệ nhân có tay nghề cao thực hiện, tạo nên đường chằm mềm mại, dịu dàng. Ở Làng Tây Hồ, chỉ sử dụng lá dừa và lá gồi để làm nón.

Nón lá của Làng Tây Hồ luôn mang một dấu ấn đặc trưng riêng

Nón lá của Làng Tây Hồ luôn mang một dấu ấn đặc trưng riêng

Lê Hoà (27 tuổi, TP. Huế), một người con của Làng Tây Hồ tâm sự: "Mình không biết rõ nghề làm nón có từ khi nào, nhưng từ lúc nhỏ xíu, mình đã quen thuộc với hình ảnh bà và mẹ ngồi đan nón mỗi ngày. Chiếc nón lá từ trong nhà ra cánh đồng, được 'nâng cấp' bằng những đường chỉ thêu, dần trở thành biểu tượng của du lịch Huế".

Mặc dù ở Huế có nhiều nơi sản xuất nón, nhưng nón từ làng Tây Hồ có một sức hấp dẫn đặc biệt. Nón làng này duyên hơn hẳn, bán dễ. Nói là duyên thôi thì chưa đủ, phải kể đến cả những vần thơ thấm đượm tâm hồn, tình yêu, cốt cách của con người cố đô và hiếm có chiếc nón của làng nào lại thanh mảnh, nhã nhặn như nón làng này.

Chiếc nón lá ấy không chỉ là một sản phẩm thương mại mà còn đậm nét văn hóa đặc trưng, biểu tượng riêng của xứ Huế. "Và ở đấy, các hình ảnh như dòng sông Hương, núi Ngự hay vẻ đẹp thiên nhiên của cố đô thường xuất hiện cạnh bài thơ trên chiếc nón. Khách du lịch thường mua về làm kỉ niệm, còn với những người con xa xứ, nhìn những hình ảnh trên chiếc nón ấy lại nhớ quê da diết không thôi", Lê Hoà nói.

Làng đúc đồng Phường Đúc - làng nghề trăm năm đỏ lửa

Bộ Cửu đỉnh, Bảo vật Quốc gia của Huế

Bộ Cửu đỉnh, Bảo vật Quốc gia của Huế

Nghề đúc đồng là một trong những nghề thủ công truyền thống lâu đời và nổi tiếng ở Việt Nam. Những người thợ hoặc các gia đình làm nghề này thường sống trong một vùng nhất định tạo thành làng nghề đúc đồng. Tại Thừa Thiên Huế, làng nghề đúc đồng nằm ven bờ sông Hương, khu vực từ cầu Giã Viên lên đến Long Thọ, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 3km về phía Tây Nam, đã có mặt từ hơn 300 năm trước.

Làng nghề đúc đồng Phường Đúc (hay còn gọi là làng Đúc) đã hình thành từ đầu thế kỉ 17. Theo hệ thống gia phả dòng họ Nguyễn - Kinh Nhơn, người sáng lập nghề là ông Nguyễn Văn Lương, xuất thân từ làng Đồng Xá, Siêu Loại (tỉnh Bắc Ninh ngày nay). Trải qua hơn 400 năm, các nghệ nhân tại làng đã sử dụng tài năng cùng kỹ thuật đỉnh cao để tạo ra các sản phẩm đồ đồng tinh xảo như ly, hương, chân đèn, đồ thờ tự và đồ dùng hằng ngày. Làng Đúc bao gồm 5 xóm: Trường Đồng, Kinh Nhơn, Bổn Bộ, Giang Dinh, Giang Tiền, trong đó Kinh Nhơn và Bổn Bộ là hai làng nghề đúc lớn, có tiếng tăm nhất.

Thế hệ thợ đúc đồng tại Huế để lại nhiều kiệt tác di sản trong kho tàng văn hóa vật thể, từ các tượng phật tại chùa Linh Sơn (Đà Nẵng), Phật học viện Nha Trang, vạc đồng tại Đại Nội (1659-1684), chuông chùa Thiên Mụ (1710), Cửu đỉnh đặt trước Thế Miếu (1835-1804), Cửu vị Thần Công đặt trước Ngọ môn (1803-1804), chuông chùa Diệu Đế (1846) và nhiều vật phẩm thờ cúng khác bằng đồng từ "trong cung ra ngoài nội" tại Huế.

Hoa văn tinh xảo trên nòng một trong số những khẩu đại bác trong bộ Bảo vật Quốc gia Cửu vị thần công đặt trước cửa Ngọ Môn, Huế

Hoa văn tinh xảo trên nòng một trong số những khẩu đại bác trong bộ Bảo vật Quốc gia Cửu vị thần công đặt trước cửa Ngọ Môn, Huế

Hiện nay, sản phẩm từ làng Đúc đang được ưa chuộng vì đời sống nâng cao nên việc sở hữu bộ đồ thờ bằng đồng không còn quá khó khăn về mặt kinh tế. Đồng thời, nghệ nhân đã biến những sản phẩm tưởng chừng bình thường thành những tác phẩm trang trí nghệ thuật tinh tế trong nhà. Thế hệ thợ đúc liên tiếp từ đời này sang đời khác đã tạo ra những sản phẩm đồ đồng rất tinh xảo, có giá trị nghệ thuật cao với nhiều kiểu dáng độc đáo.

Đối với làng Đúc, đó là niềm tự hào của nhiều thế hệ, mang trong mình sứ mệnh bảo tồn hơn 400 năm về quá trình phát triển. Qua thời gian, làng Đúc đã ghi dấu ấn mạnh mẽ trong nền văn hóa cố đô. Khách du lịch đến đây không chỉ tham quan các di tích nổi tiếng, mà còn có cơ hội khám phá làng Đúc với những nét đặc trưng thú vị.

Các nghệ nhân làng nghề Phường Đúc xứ Huế nổi tiếng với kĩ thuật đúc chuông đồng có âm hay, dáng đẹp

Các nghệ nhân làng nghề Phường Đúc xứ Huế nổi tiếng với kĩ thuật đúc chuông đồng có âm hay, dáng đẹp

Hà Mai Trinh - Ảnh: Tổng hợp
RELATED ARTICLES