Phản quan trong tịch tĩnh của họa sỹ Trần Nhật Thăng

03/06/2023

Triển lãm "Trong cái Không có gì không" là kết quả của hành trình dài tìm hiểu Phật pháp, "tu tập, tu bút, tu thân" của họa sỹ Trần Nhật Thăng. Thưởng lãm những tác phẩm, khán giả hiểu hơn về câu chuyện "Chuyển Tâm" của nam họa sỹ, đồng thời tìm thấy được sự an yên, tĩnh tại trong chính mình.

SỰ HIỂU BIẾT THẤU ĐÁO

"Từ hồi nhỏ tôi hay suy xét về đời sống vật chất và tinh thần. Lớn lên một chút lại suy xét về tôn giáo và tâm linh. Nhận thấy nhu cầu nội tại lớn nhất của mình là sự hiểu biết thấu đáo (Trí huệ - Trí tuệ). Và rồi bén duyên với Phật pháp, được đứng trước biển bao la của sự giác ngộ. Loạt tranh này vẽ trong tâm thế của một kẻ sơ tu bắt đầu học Phật nhưng tràn đầy hứng khởi và niềm tin; một kẻ yêu thương bản thân và nuôi dưỡng lòng trắc ẩn với vạn vật...", họa sỹ Trần Nhật Thăng bộc bạch.

Chân dung họa sỹ Trần Nhật Thăng.

Chân dung họa sỹ Trần Nhật Thăng.

Trong Phật giáo, khái niệm Trí tuệ được hiểu: cái làm nên Con Người, là hiện tại của Con Người. Trí huệ là cái ở bên trong của con người, được tích luỹ, được hấp thụ và được giác ngộ qua nhiều kiếp sống. Trí huệ là một trạng thái của Tâm thức.

Hiểu nôm na, loạt tranh trong triển lãm "Trong cái Không có gì không" không chỉ là kết quả của hữu duyên tu tập và tìm hiểu Phật pháp, mà còn là hành trình tìm đến chân lý trong vô lượng kiếp của họa sỹ Trần Nhật Thăng. Nói như giám tuyển Lê Thiết Cương: "Đốn ngộ là chớp mắt nhưng hành trình tìm đến cái giây định mệnh ấy là vô lượng kiếp..."

Sư xuất hiện của chi tiết thực trong triển lãm

Sư xuất hiện của chi tiết thực trong triển lãm "Trong cái Không có gì không".

Ở "Miền Không" 2022, Trần Nhật Thăng mang đến loạt tranh trừu tượng, như bao triển lãm trước. Khoảng không mênh mông trừu tượng mà anh đã xây dựng suốt mấy mươi năm thực hành hội họa là nền móng để đặt những chi tiết thực vào trong các tác phẩm thuộc triển lãm "Trong cái Không có gì không". "Sắc tức thị không, không tức thị sắc", trong cái Không có cái không - có, có cái có - không.

TĨNH LẶNG TRONG CHUYỂN ĐỘNG

Trong triển lãm lần này, Trần Nhật Thăng mang đến nhiều hình ảnh có tính "kích hoạt" tĩnh lặng của nhiều người xem tranh như: hình ảnh Quán Thế Âm tĩnh tại lắng nghe khổ đau của con người, hình ảnh Đức Phật tọa thiền dưới gốc cây bồ đề, hình ảnh đoàn sư hành thiền trong không gian trập trùng bão tố... Dù chung quanh có xao động, biến chuyển không ngừng, thì cái tĩnh lặng vẫn bao trùm tổng thể bối cảnh, là sự an nhiên trước mọi sinh - diệt liên tục nơi thế gian.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Empty
Empty
Sự tĩnh tại, an nhiên trong loạt tranh.

Sự tĩnh tại, an nhiên trong loạt tranh.

Người xem tranh như chìm đắm vào những khoảng lặng an yên trong tranh của Trần Nhật Thăng. Không gian dài rộng của dòng sông, sự hùng vỹ của một ngọn núi, cái mênh mông không bến bờ của một khoảng không gian vô định... mang đến cảm giác an nhiên khó lòng diễn tả được băng ngôn từ đối với những người đến thưởng lãm.

Empty
Đức Phật tọa thiền dưới gốc cây bồ đề.

Đức Phật tọa thiền dưới gốc cây bồ đề.

Có lẽ người họa sỹ đã thực sự tịch tĩnh khi di chuyển từng nét vẽ, từng đường cọ, chú tâm trọn vẹn trong việc lột tả những chiều không gian khởi phát từ tâm thức của chính mình. Vượt lên mọi ý niệm về tĩnh lặng, về vẻ đẹp, khi nhìn sâu vào loạt tranh, người ta thấy được sự tĩnh tại, an yên trong lòng mình.

PHẢN QUAN TRONG TỊCH TĨNH

"Trong cái Không có gì không" đánh dấu bước chuyển mình trong nghệ thuật, bước chuyển tâm đặc biệt của họa sỹ Trần Nhật Thăng. Những chi tiết thực được nam họa sỹ đặt để trong tác phẩm có thể đến từ trải nghiệm, quan sát trong hành trình tu tập. Cũng có thể là một hình dung khởi phát từ tâm thức của Trần Nhật Thăng trong vô lượng kiếp.

Nhà sư thản nhiên chèo thuyền dù trước mặt là bão tố.

Nhà sư thản nhiên chèo thuyền dù trước mặt là bão tố.

Những vị tu hành xuất hiện trong nhiều chiều không gian khác nhau, thoạt nhìn như rất chơi với trong cái mênh mông của cuộc đời. Giữa trập trùng vô định, người tu hành vẫn bước đi trên con đường hướng thượng dù không nhìn thấy bến bờ ở đâu. Vất vả đấy, gian nan đấy vì lúc nào cũng phải mò mẫm giữa cuộc đời đầy giông bão để tìm thấy chân lý.

Lúc họ xuất hiện trong trạng thái hoang mang, ngơ ngác giữa không gian mờ mịt vô định. Cũng có khi những vị hành giả bừng sáng trong một khu rừng tiềm thức của họa sỹ. Đó là nơi sự sống sinh sôi nảy nở, không khí trong trẻo mát lành. Sự chuyển động của từng làn gió nhẹ khẽ đung đưa cành cây khiến tiếng lá xào xạc trong khu rừng đó càng khiến những bước đi của vị hành nhân trở nên ung dung, tự tại và tĩnh lặng.

Empty
Hành trình tìm đến ánh sáng chân lý với vô vàn khó khăn.

Hành trình tìm đến ánh sáng chân lý với vô vàn khó khăn.

Dẫu hành trình tìm đến chân lý còn nhiều gian nan không thể bộc lộ hết bằng ngôn từ, nhưng qua ngôn ngữ nghệ thuật, khán giả có thể cảm nhận được tinh thần "phản quan tự kỷ" - tự soi sáng, xem xét chính mình của họa sỹ. Chiều sâu tĩnh lặng thông qua những chiêm nghiệm, phản quan tự thân đã được lột tả một cách trực diện trên loạt tranh của anh trong triển lãm lần này.

Trần Nhật Thăng không nương nhờ vào màu sắc, hay kỹ thuật trong hội họa, mà chỉ sử dụng đó như một ngôn ngữ, một kênh giao tiếp để bộc bạch tiếng lòng và sự nhận biết của mình.

Thực tế, cái khó của người tu hành vẫn luôn là tìm thấy ánh sáng trong chính bản thân mình, để đó trở thành ngọn đèn dẫn dắt mình hướng thiện, tìm thấy chân lý cuộc đời. Đi giữa ồn ào, hỗn loạn nhưng không hề nao núng, lo sợ mà vẫn bình tâm bước đi trong tịch tĩnh. Bước đi ung dung giữa đời.

Dẫu bên ngoài có xao động, ồn ào, người tu hành vẫn ung dung bước đi trong tịch tĩnh.

Dẫu bên ngoài có xao động, ồn ào, người tu hành vẫn ung dung bước đi trong tịch tĩnh.

Bi Lê
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES