Ngày 1/8, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (Thừa Thiên - Huế) phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao Đà Nẵng tổ chức mở cửa di tích Hải Vân Quan đón chào du khách tham quan sau hơn 2 năm được trùng tu.
Hải Vân Quan là một đồn lũy quân sự trấn thủ tại đỉnh đèo Hải Vân. Được xây dựng vào năm 1826 tức năm Minh Mạng thứ 7, công trình có độ cao 490m so với mực nước biển. Nằm trên vùng giáp ranh giữa thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế và phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng.
Đây là công trình lịch sử chứa đựng nhiều giá trị và cũng là thắng cảnh nổi tiếng, góp phần vào sự phát triển du lịch của 2 địa phương.
Theo Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, quá trình trùng tu đến nay cơ bản đã đảm bảo phục hồi, tu bổ lại một số hạng mục công trình gốc như cổng “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” (hướng về Đà Nẵng), cổng Hải Vân Quan (hướng về Thừa Thiên - Huế), nhà trú sở, hệ thống Trường Thành. Đơn vị tiến hành tu bổ đều dựa trên các hồ sở khảo sát, tư liệu khảo cổ để xây dựng phương án trùng tu phù hợp đối với các hạng mục công trình còn nguyên trạng, nhằm giữ được giá trị kiến trúc lịch sử quân sự của Di tích Hải Vân Quan. Các hạng mục chưa có tư liệu hoặc nghiên cứu trên địa hình thì sẽ có phương án trùng tu về sau.
Trong ngày đầu tiên mở cửa, Di tích Hải Vân Quan thu hút khá đông khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, thưởng lãm khung cảnh hùng vĩ cũng như chụp ảnh lưu niệm. Đây là công trình cửa ngõ trên con đường thiên lý Bắc Nam để kiểm soát tàu bè ra vào vịnh Đà Nẵng và là cụm phòng thủ quân sự quan trọng với hệ thống thành lũy, pháo đài thần công, được mệnh danh là "yết hầu" của kinh đô Huế. Giữa cổng chính dòng chữ Hải Vân Quan khắc bằng Hán tự trên đá. Tường bao quanh cũng được xây bằng đá.
Trên đỉnh của hai cổng Hải Vân Quan và "Thiên hạ đệ nhất hùng quan" được xây thêm những hệ thống pháo đài công sự để quan sát và đặt súng ống, xung quanh có nhiều lô cốt. Sau trùng tu, các pháo đài công sự trên đỉnh hai cổng đã được hạ giải, còn lại 5 lô cốt được tu bổ, chống xuống cấp để giữ lại dấu tích lịch sử.
Nhìn chung, đây không chỉ là một trong những danh thắng hùng vĩ bậc nhất nước ta mà còn là nơi chứng kiến bao nhiêu chiến tích oai hùng trong công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc trong suốt nhiều thế kỷ qua và đặc biệt là những chiến công ở nơi đây trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Việc bảo tồn, phục hồi, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích là hết sức cần thiết nhằm trả lại những giá trị vốn có của nó, góp phần gìn giữ di sản văn hóa của dân tộc, phát triển kinh tế, phục vụ công tác xây dựng và bảo vệ đất nước trong thời kỳ đổi mới.
Hải Vân Quan đã lột xác và trở lại với diện mạo mới sau quá trình trùng tu kéo dài gần 2 năm. Đây chính là dịp để du khách thập phương đến tham quan và chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ, cũng như có hội được tìm hiểu về bối cảnh lịch sử, câu chuyện văn hoá của một trong những kỳ quan nổi tiếng nhất Việt Nam.