Tìm về tinh hoa di sản nhà vườn An Hiên của mảnh đất Cố đô Huế

11/05/2024

Trong những ngày rong ruổi khám phá mảnh đất Cố đô Huế, tôi lạc bước đến nhà vườn An Hiên khi đang trên đường đến viếng thăm chùa Thiên Mụ linh thiêng. Nơi tựa như ốc đảo bình yên đưa tôi trở về với miền ký ức xa xăm của một Huế thương bình yên thuở nào.

Nói về sự tình cờ ghé thăm nhà vườn An Hiên trong chuyến du lịch miền Trung vừa qua của tôi, e rằng cũng không hẳn đúng. Hai năm trước, khi xem bộ phim điện ảnh “Em và Trịnh”, tôi đã bị thu hút bởi vẻ đẹp bình yên và cổ kính của ngôi nhà mà hai chị em Bích Diễm và Dao Ánh sinh sống. Ngay lúc đó, tôi đã thầm hứa với lòng mình rằng nếu có dịp quay trở lại Huế, nhất định sẽ dành thời gian để khám phá kiến trúc nhà vườn đặc trưng này.

Và rồi, cơ duyên đã đưa tôi trở lại mảnh đất Cố đô sau hai năm đầy hoài niệm. Chuyến du lịch Huế lần này, tôi đã quyết tâm biến ước mơ năm xưa thành hiện thực. Sau khi tham quan những địa điểm nổi tiếng khác như Đại Nội, cung An Định, chùa Từ Hiếu, nhà thờ Phủ Cam, làng hương Thủy Xuân, lăng Đồng Khánh... tôi dành riêng một buổi chiều để tìm đến nhà vườn An Hiên và chùa Thiên Mụ.

Nhà vườn An Hiên nằm ở bờ Bắc sông Hương, thuộc vùng đất Kim Long.

Nhà vườn An Hiên nằm ở bờ Bắc sông Hương, thuộc vùng đất Kim Long.

Nhà vườn An Hiên - Nét đẹp tinh hoa của kiến trúc Huế

Nhà vườn An Hiên tọa lạc trên một khuôn viên rộng 4.608 m2 với hình vuông cân đối, mặt chính hướng về phía Nam. Phía đối diện ngôi nhà, dòng sông Hương thơ mộng uốn lượn như dải lụa mềm mại, tô điểm thêm cho bức tranh phong cảnh hữu tình.

Lắng nghe lời chia sẻ của hướng dẫn viên, tôi càng hiểu thêm được ý nghĩa đặc biệt của cái tên “An Hiên”. Hai chữ “An Hiên” tưởng chừng đơn giản nhưng lại ẩn chứa một mong ước sâu sắc của gia chủ, đó là mong muốn về cuộc sống bình an dưới mái nhà cổ kính.

Nhà vườn An Hiên từng được chọn làm bối cảnh trong phim về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Nhà vườn An Hiên từng được chọn làm bối cảnh trong phim về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Ngay khi bước qua cánh cổng vòm cổ kính rêu phong được xây dựng bằng gạch vôi vữa, tôi như được bước vào một thế giới hoàn toàn khác biệt. Dường như, tôi cảm nhận được bầu không khí thanh bình và yên tĩnh bao trùm nơi đây. Vẻ đẹp nhẹ nhàng, tinh tế của kiến trúc nhà vườn Huế hiện ra trước mắt, níu chân tôi bởi sự tao nhã và thanh lịch. Tiếng chim hót líu lo, tiếng lá cây xào xạc như hòa quyện vào nhau tạo nên một bản nhạc du dương, êm ái.

Vườn nhà An Hiên được bao bọc bởi những tán cây xanh mát rì rào, tạo nên bầu không khí thanh bình và yên tĩnh. Dọc theo con đường đất dài khoảng 34 m dẫn vào nhà vườn, tôi được chiêm ngưỡng hai hàng cây xanh cao vút đan xen tầng vào nhau, tạo nên một khung cảnh thơ mộng và đầy sức sống.

Cánh cổng vòm cổ kính rêu phong được xây dựng bằng gạch vôi vữa của nhà vườn An Hiên.

Cánh cổng vòm cổ kính rêu phong được xây dựng bằng gạch vôi vữa của nhà vườn An Hiên.

