Đó là một Karakoram hùng vĩ gợi nhớ đến hành trình gian khổ của đoàn thương nhân lạc đà trên Con đường Tơ lụa thời cổ đại. Đó là những nét văn hóa không trộn lẫn chứa đựng trên những chiếc xe tải đường dài hay sự phảng phất như mây cuộc sống trên lưng chừng đời ở thung lũng Hunza đầy mê hoặc… Tôi đã đến với Pakistan, như để khám phá chính mình.
Thách thức mang tên Karakoram trên Con đường Tơ lụa
Xuất phát từ thành Trường An (Tây An ngày nay), hệ thống Con đường Tơ lụa cổ vươn ra đến tận La Mã từ những năm đầu công nguyên. Để thồ hàng hóa từ Trung Quốc đến những vùng đất khác nhau trên thế giới, hàng đoàn lạc đà năm xưa phải vất vả rồng rắn qua những dãy núi tuyết cao chạm trời. Ngày xưa, những thương nhân phải vượt qua hai đoạn đường nguy hiểm nhất để mang sản vật quý hiếm đến những đô thị phồn thịnh giao thương thời đó. Một là cung Pamir hoang vu đến rợn người, thứ hai chính là cung đường heo hút hiểm trở Karakoram nối giữa Pakistan và thành phố Kashgar thuộc khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc.
Nếu như Pamir thăm thẳm giữa một không gian cô tịch thu hút nhiều tay biker phương Tây trải nghiệm thì Karakoram lại thử thách những kẻ gan lì, chẳng biết sợ là gì bởi độ hiểm nguy từ cung đường đôi khi lấy mạng người mà không hề báo trước. Đây là đoạn đường đèo cao trên 4.730m so với mực nước biển, ngoằn ngoèo, uốn khúc qua những hẻm núi thuộc dãy Karakoram tạo nên phong cảnh hùng vĩ dọc theo Con đường Tơ lụa. Ngày nay, Karakoram là tuyến đường trải nhựa quốc tế cao nhất trên thế giới rất hiểm trở và chênh vênh, đặc biệt là dễ bị ảnh hưởng bởi lũ quét. Chính thời tiết thất thường đã gây ra sạt lở đất và cướp đi sinh mạng cả ngàn công nhân tham gia xây dựng tuyến đường này.
Để hoàn tất cung Con đường Tơ lụa, tôi đánh liều mua chiếc vé xe buýt địa phương một chiều từ Rawalpindi đến thung lũng Hunza vì nhà xe không bán cho chiều ngược lại. Bởi thời tiết Karakoram rất đỏng đảnh, không biết xe có khởi hành trở về Rawalpindi đúng hạn hay không chăng? Chuyến xe khởi hành vào 21 giờ hằng ngày và nếu thời tiết tốt sẽ đến Hunza vào 18 giờ ngày hôm sau trên đoạn đường gần 700km. Nhà xe buộc tôi phải photo 10 bản hộ chiếu và visa Pakistan để nộp cho những chốt an ninh vì cung đường này nằm trong khu vực tự trị Kashmir ẩn chứa bao điều bất trắc.
Xe chuẩn bị lăn bánh, một người mặc thường phục trên tay cầm chiếc camera nhỏ quay nhanh từng khuôn mặt khách. Một anh bạn Pakistan giải thích, do đất nước còn nhiều bất ổn nên nhà xe và đôi khi cảnh sát sẽ lưu giữ hình ảnh của khách để đảm bảo nhân thân của họ khi xảy ra chuyện. Tôi toát mồ hôi khi nhìn cây súng nóng dài thường trực bên cạnh vô lăng của bác lái xe. Những hình ảnh này khẳng định Pakistan đang bất ổn đây!
Xe chạy với tốt độ khá nhanh cho đến tận rạng sáng hôm sau rồi dừng lại bên một nhà trọ ven đường cho tài xế nghỉ ngơi khoảng hai giờ. Sau đó chờ trời sáng để bắt đầu bước vào cung đường đèo Khunjerab hiểm trở. Khi bầu trời vừa ửng hồng, tài xế đã giục khách lên xe vì nghe nói những cơn mưa nhỏ bắt đầu rơi ở phía trước. Ở khu vực Kashmir, tài xế rất sợ xe sẽ nằm lại cả tuần trên cung đường hoang vu này bởi những cơn mưa núi gầm gừ cả ngày gây sạt lở nghiêm trọng.
