Dự án do Apple đồng sản xuất quy tụ dàn diễn viên thực lực, nổi bật với hai cái tên Scarlett Johansson cùng Channing Tatum khi có màn hóa thân cặp đôi cực 'tình' và duyên dáng.
Bối cảnh Fly Me To The Moon diễn ra vào những năm thập niên 1960, thời điểm NASA tập trung cho cuộc đổ bộ lên mặt trăng lịch sử. Tiêu tốn hàng tỷ đô ngân sách, song vì vướng nhiều trục trặc, chiến dịch hàng không vĩ đại này lại ngày càng mất điểm trong mắt công chúng. Để cứu vãn thế cục, NASA quyết định thuê bậc thầy marketing Kelly Jones (Scarlett Johansson thủ vai), với mục đích lôi kéo sự ủng hộ từ người dân.
Mối tình lãng mạn giữa cuộc đua vào không gian
Gần nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ khoảnh khắc lịch sử con người đặt chân lên Mặt trăng. Mặc dù các nhà khoa học đã đưa ra vô số bằng chứng xác thực để chứng minh sự kiện lịch sử Neil Armstrong và Buzz Aldrin trở thành những người đầu tiên đặt chân lên Mặt trăng.
Tuy nhiên, theo Statistica, vẫn có khoảng 5-11% người Mỹ tin rằng cuộc đổ bộ lên Mặt trăng thực sự chưa từng diễn ra. Các thuyết âm mưu cho rằng sứ mệnh Apollo 11 là một trò lừa bịp đã thu hút sự chú ý, chỉ ra những điểm bất hợp lý nhỏ trong các cảnh quay và bức ảnh hạ cánh trên Mặt trăng - chẳng hạn như bầu trời Mặt trăng được cho là không có sao.
Hầu hết các lý thuyết đều dựa trên sự thật cơ bản rằng Hoa Kỳ rất muốn giành chiến thắng trong cuộc chạy đua vào vũ trụ. Một số người tin rằng Hoa Kỳ dàn dựng cuộc đổ bộ lên mặt trăng để chắc chắn giành chiến thắng trước Liên Xô.
Phim Fly Me To The Moon còn dựa trên các sự kiện lịch sử và các thuyết âm mưu phổ biến về cuộc đổ bộ lên Mặt trăng, nhưng phần lớn cốt truyện là hư cấu. Bộ phim xoay quanh mối quan hệ giữa một chuyên viên tiếp thị và một giám đốc của Cơ quan hàng không và vũ trụ Hoa Kỳ (NASA). Trong bối cảnh căng thẳng và cạnh tranh giữa 2 cường quốc, một tình yêu phát triển giữa 2 nhân vật chính, người được giao trách nhiệm chỉ đạo cuộc phóng tên lửa Apollo 11 và chuyên viên tiếp thị được mời đến để cải thiện hình ảnh công chúng của NASA và dàn dựng một cuộc "hạ cánh" giả trên Mặt trăng.
Sự kết hợp hài hòa của chất liệu rom-com (lãng mạn và hài hước) tạo ra kết cấu thú vị cho câu chuyện khi được đặt trong bối cảnh lịch sử. Giữa thời điểm cuộc chạy đua vào vũ trụ diễn ra căng thẳng, màn “đối đầu” hóm hỉnh cùng câu chuyện tình yêu ngọt ngào của bộ đôi Cole Davis và Kelly Jones mang tới nhiều khoảnh khắc hấp dẫn lạ kỳ.
Điểm chung của cả hai chính là mục tiêu giúp NASA hoàn thành sứ mệnh quan trọng, song trở ngại lớn nhất họ gặp phải là bất đồng trong cách làm việc. Nếu Cole Davis sống thực tế, bộc trực, đầy nguyên tắc và khô khan, thì Kelly lại là cô nàng mơ mộng, bay bổng, giàu trí tưởng tượng với nhiều ý tưởng 'bay xa quá mức' nhưng đem lại hiệu quả bất ngờ.
Cole tin vào sự chính trực đến mức sai lầm, thậm chí phải cố gắng giành quyền kiểm soát hình ảnh của NASA. Vậy nên anh chàng hoàn toàn bất bình trước các quyết định của cô chuyên viên marketing thích tô hồng mọi thứ. Về phía Kelly, cô lại là một “chuyên gia thao túng" với hàng loạt mánh khóe cao tay, không ít lần khiến Cole phải vò đầu bứt tai vì rối trí. Sự đối lập trong suy nghĩ, tính cách của bộ đôi như hai thỏi nam châm trái dấu.
Những khoảnh khắc đối đầu duyên dáng, từng ánh mắt, nụ cười mà cặp đôi dành cho nhau cực kỳ tình tứ, làm cho bầu không khí ngọt ngào, lãng mạn bùng nổ trong sự phấn khích của người xem.
Bên cạnh dàn cast chất lượng, ê-kíp sản xuất “Fly me to the moon” cũng gồm những tên tuổi đình đám. Trong đó, đạo diễn Greg Berlanti là gương mặt đứng sau thành công của những tác phẩm nổi tiếng như “Love, Simon” hay vũ trụ siêu anh hùng “Arrowverse”... Năm 2020, ông từng được tạp chí Time xướng tên trong danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất trên thế giới.
Đạo diễn Greg Berlanti chia sẻ với tờ People rằng: "Nguồn cảm hứng cho câu chuyện này là tạo ra một bộ phim gốc lớn, vui nhộn và thông minh xoay quanh việc liệu chính phủ Hoa Kỳ có thể làm giả cuộc đổ bộ lên Mặt trăng của Apollo 11 hay không, đây vẫn là sự kiện truyền hình trực tiếp được xem nhiều nhất trong lịch sử thế giới và kể từ đó đã trở thành một trong những thuyết âm mưu được bàn tán nhiều nhất".
Đây cũng là một sản phẩm điện ảnh được đầu tư kỹ lưỡng với nguồn kinh phí lên đến 100 triệu USD. Sự đầu tư này đã mang lại những hình ảnh tuyệt đẹp và hiệu ứng hoài cổ độc đáo.
Bên cạnh câu chuyện tình nhiều màu sắc, Fly Me To The Moon còn cung cấp góc nhìn toàn cảnh thú vị về cách làm truyền thông, quảng cáo thời xưa, khi công nghệ chưa thực sự phổ biến và hiện đại như bây giờ. Qua những màn lắt léo, biến hóa đỉnh cao của Kelly Jones, phim mang đến cả lời tri ân lẫn sự châm biếm dí dỏm về cách thức hoạt động độc đáo trong lĩnh vực quảng cáo, tiếp thị.
Theo Box Office Pro, Fly Me To The Moon có thể đem về 12 đến 20 triệu USD trong tuần đầu ra mắt tại Bắc Mỹ. Bộ phim được dự đoán sẽ đứng thứ 2 trong danh sách, chỉ sau bom tấn hoạt hình Despicable Me 4 (Kẻ trộm mặt trăng 4).