Từ ngày 17 - 22/06 diễn ra Tuần lễ trái cây "Trên bến dưới thuyền" lần thứ hai tại Thành phố Hồ Chí Minh. Mở rộng truyền thống "Trên bến dưới thuyền" vào mỗi đầu năm với chợ hoa xuân, tuần lễ trái cây này được tổ chức theo hình thức vận chuyển trái cây từ các ghe và bày bán ngay bến Bình Đông.
Sự kiện thu hút sự tham gia của hơn 100 gian hàng, trong đó có hơn 10 gian hàng đặc biệt được xây dựng từ mây tre lá, tạo nên một không gian trưng bày độc đáo để giới thiệu những sản phẩm đặc sản đến từ các tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre và Đồng Tháp. Trong số đó, những loại trái cây phổ biến của miền Tây như sầu riêng, xoài, mận, ổi và nhãn đều có mặt.
Không đơn thuần là một nơi trưng bày và bán trái cây, tuần lễ trái cây này đã trở thành một chợ phiên thú vị, tụ hội nhiều hoạt động đặc biệt, sáng tạo. Các gian hàng không chỉ trình diễn nghệ thuật chưng mâm ngũ quả, tạo hình linh vật từ trái cây, mà còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian thú vị như nặn tò he, gói và nấu bánh ú lá tre, tạo hình bong bóng nghệ thuật. Lễ hội càng trở nên sống động khi mọi người diện những trang phục truyền thống như áo bà ba, đội nón lá hay mặc áo dài,...
Không chỉ đến để mua các loại trái cây sạch, thưởng lãm đặc sản miền Tây mà khách tham quan còn rất hứng thú khi hỏi người bán, nghệ nhân... để có thể tìm hiểu thêm các giá trị văn hoá của nước nhà.
Chị Vũ Thị Ngọc (32 tuổi, TP. Hồ Chí Minh) cho biết, dù sống ở thành phố từ nhỏ đến lớn, nhưng những gì chị biết về văn hoá miền Nam và Tây Nam Bộ không nhiều. "Những lễ hội hoặc sự kiện như thế này không chỉ kích cầu du lịch thành phố, mà còn giúp người dân cũng như du khách hiểu thêm về văn hoá vùng miền. Những hoạt động thực tế sẽ là những bài học cụ thể, dễ nhớ nhất", chị Ngọc nói.
Hoà vào dòng người nô nức giữa những gian hàng trái cây, Myra (du khách Ấn Độ) thể hiện sự hào hứng khi đây là lần đầu tiên cô được tham gia vào một lễ hội ở Việt Nam: "Tôi biết đây chỉ là một sự kiện nhỏ mô phỏng về văn hoá xưa, nhưng được tận mắt chứng kiến khung cảnh vui tươi, đông đúc người mua kẻ bán bên dòng sông như thế này thật đặc biệt, nhất là được nhìn thấy những bộ trang phục truyền thống của người Việt Nam, điều ấy thật tuyệt".
Bến Bình Đông, nằm ven dòng kênh Tàu Hủ, đã tồn tại từ thế kỷ XIX và trở thành một nơi sôi động, nhộn nhịp với sự ra vào của các ghe thuyền kinh doanh, buôn bán trong khu vực Sài Gòn - Chợ Lớn. "Vì thế mà giá trị văn hóa đặc trưng của khu vực này chính là hình ảnh “Trên bến dưới thuyền”, mang đậm chất miền Nam", cụ ông Nguyễn Viết Sáng (76 tuổi, TP.Hồ Chí Minh) chia sẻ.
Trong sách "Lịch sử khẩn hoang miền Nam", nhà văn Sơn Nam cũng miêu tả: “Dòng sông sâu rộng, ghe thuyền đậu dài 10 dặm, theo hai con nước lên, nước ròng thuyền bè qua lại chèo chống ca hát, ngày đêm tấp nập, làm chỗ đô hội lưu thông khắp ngả thật là tiện lợi”. Ghe thuyền không chỉ là phương tiện di chuyển và vận chuyển hàng hóa, mà còn là nơi sinh sống, ngôi nhà của người dân. Cuộc sống trên sông, trên ghe thuyền, và sự tấp nập trên bến bãi đã tạo nên một phần không thể thiếu trong văn hóa đặc trưng của miền Nam và Tây Nam Bộ. Đó không chỉ là một cảnh quan trên bến, dưới thuyền, mà còn là một phần tinh hoa của văn hóa dân tộc. Vì vậy, tuần lễ trái cây "Trên bến dưới thuyền" không chỉ là một sự kiện về trái cây, mà còn là một diễn đàn tái hiện văn hoá đặc trưng đó, mang đến cho người tham dự và du khách những trải nghiệm lạ mà quen.
Ngoài quảng bá và giới thiệu, kích cầu sức mua của mặt hàng trái cây miệt vườn Nam bộ, dịp này, Ban tổ chức cũng kỳ vọng, sẽ góp phần giới thiệu đến người dân, khách du lịch nét văn hóa đặc trưng “Trên bến dưới thuyền” của Quận 8, từng bước nâng tầm quy mô thành Lễ hội trái cây truyền thống “Trên bến dưới thuyền” và trở thành một trong những sự kiện Lễ hội văn hóa của thành phố.