Chặng đi, tôi khá may mắn vì đến Hunza đúng lịch trình. Nhưng chặng về thật sự đầy rủi ro với cảnh hàng loạt xe phải quay đầu trở về Gilgit khi đã chạy được nửa ngày và chờ những đội xe cứu hộ của chính phủ đến giải vây. Karakoram đã bị phong tỏa hoàn toàn do hàng trăm tảng đá to đến vài chục tấn chắn ngang. Nhà xe thông báo không biết khi nào sẽ giải phóng được con đường. Khách cứ chờ thôi vì khi giải phóng được đoạn này thì nguy cơ đoạn khác sẽ ách tắc. Tôi đã ở lại Hunza thêm hai ngày nữa để chờ đợi Karakoram được lưu thông khi những cơn mưa tuyết thôi bớt gầm gừ.
Những chuyến xe trên lưng chừng tuyết sơn
Một trong những bất ngờ đối với tôi khi đến Pakistan không phải vì cảnh quan hùng vĩ, những giá trị tôn giáo bền vững, những e ngại an nguy mà chính là những nét văn hóa bình dị hàng ngàn năm vẫn theo dòng chảy đời thường rất độc đáo. Đó là những chiếc xe dường như chở cả nền văn hóa huyền bí của người Pakistan xuôi ngược trên lưng chừng những ngọn tuyết sơn hùng vĩ.
Đến Pakistan, bạn sẽ ngạc nhiên khi tận mắt nhìn trên đường phố, những xa lộ hay những con đường khúc khuỷu lẩn khuất trong mây những chiếc xe tải cồng kềnh được tô điểm đầy màu sắc. Nó như một thông điệp văn hóa độc đáo, bí ẩn mà người Pakistan gây ngạc nhiên lẫn thích thú cho thế giới.
Tại Pakistan, nhiều chiếc xe tải và xe buýt được cách điệu và trang trí sinh động bởi những người chủ của chúng. Những chiếc xe đặc biệt có tên Jingle này còn được xem là một loại hình nghệ thuật đặc trưng cho Pakistan. Chúng được tô vẽ cầu kỳ, chi tiết cả bên ngoài lẫn nội thất của xe. Đối với những chiếc xe tải chạy đường dài vận chuyển hàng hóa từ Bắc xuống Nam hay vượt cung đường Karakoram hiểm trở đôi khi hàng tháng trời, tài xế xem chúng như là ngôi nhà của mình. Họ trang trí bên trong cabin từ vôlăng, kính chiếu hậu, cần số đến nệm lót ngồi, trần xe… lộng lẫy như một “cung điện” riêng của giới lái xe.
Có rất nhiều nhà nghiên cứu đã tìm hiểu về những yếu tố văn hóa độc đáo đằng sau việc sơn phết cầu kỳ trên những chiếc xe tải tại Pakistan. Thậm chí họ còn tìm mọi cách để lý giải những họa tiết trừu tượng có ảnh hưởng như thế nào đến đời sống, văn hóa, tôn giáo và những thứ siêu nhiên huyễn hoặc đối với những lái xe đường dài.
Ngược dòng lịch sử, truyền thống vẽ trên các cỗ xe ngựa xuất hiện từ rất lâu ở Pakistan cũng như một số quốc gia Nam Á khác như Afghanistan, Ấn Độ và Bangladesh. Những cỗ xe ngựa thường chuyên chở những vị khách thuộc tầng lớp quý tộc thời đó. Đến năm 1920, Công ty xe buýt Kohistan đã mời những nghệ nhân bậc thầy về trang trí cỗ xe đến từ Ustad Elahi Bakhsh để trang trí xe buýt của họ nhằm thu hút hành khách. Dần dà, họ còn tìm kiếm thêm những người thợ khác đến từ Punjab, nơi tập trung nhiều nghệ nhân nức tiếng trong nước từng làm việc trang trí cho nhiều cung điện và ngôi đền của triều đại Mughal. Ngày nay, theo sự phát triển của khoa học kỹ thuật, các họa tiết ngày càng phức tạp, chi tiết, thể hiện rõ những yếu tố văn hóa từ ngàn năm trước đến các nhân vật sự kiện mang hơi thở đương đại.
Tôi rất tò mò với các họa tiết và hoa văn được trang trí trên các chiếc xe tải đường dài. Thật sự đó là một câu chuyện văn hóa phong phú, độc đáo mà không nơi nào trên thế giới có được. Từ bánh xe, nóc xe, gầm xe và cả thân xe đều khoác lên mình những họa tiết huyền bí. Tôi cảm thấy thú vị khi ngồi trên chiếc xe tải chạy chậm rì trên con đèo Khunjerab có độ cao 4.693m phát ra âm thanh leng keng từ những hàng xích dưới gầm xe có gắn xen kẽ những chiếc chuông vàng hay những lục lạc hình trái tim rất lãng mạn. Bác tài giải thích rằng, ngoài việc trang trí, những chiếc chuông đánh tiếng giúp tài xế chú ý hơn khi xe lăn bánh và giúp họ xua đuổi những tà ma và những nguy hiểm luôn rình rập trên những con đường heo hút vắng bóng người như Karakoram.
Các họa tiết trang trí trên xe rất phong phú nhưng thường được cánh tài xế Pakistan chia thành 5 nhóm chính:
1. Các họa tiết lãng mạn, tôn vinh cuộc sống như những bức tranh phong cảnh của vùng Kasmir, cảnh đồng quê vào mùa vụ, những cô gái có vẻ đẹp truyền thần, tươi sáng, những vần thơ lãng mạn;
2. Các yếu tố từ cuộc sống hiện đại, chẳng hạn như hình ảnh của các nhân vật chính trị hoặc các biểu tượng yêu nước;
3. Những biểu tượng được tôn sùng như sừng dê núi, đuôi bò Tây Tạng và cả trang phục truyền thống, cờ phướn ở các ngôi đền;
4. Những biểu tượng tôn giáo trừu tượng như đôi mắt, họa tiết hay các linh vật cá, chim công;
5. Biểu tượng hay hình ảnh tôn giáo như Buraq - một con ngựa trời được cho là nhà tiên tri Muhammad đã cưỡi khi về trời.
Việc trang trí cũng sẽ khác biệt ở từng vùng. Karachi, thành phố lớn nhất của Pakistan, được xem là thủ phủ của những chiếc xe tải đặc biệt này. Ngoài ra còn có Rawalpindi, Swat, Peshawar, Quetta và Lahore, mỗi thành phố đều có một phong cách trang trí riêng. Những chiếc xe tải tại Balochistani và Peshawari có thiên hướng sử dụng nhiều gỗ trong khi tại Rawalpindi và Islamabad thường là nhựa. Sau khi mua xe, các chủ xe sẽ mang đến các cửa hiệu trang trí để trang hoàng cho ngôi nhà thứ hai của mình. Người thợ sẽ thực hiện công việc trang trí tùy thuộc vào số tiền, gu thẩm mỹ, những yếu tố tâm linh của chủ xe để trang trí cho phù hợp. Các chủ xe có thể chi từ 3000 đến 5000 đô la Mỹ trong việc trang trí chiếc xe của mình.
Những chiếc xe cũng đại diện cho sự khác biệt văn hóa, lịch sử, tập tục vùng miền ở Pakistan. Nếu như ở Việt Nam, nhà xe thường cúng xe vào mùng 2 hoặc 16 âm lịch hàng tháng để cầu mong thượng lộ bình an, thì tại Pakistan, những chiếc xe màu sắc như là một thế giới tâm linh siêu thực đã chở che con người trước những bất trắc diễn ra hằng ngày trên các rẻo đường ở lưng chừng tuyết sơn.
Cuộc sống bình yên ở thung lũng Hunza
Khi đọc tác phẩm Ba Tách Trà của tác giả người Mỹ Greg Mortenson viết về hành trình nối kết những con người nghèo khó ở Pakistan và Afghanistan, tôi có cảm giác rờn rợn pha lẫn thèm thuồng được một lần ngoạn du đến vùng Gilgit - Baltistan. Nơi đó còn hiện diện những ngôi làng hẻo lánh mà nghe đâu nổi tiếng về nạn thổ phỉ và sự kiểm soát của nhà nước chỉ trên danh nghĩa.
Gilgit là thủ phủ của vùng Kashmir và là thành phố lớn nhất khu vực miền Bắc Pakistan. Cách đó khoảng 50km là thung lũng Hunza, nơi ngoài cuộc sống truyền thống Hồi giáo được giữ gìn còn là một đại quang cảnh tuyết sơn choáng ngợp. Chính người Pakistan còn mong ước đến vùng đất sơn thủy hữu tình này một lần trong đời.
Sharoz là anh chàng bác sĩ đưa mẹ về thăm quê độ khoảng một tuần mà tôi đã kịp làm quen trên chuyến xe buýt dài dằng dặc. Ba năm rồi họ mới từ Faisalabad về thăm nơi anh sinh trưởng và học cho đến hết cấp 3. Theo Sharoz, Hunza là vùng đất của vua chúa ngày xưa nên cuộc sống nơi đây có phần tĩnh lặng và yên bình hơn so với thủ phủ Gilgit.
Shazon mời tôi về nhà của họ trong một buổi chiều sương phủ khắp thung lũng Hunza. Anh nói rằng, ở đây người dân ngủ rất sớm vì điện thiếu liên miên, nhà nào cũng thủ sẵn ít nhất 1 đến 2 máy phát điện. Thời tiết rét buốt vào ban đêm. Những ngôi nhà bằng đất nằm cheo leo trên các vách núi, rải rác đến tận dòng sông Hunza hun hút đang cuồn cuộn chảy bên dưới.
Người dân ở đây sống chủ yếu nhờ nông nghiệp. Mỗi gia đình chăn thả đàn gia súc lên đến hàng trăm con đủ loại và trồng thêm hoa màu để tự cung tự cấp hay mang ra chợ địa phương, đưa mối lái chở về Gilgit hay những khu vực lân cận của Kashmir. Một số gia đình khác hoạt động trong lĩnh vực du lịch, nhưng chủ yếu vào mùa xuân vì nơi đây rừng hoa anh đào sẽ nở rộ bên những sườn núi tuyết, len lỏi tận dòng sông Hunza xanh ngắt một màu.
Tôi được gia đình Sharoz mời lại dùng bữa tối với món cừu hầm thơm phức bên cạnh chiếc lò sưởi lạch tạch vài ba tiếng than củi đang cháy hồng. Ngay trong giây phút mơ màng đó, tôi cảm nhận thật rõ cuộc sống trên lưng chừng đời ở Hunza bình yên đến lạ.
Thông tin thêm
Mười một điều lưu ý khi du lịch Pakistan
1. Visa: Bạn có thể xin visa du lịch tối đa 14 ngày ở Đại sứ quán Pakistan tại Hà Nội với một số giấy tờ cần chuẩn bị như: hộ chiếu, 2 ảnh, giấy chứng nhận công việc và thư mời từ Pakistan.
2. Vé máy bay: Từ Việt Nam không có đường bay trực tiếp đến bất kỳ thành phố nào thuộc Pakistan. Vì thế, bạn cần đặt vé quá cảnh qua các quốc gia Đông Nam Á khác như: Malaysia, Singapore, Thái Lan… Lahore và Karachi là hai thành phố có nhiều đường bay từ các quốc gia Đông Nam Á.
3. Giao thông công cộng: Taxi, rickshaw và buýt là những phương tiện giao thông công cộng phổ biến tại Pakistan. Riêng taxi và rickshaw đều không có đồng hồ tính giờ, thường khách phải thương lượng số tiền với tài xế tùy khoảng cách. Chi phí vận chuyển trong thành phố khá rẻ, chỉ khoảng 2/3 so với Việt Nam và bạn cũng cần phải thương lượng đôi chút với tài xế để có giá hợp lý.
4. Phương tiện di chuyển đường dài: Bạn có thể sử dụng máy bay, xe lửa, xe buýt chất lượng cao và xe buýt địa phương. Nếu dư dả thời gian và để đảm bảo sức khỏe cũng như an ninh, bạn nên sử dụng loại xe buýt của công ty Daewoo, hãng xe buýt chất lượng cao rất nổi tiếng ở Pakistan.
5. Ẩm thực: Ẩm thực Pakistan rất phong phú và đa dạng, tất nhiên cũng như một số nước Nam Á và Trung Đông là sử dụng nhiều gia vị. Họ rất thích ăn thịt gà, bò, cừu và dê. Riêng thịt gà họ không sử dụng da, chân, cánh và đầu. Pakistan cũng là thiên đường của hoa quả, đặc biệt là quýt, chuối, táo, hồng và lựu. Nếu bạn hòa nhập văn hóa bản địa thì nơi đâu cũng có bán trà sữa rất ngon, khoảng 5.000 đồng/tách.
6. Lưu trú: Giá cả khách sạn ở Pakistan khá đắt và dịch vụ không tốt lắm. Pakistan chưa có nhiều hostel dành cho khách du lịch bụi mà đa phần là các guesthouse có phòng riêng hoặc các khách sạn tiêu chuẩn từ 2-5 sao.
7. Chụp ảnh: Người dân địa phương rất mê chụp ảnh và họ có thể chủ động selfie với du khách mọi lúc mọi nơi. Kể cả phụ nữ Hồi giáo cũng sẵn sàng xin chụp ảnh với bạn nhưng phải bằng máy của họ. Vì thế, đây là một quốc gia Hồi giáo mà bạn có thể dễ dàng chụp được những bức ảnh ưng ý. Nhưng tất nhiên cũng phải xin phép trước khi chụp thì bạn sẽ dễ dàng nhận được thiện cảm hơn từ người dân địa phương. Lưu ý không được chụp ảnh ở những khu vực cấm, nhất là chốt chặn của cảnh sát.
8. Điện và cơ sở hạ tầng: Điện là một vấn đề nan giải ở Pakistan. Hầu như ở đây nhà nào cũng có máy phát điện vì điện luôn bị cúp ngay cả những thành phố lớn. Bạn có thể sử dụng chấu hai dẹp để sạc các thiết bị điện tử khi cần. Đường sá ở Pakistan khá tốt, nhưng một số tuyến đường do xe tải ngược xuôi nhiều cũng xuống cấp trầm trọng, đặt biệt là cung đường Karakoram do Trung Quốc viện trợ.
9. Con người: Thân thiện, vui vẻ và cực kỳ hiếu khách.
10. An ninh: Hầu như đâu đâu ở Pakistan cũng có chốt cảnh sát. Trên đường, bạn cũng sẽ thấy những xe cảnh sát di chuyển như con thoi với trang bị súng ống đầy đủ. Trước mỗi khách sạn, nhà hàng, nhà băng đều có 1-2 nhân viên giương sẵn súng khi cần. Tôi có lần đi qua khu vực tiệm vàng ở Karachi, thấy hầu như tiệm nào cũng che chắn và bảo vệ với súng ống.
11. Cảm hứng: Bạn hãy đọc tác phẩm Ba Tách Trà của Greg Mortenson để tạo động lực trước khi lên đường đấy!
Nguyễn Hoàng Bảo: Giảng viên, blogger du lịch
Từng đặt chân đến 72 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, năm 2017, blogger được nhiều người hâm mộ với nickname Những Bước Chân này tiếp tục rong ruổi trên cung đường Karakoram hiểm trở, đầy bất trắc ở Pakistan. Đằng sau sự mặc định bởi những luật lệ, chiến tranh, khủng bố, những hiểm nguy bởi địa hình là một tâm hồn Hồi quốc nồng ấm, sự tráng lệ của thiên nhiên cùng một di sản văn hóa rực rỡ. Với bài viết này, anh đã tiếp nối chuyến độc hành của mình trên con đường tơ lụa huyền thoại qua vùng đất Pakistan còn khá lạ lẫm với nhiều người Việt Nam. Anh vẫn nằm lòng câu nói của người Pakistan: “Dòng Hunza có cuồn cuộn đến đâu thì vẫn thu mình dưới dãy Karakoram ngạo nghễ”. Phải chăng, dù vẫn còn nhiều điều bất an, nhưng Pakistan cũng bình an như chính tâm hồn dân tộc họ!
Bài và ảnh: Những Bước Chân