Sau khi bước qua cổng, tôi bắt gặp bức bình phong cổ kính được trang trí với chữ “Thọ” - biểu tượng cho sự trường thọ và may mắn. Bức bình phong này có vai trò quan trọng trong phong thủy nhà vườn, giúp ngăn chặn những điều không tốt lành vào trong nhà.

Tiếp tục tiến vào bên trong, hồ sen hình chữ nhật được xây dựng theo phong thủy kiến trúc nhà vườn thời xưa được mở ra. Hồ sen không chỉ tạo điểm nhấn cho cảnh quan mà còn mang ý nghĩa về sự thanh tao, thuần khiết và bình an.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Con đường đất dài khoảng 34 m dẫn vào nhà vườn An Hiên.

Con đường đất dài khoảng 34 m dẫn vào nhà vườn An Hiên.

Hướng dẫn viên chia sẻ: “Bức bình phong là để che chắn và bảo vệ ngôi nhà khỏi những điều xấu từ bên ngoài xâm nhập vào bên trong. Đứng ngoài không thấy trong, nhưng ngồi trong nhìn ra có thể thấy được ngoài, thậm chí thấy được cả bờ sông Hương bên kia. Và phong thủy thì luôn luôn đi đôi với nhau, có bình phong thì phải có hồ nước. Hồ nước hội tụ linh khí và tinh hoa của trời đất để trừ dương và trợ lực cho bàn thờ gia tiên trong gian giữa của ngôi nhà. Đây là hai vật phong thủy không thể thiếu trong kiến trúc nhà vườn Huế. Thế nhưng, nhà vườn An Hiên lại đặc biệt hơn hẳn bởi dáng vẻ của bức bình phong uốn lượn mềm mại như chiếc mũ cánh chuồn của một vị quan võ”.

Ngoài ra, bao quanh ngôi nhà là một khu vườn rộng lớn với đủ loại cây trái từ tứ phương. Dưới tán cây xanh rì rào, những con đường nhỏ uốn lượn dẫn lối tôi khám phá từng góc vườn. Những hàng cây sai trĩu quả như vải ngọt lịm, măng cụt thơm nức, mít vàng ươm, bưởi thanh mát, thanh long đỏ rực... tất cả đều được trồng và chăm sóc cẩn thận.

Bức bình phong và hồ nước là hai vật phong thủy không thể thiếu trong kiến trúc nhà vườn Huế.

Bức bình phong và hồ nước là hai vật phong thủy không thể thiếu trong kiến trúc nhà vườn Huế.

Con đường nhỏ rợp bóng cây xanh dẫn vào nhà vườn An Hiên.

Con đường nhỏ rợp bóng cây xanh dẫn vào nhà vườn An Hiên.

Bài liên quan

Huế mộng mơ ẩn hiện trong từng góc nhà vườn An Hiên

Nổi bật giữa khuôn viên vườn cây xanh rì rào, ngôi nhà cổ truyền thống rộng 135 m2 sừng sững hiên ngang, mang đậm dấu ấn kiến trúc nhà rường đặc trưng của xứ Huế. Ngôi nhà được thiết kế theo cấu trúc 3 gian 2 chái, thể hiện sự cân đối hài hòa và tuân theo quy tắc “đông ấm hè mát” của người xưa.

Gian chính nằm ở vị trí trung tâm được bài trí trang nghiêm, là nơi thờ cúng tổ tiên và các vị thần linh. Hai gian bên cạnh được sử dụng làm nơi tiếp khách, nơi gia đình sum vầy và sinh hoạt chung. Hai chái nhà được phân chia rõ ràng, bên trái là nơi sinh hoạt của nam giới, bên phải là nơi sinh hoạt của nữ giới.

Chủ thể là một ngôi nhà rường nằm ở trung tâm khu vườn, rộng 135 m2.

Chủ thể là một ngôi nhà rường nằm ở trung tâm khu vườn, rộng 135 m2.

Khung nhà được làm hoàn toàn bằng gỗ quý với hệ thống cột kèo chính được điêu khắc tinh xảo những hoa văn cổ truyền thống. Những đường nét chạm trổ tỉ mỉ, uyển chuyển thể hiện sự tài hoa của người thợ mộc xưa, đồng thời mang ý nghĩa cầu may mắn, bình an cho gia chủ.

Phần mái nhà được lợp nhiều lớp ngói âm dương, xếp chồng lên nhau một cách khít khao, tạo nên sự chắc chắn và chống thấm nước hiệu quả. Đỉnh mái nhà được trang trí hình hoa sen biểu tượng cho sự thanh tao, thuần khiết và hai bên mái đắp hình rồng chầu biểu tượng cho quyền lực, uy nghi.

Gian nhà giữa là nơi thờ cúng

Gian nhà giữa là nơi thờ cúng

Bức hoành phi đề 4 chữ

Bức hoành phi đề 4 chữ "Văn Võ Trung Hiếu" của vua Bảo Đại

Bước vào không gian nhà rường cổ kính tại nhà vườn An Hiên, tôi như được quay ngược thời gian trở về với những giá trị văn hóa và lịch sử của triều đại nhà Nguyễn. Nơi đây lưu giữ vô số kỷ vật cổ xưa quý giá, là minh chứng cho sự thịnh vượng và tinh hoa của một thời vàng son.

Điểm nhấn nổi bật nhất chính là bức hoành phi đề bốn chữ “Văn Võ Trung Hiếu” được treo trang trọng ở gian giữa. Bức hoành phi này được vua Bảo Đại ban tặng cho gia chủ vào năm 1937, như lời khen ngợi cho những phẩm chất đạo đức cao quý và sự đóng góp to lớn của gia đình đối với triều đình.

Bàn ghế gỗ cổ xưa tại ngôi nhà rường

Bàn ghế gỗ cổ xưa tại ngôi nhà rường

Bên trong nhà có nhiều kỷ vật quý của cung đình.

Bên trong nhà có nhiều kỷ vật quý của cung đình.

Bên cạnh đó, không gian nhà rường còn được tô điểm bởi những đồ dùng thời xưa tinh xảo và quý giá. Từ những bộ bàn ghế gỗ chạm trổ hoa văn tinh tế, tủ chè cẩn ốc lấp lánh, cho đến bộ ấm chén uống trà mang đậm dấu ấn thời gian, tất cả đều toát lên vẻ đẹp cổ kính và sang trọng. Mọi đồ vật đều được sắp xếp gọn gàng, hài hòa theo nguyên tắc phong thủy của kiến trúc nhà truyền thống Việt Nam, tạo nên một không gian sống thanh lịch và tao nhã.

Sau khi chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính của ngôi nhà, chúng tôi quây quần bên tách trà thơm, lắng nghe hướng dẫn viên say sưa kể về lịch sử lâu đời của nhà vườn An Hiên.

Bộ ấm trà từ cuối thế kỷ 19.

Bộ ấm trà từ cuối thế kỷ 19.

Theo lời kể của hướng dẫn viên, nhà vườn An Hiên được xây dựng vào cuối thế kỷ XIX, từng là nơi sinh sống của công chúa thứ 18 của Hoàng đế Dục Đức. Sau đó, vào năm 1895, cơ ngơi này được chuyển nhượng cho ông Phạm Đăng Khanh, con trai của một vị đại thần thời Gia Long.

Năm 1920, ông Khanh bán lại nhà vườn cho ông Tùng Lễ, một vị phú gia nổi tiếng với tấm lòng nhân đức. Đến năm 1936, nhà vườn chính thức thuộc sở hữu của Tuần phủ tỉnh Hà Tĩnh - ông Nguyễn Đình Chi. Sau khi ông Chi qua đời vào năm 1940, người vợ Đào Thị Xuân Yến tiếp tục quản lý và gìn giữ ngôi nhà.

Gian nhà lưu giữ kỷ vật của bà Đào Thị Xuân Yến.

Gian nhà lưu giữ kỷ vật của bà Đào Thị Xuân Yến.

Sau này, nhà vườn An Hiên được thừa kế bởi con dâu Phan Thị Hoàng Oanh và bốn người cháu nội. Trải qua bao thăng trầm của thời gian, nhà vườn vẫn giữ nguyên vẹn vẻ đẹp cổ kính và thanh bình, trở thành điểm đến thu hút du khách khi du lịch Huế.

Nhà vườn An Hiên là địa điểm chụp hình check-in yêu thích của nhiều bạn trẻ.

Nhà vườn An Hiên là địa điểm chụp hình check-in yêu thích của nhiều bạn trẻ.

Bài và ảnh: Phương Mai
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES