"Cơn sốt" trang phục cổ của giới trẻ xứ Trung
Hanfu bao gồm trang phục được mặc trong một số giai đoạn lịch sử của Trung Quốc. Các phong cách phổ biến nhất là ở triều đại nhà Đường, nhà Tống và nhà Minh. Trang phục Hanfu thường bao gồm một áo choàng có màu sắc bắt mắt và một chiếc váy có những đường thêu tinh xảo.
Trong những năm gần đây, theo SCMP, người dân Trung Quốc có xu hướng mặc trang phục theo phong cách hanfu phổ biến trên đường phố, đặc biệt các thành phố lớn của Trung Quốc. Ngày càng nhiều thanh thiếu niên chuyển sang mặc trang phục như một tuyên bố về thời trang và bản sắc văn hóa của Trung Quốc lục địa.
"Chỉ khi người dân thực sự quan tâm thì sẽ có thêm người muốn tìm hiểu về hanfu và hiểu đúng hơn về lịch sử", chính phủ Trung Quốc thúc đẩy người dân ý thức mạnh mẽ hơn về bản sắc dân tộc và truyền cảm hứng xây dựng niềm tin văn hóa trong những năm gần đây, hanfu đã trở thành một biểu tượng hình ảnh cho phong trào phục hưng Hán phục của Trung Quốc.
Nhờ ảnh hưởng của những bộ phim cổ trang, các bạn trẻ ở đất nước tỉ dân không chỉ diện thể loại thời trang lộng lẫy và xinh đẹp này ở các lễ hội cosplay hay những sự kiện văn hóa nữa mà còn áp dụng chúng trong cả cuộc sống thường ngày. Thậm chí còn có ngày được gọi là Ngày trang phục truyền thống Trung Quốc, lần đầu tiên tổ chức vào tháng 4/2018.
Vào dịp Tết Nguyên đán, sự gia tăng đột biến của việc tìm kiếm và mua sắm Hán phục đã phản ánh rõ nét xu hướng này. Theo số liệu từ trang web mua sắm trực tuyến Taobao, lượng tìm kiếm và mua các sản phẩm Hán phục hiện đại và vải thổ cẩm kiểu nhà Tống đã tăng 683% và 2.058% chỉ trong một khoảng thời gian ngắn. Sự gia tăng đột ngột này cho thấy không chỉ có giới trẻ mà cả những đối tượng khác cũng đang dần bị cuốn hút bởi sự độc đáo và tinh tế của trang phục truyền thống.
Sức hút từ trang phục cổ trang
Trong một bài phỏng vấn được thực hiện bởi trang Reuters, cô gái tên Li Doudou - 27 tuổi, một tín đồ của Hán phục cho biết: "Khi tôi mặc Hán phục, tôi cảm thấy mình là người phụ nữ xinh đẹp nhất thế gian". CGTN - kênh tin tức tiếng Anh của Trung Quốc cũng đã thực hiện một video phóng sự về trào lưu mặc Hán phục này.
Một người lớn tuổi cho biết đây là văn hóa của tổ tiên nên việc mặc chúng không có gì là kì lạ hay khác người. Không chỉ vậy, nhiều người mặc Hán phục còn cho biết họ cảm thấy khi khoác lên mình kiểu trang phục cổ xưa này họ như được tạm xa những ồn ào, huyên náo của cuộc sống hiện đại để bản thân sống chậm hơn.
Thông thường, một bộ Hán phục có giá từ 300 nhân dân tệ đến 500 nhân dân tệ (1 – 1,6 triệu đồng. Những người yêu thích thời trang thậm chí chi đến 80.000 nhân dân tệ (267 triệu đồng) cho hơn 240 bộ trang phục trong 9 năm qua, với bộ đồ đắt nhất trị giá 6.000 nhân dân tệ (20 triệu đồng).
Cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế, các chuyên gia phân tích nhận định sự bùng nổ trang phục truyền thống của người Hán sẽ thúc đẩy phát triển du lịch văn hóa của nước này.
Đáng chú ý, năm ngoái Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc đã kêu gọi toàn dân chia sẻ hình ảnh mặc trang phục dân tộc trên mạng xã hội trong dịp Quốc khánh. Lời kêu gọi này không chỉ nhằm khuyến khích niềm tự hào dân tộc mà còn là một chiến lược quảng bá văn hóa ra thế giới. Điều này hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Chủ tịch Tập Cận Bình về việc đưa các giá trị văn hóa truyền thống ra ngoài biên giới.
Ngành du lịch và chụp ảnh tại Trung Quốc đang hưởng lợi lớn từ xu hướng này. Các bảo tàng, trấn cổ, gia trang, hay khu vườn truyền thống luôn trong tình trạng đông khách nhờ vào làn sóng khách tham quan mặc Hán phục. Không chỉ tạo nên sự phong phú về trải nghiệm du lịch, các dịch vụ chụp ảnh chuyên nghiệp tại các điểm đến này cũng phát triển mạnh mẽ. Việc sở hữu những bức ảnh nghệ thuật trong trang phục cổ xưa tại những địa danh lịch sử đã trở thành một xu hướng phổ biến, đặc biệt trong các dịp lễ Tết.
Hán phục đã vượt xa khỏi chức năng là trang phục truyền thống để trở thành biểu tượng văn hóa mạnh mẽ, kết nối quá khứ với hiện tại. Đối với nhiều người trẻ, việc mặc Hán phục không chỉ là một tuyên ngôn thời trang mà còn là một cách để tái hiện và bảo tồn những giá trị tinh thần của tổ tiên. Chính vì lý do đó, Hán phục không chỉ có giá trị văn hóa mà còn mang đến một cái nhìn sâu sắc về lịch sử và văn hóa Trung Hoa.