32 cây cầu thủy tinh, lối đi bộ và đài quan sát tại 24 điểm danh lam thắng cảnh ở phía bắc tỉnh Hà Bắc đã ngừng hoạt động kể từ tháng 3 năm ngoái. Cây cầu treo kính dài nhất thế giới Hồng Nhai Cốc 488 m cũng có trong danh sách này dù mở cửa chỉ 2 năm trước. Động thái này không chỉ ảnh hưởng tới các khu du lịch của tỉnh, mà còn tác động tới một số điểm tham quan tương tự ở nhiều nơi khác tại Trung Quốc.
Cầu thủy tinh rất phổ biến ở Trung Quốc trong những năm gần đây, thu hút lượng lớn du khách từ trong và ngoài nước, được xem như cú hích cho nền du lịch ở nhiều địa phương vì tính mới lạ, kích thích sự ưa mạo hiểm của du khách. Số lượng các công trình tham quan bằng thủy tinh mới xây dựng cũng tăng mạnh trong 2 năm qua. Trung Quốc hiện có khoảng 2.300 cây cầu thủy tinh cùng với các lối đi và cầu trượt bằng kính. Tuy nhiên, ở nhiều khu vực, các công trình có vấn đề về chất lượng dẫn đến tai nạn tử vong cho du khách. Việc đóng cửa các cầu thủy tinh diễn ra sau loạt vụ tai nạn.
Vào năm 2015, lối đi đáy kính gắn liền với sườn núi ở tỉnh Hà Nam của Trung Quốc đã bị nứt sau khi khách du lịch đi qua. Lối đi cao 0,91 m sau đó đã bị đóng cửa để sửa chữa. Năm sau, một du khách đã bị thương do đá rơi khi đi bộ trên cầu đáy kính cao nhất thế giới ở Trương Gia Giới, tỉnh Hồ Nam. Cây cầu nổi tiếng phải đóng cửa để bảo trì chưa đầy 2 tuần sau khi khai trương vì quá tải du khách. Năm 2017, một người chết trong vụ tai nạn trên máng trượt kính tại khu danh lam thắng cảnh Mộc Lan Thánh Thiên (Mulan Shengtian) ở tỉnh Hồ Bắc. Năm nay, vụ tai nạn khác diễn ra tại khu danh lam thắng cảnh ở khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, dẫn đến một người chết và 6 người bị thương.
Trước sự nở rộ của hàng loạt cầu kính được xây dựng mà không đảm bảo quy chuẩn an toàn, Chính phủ Trung Quốc đã kêu gọi các nhà chức trách tiến hành kiểm tra toàn diện tất cả cấu trúc kính trên cả nước.